Theo Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Bộ Tư pháp Phan Hồng Nguyên, sách là kho tàng tri thức quý báu, đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin về tri thức nhân loại đến người dân. Sách pháp luật là công cụ quan trọng, là phương tiện để thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa tri thức pháp lý đến người dân.
Thông qua đọc sách pháp luật, độc giả sẽ được trang bị nội dung, kiến thức pháp luật; các quy định về quyền, nghĩa vụ pháp lý cụ thể trong từng lĩnh vực để nâng cao hiểu biết của bản thân. Hiểu biết pháp luật sẽ giúp hình thành trong người dân niềm tin vào luật pháp; tăng cường ý thức tự giác chấp hành pháp luật, sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Thực tế cho thấy, hiện nay, sách pháp luật rất đa dạng, phong phú, đòi hỏi các hoạt động PBGDPL cũng cần có nhiều hình thức sáng tạo để góp phần đưa tri thức đến người dân một cách dễ dàng và hiệu quả hơn.
Thời gian qua, các cơ quan, địa phương đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền PBGDPL hiệu quả thông qua hình thức “Tủ sách cộng đồng” hay “Quán cà phê pháp luật”, “cà phê doanh nhân”...
|
Bạn đọc đến đọc sách tại quán cà phê pháp luật tại phường I, thành phố Vị Thanh (Hậu Giang). Ảnh: TL.
|
Theo bà Vũ Thị Nga, Trưởng phòng PBGDPL, Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương, “Tủ sách cộng đồng” làng Mộ Trạch được thành lập từ năm 2009, khởi nguồn là tủ sách của dòng họ Vũ/Võ làng Mộ Trạch để phục vụ các thành viên trong dòng họ nghiên cứu, tham khảo, nguồn sách này do con cháu trong dòng họ từ khắp mọi miền Tổ quốc quyên góp. Tủ sách được đặt tại Nhà Văn hóa của làng. Sau khi ra mắt, “Tủ sách cộng đồng” mở cửa các ngày trong tuần để đón bà con đến đọc sách. Vào những ngày thứ Bảy, Chủ nhật ngoài thời gian mở cửa ban ngày, còn mở cửa thêm 2 giờ buổi tối để phục vụ nhu cầu đọc sách của bà con, đặc biệt là các cháu học sinh, thanh niên, thiếu niên.
Tính đến nay, “Tủ sách cộng đồng” của làng Mộ Trạch có trên 1.500 đầu sách, với đủ các thể loại như: sách pháp luật, sách lịch sử, văn học, y học, khuyến nông, sách cho thiếu nhi… “Tủ sách cộng đồng” của làng đã thu hút đông đảo bà con, thanh niên, thiếu niên, học sinh và trở thành kênh thông tin quan trọng đối với người dân của làng, đặc biệt đối với những hộ còn khó khăn về điều kiện hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin. Bình quân khi mới ra mắt tủ sách, mỗi ngày có 30 người đến đọc, mượn sách mỗi ngày. “Tủ sách cộng đồng” của làng Mộ Trạch cũng đã trở thành mô hình được nhiều làng, thôn, dân cư trong và ngoài tỉnh đến tham quan và học tập kinh nghiệm. Thông qua việc tìm hiểu, nghiên cứu, đọc các sách, tài liệu pháp luật của tủ sách, nhiều người dân cũng được tìm hiểu, tiếp cận các kiến thức pháp luật và vận dụng các quy định của pháp luật vào thực tế một cách đầy đủ, chính xác.
Ông Vũ Quốc Ái, 78 tuổi, thương binh hạng ¼, Chi hội trưởng Chi hội khuyến học làng Mộ Trạch, thủ thư tủ sách họ Vũ cho biết, ông làm thủ thư từ khi tủ sách ra mắt đến nay chủ yếu với tinh thần phục vụ, cống hiến chứ không có thù lao.
“Hàng năm cứ đến mùng 8 tháng Giêng là lễ hội truyền thống, khách thập phương lại đến Mộ Trạch nghe chuyện, tưởng nhớ các tiến sĩ Nho học đã làm nên một làng khoa bảng có một không hai. Khi ấy các hậu duệ họ Vũ lại đóng góp, ủng hộ để phát triển Tủ sách của làng”, ông Ái cho hay.
Cũng theo ông Ái, tuy chính quyền địa phương rất tích cực trong việc huy động xã hội hóa để duy trì tủ sách nhưng nguồn lực ngày càng hạn chế. Đặc biệt do sự phát triển và ứng dụng sâu rộng các thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực khoa học – công nghệ - thông tun, internet; các trang mạng xã hội đã và đang thu hút rất nhiều người trong cộng đồng người dân, ở mọi lúc, mọi nơi ... nên nhu cầu tìm hiểu kiến thức trong tủ sách truyền thống cũng trở nên ít đi. Bên cạnh đó, việc huy động kinh phí gặp nhiều khó khăn trong thực trạng văn hóa đọc đi xuống, số lượng người đến đọc sách ngày càng giảm. Trong số ít người đến đọc, cũng chủ yếu là tìm hiểu các loại sách, báo phổ biển kiến thức về lao động, sản xuất, kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi, người đến tìm hiểu sách...
Tại Tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả văn hóa đọc sách pháp luật”, ông Đồng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang chia sẻ, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 8/8 huyện, thị xã, thành phố có gần 60 mô hình “Quán cà phê pháp luật”. Qua nhiều năm áp dụng mô hình đi vào hoạt động, công tác PBGDPL gắn với mô hình này đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, chất lượng chưa cao, chưa duy trì sinh hoạt thường xuyên, liên tục; chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý các mô hình tuyên truyền PBGDPL; việc đầu tư về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động cho mô hình còn hạn chế, chưa đảm bảo đầy đủ; còn tình trạng lười, ngại đọc sách pháp luật trong một phận người dân nhất là trong giới thanh, thiếu niên, đặc biệt trong giai đoạn công nghệ thông tin phát triển…
Theo đó, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang Đồng Việt Phương đề xuất cần nhân rộng các mô hình “Quán cà phê pháp luật”, “cà phê doanh nhân”; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn, đối tượng được phổ biến; tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ cho những người làm công tác tuyên truyền; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng, hướng dẫn đúng đắn từ gia đình, nhà trường về văn hóa đọc nhất là đọc sách pháp luật, nhằm giúp các em học sinh có nền tảng tri thức, nhất là tri thức pháp luật, tạo cho các em có thói quen tự tìm hiểu pháp luật, tự giác chấp hành pháp luật ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
Để nâng cao hiệu quả văn hóa đọc sách pháp luật, nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, khơi dậy, duy trì phát huy văn hóa đọc trong cộng đồng để việc đọc sách trở thành nhu cầu tự thân; ban hành thể chế, chính sách để khuyến khích văn hóa đọc và thiết chế hiệu quả phục vụ văn hóa đọc; cần thiết phải xây dựng, hình thành văn hóa đọc sách nói chung, sách pháp luật nói riêng trong từng cá nhân công dân và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc xuất bản các loại hình sách pháp luật điện tử; quan tâm đầu tư, xuất bản sách pháp luật dành cho đối tượng là người yếu thế trong xã hội…Qua đó, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống, để mọi người dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật./.