Nâng cao quyền và trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể trong việc thực hiện BHXH, Luật BHXH (sửa đổi)

Thứ năm, 18/12/2014 15:54

(ĐCSVN) – Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII đã bổ sung quyền và trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể trong việc thực hiện BHXH, Luật BHXH (sửa đổi).

Luật BHXH (sửa đổi) Bổ sung trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về bảo hiểm xã hội của người lao động.

Bổ sung trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp về BHXH: Xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.

Bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động: Lập hồ sơ để ng­ười lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội; Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật; Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động; định kỳ 06 tháng niêm yết công khai thông tin về việc đóng BHXH của người lao động; Hằng năm, niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội của người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp; bỏ quy định quản lý số BHXH khi người lao đông đang làm việc; bổ sung trách nhiệm giới thiệu người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhiều lần ra Hội đồng giám định y khoa để giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động.

Về trách nhiệm của tổ chức đại diện người sử dụng lao động: bổ sung trách nhiệm tham gia kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về bảo hiểm xã hội; Tổ chức công đoàn được bổ sung quyền khởi kiện đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; bổ sung trách nhiệm tham gia thanh tra việc thi hành pháp luật về BHXH;

Bổ sung quy định về quyền và trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, chủ động tham gia các loại hình bảo hiểm xã hội phù hợp với bản thân và gia đình; tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên; phản biện xã hội, tham gia với cơ quan nhà nước trong việc xây dựng chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

Luật BHXH (sửa đổi) quy định Cơ quan bảo hiểm xã hội là cơ quan nhà nước có chức năng thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; thanh tra việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này.

Bổ sung trách nhiệm của cơ quan BHXH: Ban hành mẫu sổ, mẫu hồ sơ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Hàng năm, xác nhận thời gian đóng BHXH cho từng người lao động, cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về việc đóng, quyền đư­ợc hưởng chế độ, cung cấp thông tin về việc đóng BHXH của người lao động để người sử dụng lao động niêm yết công khai, cơ quan BHXH tại địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp về tình hình thực hiện BHXH, BHYT, BHTN; Công khai trên phương tiện truyền thông về người sử dụng lao động vi phạm nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; Bỏ trách nhiệm giới thiệu người lao động, thân nhân người lao động ra Hội đồng Giám định y khoa để giám định mức suy giảm khả năng lao động .

Cơ quan BHXH còn được bổ sung quyền được yêu cầu người sử dụng lao động xuất trình sổ quản lý lao động, bảng lương và thông tin, tài liệu khác liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; quyền được cơ quan đăng ký doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hoạt động hoặc giấy phép hoạt động gửi bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; giấy phép hoạt động; giấy chứng nhận hoạt động hoặc quyết định thành lập; được cơ quan thuế cung cấp mã số thuế của tổ chức, cá nhân; định kỳ hằng năm cung cấp thông tin về chi phí tiền lương để tính thuế của doanh nghiệp hoặc tổ chức; định kỳ sáu tháng được cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở địa phương cung cấp thông tin về tình hình sử dụng và thay đổi lao động trên địa bàn.

Cơ quan bảo hiểm xã hội được giao chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan và được giao thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về BHXH.

Chế tài xử lý vi phạm: Quy định các hành vi bị nghiêm cấm, quy định cụ thể về xử lý vi phạm pháp luật về BHXH. Tăng chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm quy định về đóng BHXH theo quy định từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng;

Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ 1/1/2016, để đảm bảo tính khả thi một số quy định thực hiện từ 1/1/2018 đây là căn cứ pháp lý rất quan trọng để thực hiện các chế độ BHXH cho người lao động và nhân dân nhằm thực hiện mục tiêu BHXH cho mọi người lao động, trước mắt phấn đấu đến năm 2020 có 50 % lực lượng lao động tham gia BHXH góp phần bảo đảm an sinh xã hội của đất nước./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực