Nghị quyết về trang phục của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân; Giấy chứng minh thẩm phán, Giấy chứng minh hội thẩm

Thứ sáu, 22/07/2016 15:05
(ĐCSVN) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII vừa ban hành Nghị quyết số 1214/2016/NQ-UBTVQH13, ngày 13/6/2016 về trang phục của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân; Giấy chứng minh thẩm phán, Giấy chứng minh hội thẩm. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

 

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
________

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
_________________

Nghị quyết số: 1214/2016/UBTVQH13

 


NGHỊ QUYẾT

VỀ TRANG PHỤC CỦA THẨM PHÁN, HỘI THẨM NHÂN DÂN;

GIẤY CHỨNG MINH THẨM PHÁN, GIẤY CHỨNG MINH HỘI THẨM

 

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

 

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân số 62/2014/QH13;

Xét đề nghị của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao tại Tờ trình số 05/TTr-TANDTC ngày 19 tháng 5 năm 2016,

 

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1.

1. Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp được cấp trang phục để sử dụng theo niên hạn gồm:

a) Trang phục xét xử;

b) Lễ phục: nam giới là bộ comple, nữ giới là bộ áo dài truyền thống;

c) Trang phục làm việc hàng ngày gồm:

- Trang phục xuân - hè là quần âu, áo sơ mi trắng;

- Trang phục thu - đông là bộ comple, áo sơ mi dài tay và áo khoác chống rét.

2. Thẩm phán được cấp: thắt lưng, giầy da, bít tất, cà vạt, cặp đựng tài liệu và phù hiệu Thẩm phán.

Điều 2.

1. Hội thẩm nhân dân được cấp trang phục để sử dụng theo niên hạn gồm:

- Trang phục xuân - hè là quần âu, áo sơ mi trắng;

- Trang phục thu - đông là bộ comple, áo sơ mi dài tay.

2. Hội thẩm nhân dân được cấp: thắt lưng, giầy da, bít tất, cà vạt và cặp đựng tài liệu.

Điều 3.

Kiểu dáng, chất liệu, màu sắc của từng loại trang phục tại Điều 1 và Điều 2 của Nghị quyết này do Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao quy định.

Điều 4.

1. Niên hạn sử dụng trang phục của Thẩm phán:

a) Lễ phục: năm năm một bộ;

b) Trang phục xét xử: theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 của Nghị quyết này;

c) Trang phục thu - đông: hai năm một bộ, lần đầu cấp hai bộ.

Đối với Thẩm phán các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng trở vào phía Nam (trừ tỉnh Lâm Đồng) được cấp trang phục thu - đông bốn năm một bộ;

d) Trang phục xuân - hè: một năm một bộ; lần đầu cấp hai bộ.

Đối với Thẩm phán các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng trở vào phía Nam (trừ tỉnh Lâm Đồng) được cấp trang phục xuân - hè một năm hai bộ, lần đầu cấp hai bộ;

đ) Áo khoác chống rét: năm năm một chiếc;

e) Áo sơ mi dài tay: một năm hai chiếc, lần đầu cấp hai chiếc;

g) Thắt lưng: hai năm một chiếc;

h) Giầy da: hai năm một đôi, lần đầu cấp hai đôi;

i) Bít tất: một năm hai đôi;

k) Cà vạt: năm năm hai chiếc;

l) Cặp đựng tài liệu: ba năm một chiếc.

2. Niên hạn sử dụng trang phục của Hội thẩm nhân dân:

a) Trang phục thu - đông: năm năm một bộ;

b) Trang phục xuân - hè: năm năm hai bộ; lần đầu cấp hai bộ.

c) Áo sơ mi dài tay: năm năm hai chiếc, lần đầu cấp hai chiếc;

d) Thắt lưng: năm năm hai chiếc;

đ) Giầy da: năm năm hai đôi, lần đầu cấp hai đôi;

e) Bít tất: một năm hai đôi;

g) Cà vạt: năm năm hai chiếc;

h) Cặp đựng tài liệu: năm năm một chiếc.

Điều 5.

1. Phù hiệu Thẩm phán được làm bằng kim loại có hình chữ nhật màu xanh da trời (kích thước 2cm x 6cm), được dùng để đeo trên ngực trái của Thẩm phán. Trên mặt tấm biển phù hiệu này, phía bên trái có biểu tượng của Tòa án; ở giữa là họ và tên Thẩm phán; phía bên phải có họa tiết để phân biệt các ngạch Thẩm phán, cụ thể như sau:

a)  Đối với Thẩm phán sơ cấp: họa tiết phía bên phải có 01 vạch ngang màu đỏ, theo Mẫu số 1.

Mẫu số 1

b) Đối với Thẩm phán trung cấp: họa tiết phía bên phải có 02 vạch ngang màu đỏ (vạch thứ hai ở trên vạch thứ nhất và ngắn hơn, ở chính giữa vị trí so với vạch thứ nhất), theo Mẫu số 2.


Mẫu số 2

c) Đối với Thẩm phán cao cấp: họa tiết phía bên phải có 03 vạch ngang màu đỏ (vạch thứ 3 ở chính giữa và ngắn hơn vạch thứ 2), theo Mẫu số 3.


Mẫu số 3

d) Đối với Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao: họa tiết ghi bên phải có 04 vạch ngang màu đỏ (vạch thứ 4 ở chính giữa và ngắn hơn vạch thứ 3), theo Mẫu số 4.

Phù hiệu của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao có ngôi sao vàng 5 cánh thiết kế phía trên chính giữa vạch ngang màu đỏ thứ 4, theo Mẫu số 5.

 

Mẫu số 4

Mẫu số 5

2. Phù hiệu Thẩm phán được cấp một lần cho mỗi ngạch.

Điều 6.

Trang phục của Thẩm phán và Hội thẩm quân nhân làm việc tại các Tòa án quân sự thực hiện theo quy định về trang phục đối với Quân đội nhân dân Việt Nam.

Điều 7.

Giấy chứng minh Thẩm phán; Giấy chứng minh Hội thẩm nhân dân; Giấy chứng minh Hội thẩm quân nhân do Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao cấp.

Điều 8.

Giấy chứng minh Thẩm phán có chiều dài 95mm, chiều rộng 62mm, gồm hai trang được trình bày như sau:

Mặt trước: nền đỏ, trên cùng là dòng chữ màu vàng “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”, ở giữa là Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và phía dưới Quốc huy là dòng chữ màu vàng “GIẤY CHỨNG MINH THẨM PHÁN”, theo Mẫu số 6.


Mẫu số 6                                                     Mẫu số 7

Mặt sau: nền trắng, có hoa văn chìm màu hồng, có một đường gạch chéo màu đỏ rộng 8mm chạy từ góc dưới bên trái lên góc trên bên phải, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, theo Mẫu số 7.

Điều 9.

1. Giấy chứng minh Hội thẩm nhân dân có chiều dài 95mm, chiều rộng 62mm, gồm hai trang được trình bày như sau:

Mặt trước: nền đỏ, trên cùng là dòng chữ màu vàng “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”, ở giữa là Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và phía dưới Quốc huy là dòng chữ màu vàng “GIẤY CHỨNG MINH HỘI THẨM NHÂN DÂN”, theo Mẫu số 8.

Mẫu số 8                                                         Mẫu số 9

Mặt sau: nền trắng, có hoa văn chìm màu hồng, theo Mẫu số 9.

2. Giấy chứng minh Hội thẩm quân nhân có mẫu như Giấy chứng minh Hội thẩm nhân dân, trong đó dòng chữ “GIẤY CHỨNG MINH HỘI THẨM NHÂN DÂN” được thay bằng dòng chữ “GIẤY CHỨNG MINH HỘI THẨM QUÂN NHÂN”.

Điều 10.

1. Trang phục xét xử của Thẩm phán được sử dụng tại phiên tòa hoặc phiên họp khi Thẩm phán tham gia xét xử hoặc giải quyết các vụ việc theo quy định của pháp luật.

2. Lễ phục được sử dụng trong các ngày lễ hoặc sự kiện quan trọng.

3. Trang phục làm việc hàng ngày được Thẩm phán sử dụng trong thời gian làm việc.

4. Trong giờ làm việc và khi thực hiện nhiệm vụ, Thẩm phán và Hội thẩm phải mặc trang phục được cấp theo quy định; Thẩm phán phải mang Giấy chứng minh Thẩm phán, Hội thẩm phải mang Giấy chứng minh Hội thẩm.

Điều 11.

1. Thẩm phán, Hội thẩm không được sử dụng Giấy chứng minh Thẩm phán, Giấy chứng minh Hội thẩm vào mục đích tư lợi hoặc vào việc riêng; không được dùng Giấy chứng minh Thẩm phán, Giấy chứng minh Hội thẩm thay giấy giới thiệu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc các loại giấy tờ tuỳ thân khác; khi mất Giấy chứng minh Thẩm phán, Giấy chứng minh Hội thẩm thì phải báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất và Chánh án Tòa án nơi mình công tác.

2. Việc cấp, đổi, thu hồi Giấy chứng minh Thẩm phán, Giấy chứng minh Hội thẩm do Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao quy định.

Điều 12.

Thẩm phán, Hội thẩm vi phạm các quy định về chế độ sử dụng trang phục, Giấy chứng minh Thẩm phán, Giấy chứng minh Hội thẩm thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 13.

1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

2. Đối với trang phục xét xử quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1 Nghị quyết này, giao Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao tổ chức thực hiện thí điểm trang phục xét xử là áo choàng dài tay màu đen cho từng ngạch Thẩm phán tại một số Tòa án, đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo trước ngày 01 tháng 7 năm 2017 để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Trong thời gian thực hiện thí điểm, Thẩm phán được cấp một lần hai chiếc áo choàng dài tay màu đen.

Tại những Tòa án không thực hiện thí điểm, Thẩm phán sử dụng trang phục xét xử như hiện hành cho đến khi có quy định mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trang phục xét xử.

3. Nghị quyết này thay thế các quy định về trang phục Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân; Giấy chứng minh Thẩm phán và Giấy chứng minh Hội thẩm tại Nghị quyết số 221/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 09 tháng 01 năm 2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

4. Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

 

 Hà Nội, ngày 13 tháng 6  năm 2016

TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

CHỦ TỊCH 

Nguyễn Thị Kim Ngân

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực