Cân nhắc quyền lợi người tiêu dùng trong chính sách kiểm soát thuốc lá mới

Thứ năm, 29/08/2024 14:41
(ĐCSVN) - Khi chính sách quản lý thuốc lá làm nóng hay các sản phẩm thuốc lá mới khác vẫn còn bỏ ngỏ, vấn đề nên quản hay cấm vẫn còn tiếp diễn thì nội dung cũng được nhiều người quan tâm là xem xét đến nhu cầu thực tiễn và tiếng nói, quyền lợi của người tiêu dùng.

Dù cấm tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới vẫn gia tăng

Ngày 1/8, tại hội thảo “Nghiên cứu khoa học về giải pháp không khói để hỗ trợ quản lý thuốc lá”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ đặt vấn đề: “Chúng ta nên cân nhắc dựa trên quan điểm: Thứ nhất là bảo vệ sức khỏe cho những người chưa nghiện thuốc lá để không bị nghiện. Thứ hai tính đến hơn chục triệu người đang nghiện thuốc lá, để họ được quyền tiếp cận những sản phẩm có thể giảm độc hại hơn, tốt hơn cho sức khỏe của họ”.

Ông Tạ Văn Hạ chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: TL. 

Đối với thuốc lá làm nóng (TLLN) hay các loại thuốc lá mới khác, hiện nay một số ý kiến cho rằng cần cấm để giảm tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá trong nước, cũng như nhận định TLLN gây hại hơn so với thuốc lá điếu.

Thế nhưng, thực tế không ít chuyên gia và người tiêu dùng dự đoán việc cấm chỉ làm cho miếng bánh của thị trường chợ đen ngày càng lớn hơn trong khi nhu cầu tiêu thụ thực tế có thể sẽ không giảm. Minh chứng cho thấy trong suốt nhiều năm qua, Việt Nam chưa cho phép thuốc lá mới – vốn không khác với lệnh cấm, nhưng tỷ lệ sử dụng vẫn có xu hướng gia tăng.

Tại hội thảo ngày 1/8 nêu trên, chia sẻ về thực trạng của thuốc lá mới, ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội cho biết: Hiện nay, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng tại Việt Nam ngày càng tăng. Trong khi đó, hiện đang có khoảng trống pháp lý trong quản lý và phòng, chống tác hại của các sản phẩm này; cũng như việc quản lý hoạt động quảng cáo, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội còn hạn chế, thiếu quy định phù hợp và chế tài xử phạt đủ sức răn đe.

 Ở góc độ người tiêu dùng, Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Quỳnh Liên đánh giá: “Đứng về phía người dân, tôi cho rằng đây là một nhu cầu của xã hội. Trong khi chúng ta còn tranh luận cấm hay không thì thực tế ngoài thị trường người dân vẫn đang sử dụng”.

Có một thực tế, hiện nay, không khó để mua TLLN, thuốc lá mới, dù cấm hay không. Anh T.D (30 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Với thị trường hiện nay thì cho dù cấm, chỉ cần một cú nhấp chuột hay một tin nhắn trên các ứng dụng mạng, chúng tôi có thể dễ dàng tiếp cận được nguồn mua các sản phẩm xách tay”.

Trên các diễn đàn, mạng xã hội, vấn đề này cũng được thảo luận rộng rãi. Theo tài khoản L.L, ai cũng biết thuốc lá nào cũng gây hại. Song, việc liệu TLLN có thật sự ít hại hơn thuốc lá truyền thống hay không mới là điều mà người hút thuốc cần được làm rõ.

Cần xem xét kết quả thực tiễn để đánh giá toàn diện thuốc lá làm nóng

Tại hội thảo nêu trên, nhiều đại biểu đồng thuận cần xem xét quyền lợi của người tiêu dùng khi đưa ra giải pháp kiểm soát thuốc lá mới. Theo bà Nguyễn Quỳnh Liên, phải có giải pháp về quản lý Nhà nước, lẫn thay đổi nhận thức của người dùng. Nếu quản lý, thì phải quản lý chặt chẽ có định hướng, lấy người tiêu dùng làm trung tâm, lấy sức khỏe người tiêu dùng làm mục tiêu. Dưới góc độ phản biện từ nhân dân, cần tổng rà soát mặt hàng này, nghiên cứu, khảo cứu, xem xét các công ty sản xuất uy tín, kiểm soát được nó dưới tác hại của con người. Đồng thời, cần sửa đổi Nghị định 67.

Bà Nguyễn Quỳnh Liên. Ảnh: TL.

Thống nhất mọi loại thuốc lá đều có hại cho sức khỏe, trong đó có thuốc lá mới, tuy nhiên ông Tạ Văn Hạ cho rằng, cần đánh giá tổng thể, nghiên cứu toàn diện mọi khía cạnh, dựa trên các căn cứ thực tiễn, khoa học và pháp lý, sức khỏe, quyền con người, trong đó có cả những người đang hút thuốc lá để quyết định chính sách quản lý phù hợp.

Về khả năng TLLN thu hút người trẻ, người chưa từng hút thuốc, các ý kiến nhận định cần so sánh bối cảnh trong nước với các nghiên cứu quốc tế. Cụ thể, thay vì kết luận dựa trên quan sát, ghi nhận từ thị trường hàng lậu như hiện tại, cơ quan quản lý nên xem xét kết quả thực tiễn từ những quốc gia cho phép lưu hành sản phẩm hợp pháp để đánh giá toàn diện liệu sản phẩm có đáng lo ngại hơn thuốc lá điếu hay không?.

Theo đó, khảo sát mới đây của Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại thuộc Đại học Seoul, Hàn Quốc về tính thu hút của TLLN cho kết quả: Đến 99,4% người dùng TLLN là chuyển đổi từ thuốc lá truyền thống sang, chỉ 0,6% là người hút mới. Nhóm chuyên gia này cũng khẳng định, việc chuyển đổi sang TLLN sẽ đóng góp vào nỗ lực cai nghiện thuốc lá. Ngoài ra, không có bằng chứng nào cho thấy TLLN là nguyên nhân bắc cầu sang hút thuốc lá truyền thống.

Đến nay, có ít nhất 4 nghiên cứu độc lập cấp quốc gia đã chứng minh tỷ lệ giới trẻ hút TLLN chỉ ở mức rất thấp, từ nghiên cứu của Bộ Y tế Nhật Bản, FDA Hoa Kỳ, Trung tâm Giáo dục Sức khỏe Đức và Viện Nghiên cứu về chứng nghiện Thụy Sĩ. Theo đó, từ 2019 – 2022, tỷ lệ giới trẻ Thụy Sĩ từng sử dụng TLLN là 0,9 – 1,3%, Đức là 0,3%, Mỹ là 0,7%, và Nhật chỉ 0,1%.

Xét trong phạm vi khu vực, Việt Nam hiện là một trong ít quốc gia trong khối ASEAN còn bỏ ngỏ khung pháp lý cho sản phẩm này.

Tại Thái Lan, dù cấm thuốc lá mới trong 10 năm qua nhưng gần đây nước này đang bắt đầu hướng đến việc quản lý thay cho lệnh cấm chưa hiệu quả. Chứng kiến sự bành trướng của thị trường chợ đen bất chấp lệnh cấm và mức phạt nặng, Chính phủ Thái Lan đã thành lập Ủy ban Đặc biệt vào năm 2023 để nghiên cứu, rà soát tình hình thực tiễn và đề xuất giải pháp mới. 

Thực tế cho thấy, nếu không kịp thời đưa ra các biện pháp kiểm soát TLLN cũng như các sản phẩm thuốc lá mới khác, các sản phẩm này sẽ phát triển theo hướng méo mó từ thị trường chợ đen. Hệ lụy tất yếu sẽ là những gánh nặng cộng thêm từ các lĩnh vực y tế, sức khỏe và xã hội...!./.

Thành Long

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực