Nhiều nước có quyết sách riêng về chính sách kiểm soát thuốc lá mới
Trên thực tế, việc quản lý thuốc lá mới dựa trên chính kiến của quốc gia hiện đã vượt ngoài khuôn khổ khuyến nghị của WHO, như áp thuế TLNN thấp hơn, hoặc các quy định kiểm soát nới lỏng hơn so với thuốc lá điếu. Chính sách này đang giúp các quốc gia giảm tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá, cũng như tiết kiệm ngân sách thay vì chỉ lao vào cuộc chiến chống thuốc lá lậu không hồi kết.
Trước đó, Trung Quốc cũng đã từng bác bỏ các hướng dẫn cho các Bên về việc hạn chế sự can thiệp của chính phủ đối với ngành công nghiệp thuốc lá tại cuộc họp các bên lần thứ 3 (COP3) tổ chức vào năm 2008. Mặt khác, tại các kỳ họp Hội nghị các bên COP3 và COP4, phái đoàn Trung Quốc cũng tăng cường sự hiện diện của đại diện ngành công nghiệp thuốc lá dù điều này nằm ngoài khuyến nghị.
Hay như Philippines vốn trước đó duy trì chính sách khắt khe với thuốc lá mới, tại COP9, quốc gia này đã công bố cam kết có cách tiếp cận “công bằng và dựa trên bằng chứng khoa học” trong kiểm soát các sản phẩm này.
Malaysia hợp pháp hóa TLNN dưới luật kiểm soát thuốc lá hiện hành, ngay từ khi sản phẩm bắt đầu vào thị trường năm 2018. Đối với TLĐT, mới đây Bộ trưởng Y tế nước này, TS. Datuk Seri Dzulkefy Ahmad nhấn mạnh, Malaysia sẽ có luật riêng để quản lý các sản phẩm thuốc lá mà không phải cấm như một số quốc gia khác.
Còn Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế New Zealand, bà Casey Costello cũng cho biết việc các sản phẩm thuốc lá mới được sử dụng phổ biến rộng rãi tại nước này đã tác động đáng kể đến tỷ lệ cai thuốc lá điếu ngày càng tăng. Từ năm 2018 đến năm 2023, tỷ lệ hút thuốc lá tại đây đã giảm gần một nửa, từ 13,3% hiện chỉ còn 6,8%. Bộ Y tế New Zealand cũng quyết định giảm 50% mức thuế đối với TLNN kể từ tháng 7/2024, nhằm thúc đẩy để sản phẩm này trở thành công cụ hỗ trợ cai thuốc lá điếu.
|
Bà Casey Costello, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế New Zealand. (Ảnh: NZ Herald). |
Năm ngoái, sau quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, Bộ Y tế Hy Lạp đã chính thức phê duyệt công bố giảm độc tính đối với một loại sản phẩm TLNN phổ biến, trở thành cơ quan chính phủ tiếp theo sau FDA Hoa Kỳ cho phép công bố thông tin liên quan đến tiềm năng cải thiện sức khỏe đối với các sản phẩm thuốc lá.
Đối thoại minh bạch là một phần trong lộ trình xây dựng chính sách quản lý
Dù là sản phẩm có tác động đến sức khỏe, nhưng thuốc lá vẫn là ngành hàng hợp pháp. Tương tự Trung Quốc, Thái Lan, ngành hàng thuốc lá Việt Nam cũng được Chính phủ trực tiếp quản lý, thông qua các công ty quốc doanh.
Tại phiên họp thứ ba vào tháng 11/2008, Hội nghị các bên (COP) đã thông qua các hướng dẫn thực hiện Điều 5.3 của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) của WHO về bảo vệ các chính sách y tế công cộng liên quan đến kiểm soát thuốc lá khỏi các lợi ích thương mại và các lợi ích khác của ngành công nghiệp thuốc lá (quyết định FCTC/COP3(7)).
Theo đó, việc tiếp cận và cung cấp thông tin từ ngành hàng thuốc lá đến các cơ quan quản lý trên toàn cầu được xem là một hoạt động thường quy, khi các nội dung này minh bạch và tuân thủ đúng quy trình. Điều này nhằm làm rõ những thông tin khoa học hiện còn các ý kiến trái chiều và đảm bảo rằng mọi nghiên cứu đều được xem xét trong quá trình hoạch định chính sách.
Cụ thể, tại Canada, Chính phủ liệt kê rõ các cuộc đối thoại cùng các nhóm người dùng, công ty thuốc lá ; đồng thời khẳng định hành động này không vi phạm Công ước FCTC mà quốc gia này đã ký.
Tại Anh, Chính phủ Anh cũng đưa hướng dẫn chi tiết trên website về quy trình hợp tác với ngành thuốc lá, nhằm đảm bảo tuân thủ quy định kiểm soát một cách minh bạch.
Tuy nhiên, trước sự thiếu thông tin cũng như nhận định chưa đầy đủ về điều 5.3, một số cơ quan còn e ngại việc tương tác với doanh nghiệp. Điều này có thể dẫn đến tình trạng nhiều thông tin, bằng chứng liên quan đến TLNN, TLĐT đến nay chưa được cung cấp đầy đủ, toàn diện, từ đó có thể ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách phù hợp.
Điển hình như, một trong những quan ngại dẫn đến đề xuất cấm hiện nay đó là khả năng thuốc lá mới được bán tràn lan trên vỉa hè, đường phố như thuốc lá điếu, dễ tiếp cận đến giới trẻ.
Trên thực tế, để mua một bộ sản phẩm thiết bị TLNN có nguồn gốc từ Nhật, Hàn, châu Âu, phải mất từ 2 - 3 triệu đồng, kèm theo đó là gói TLNN có giá trên 100.000đ (20 điếu). Theo các chuyên gia, đây không phải con số mà một người bán hàng rong, vỉa hè có đủ điều kiện để nhập hàng, chưa kể đến là một mức chi vượt quá khả năng tài chính của người dưới 18 tuổi. Bên cạnh đó còn là vấn đề cấp phép bán lẻ từ các cơ quan chức năng cho những tổ chức, cá nhân được phép kinh doanh thuốc lá.
Trung tá Nguyễn Minh Tiến - Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP. Hà Nội cho biết, TLĐT phổ biến với lứa tuổi thanh thiếu niên vì giá rẻ, còn TLNN chỉ phổ biến ở người trưởng thành, thu nhập ổn định. Trung tá Tiến cũng ghi nhận từ thị trường lậu, TLNN chủ yếu đến từ Đông Âu, Nhật Bản... qua đường xách tay hoặc thẩm lậu qua biên giới với giá khoảng 4-5 triệu đồng/thùng.
Tại Hoa Kỳ, công bố mới nhất của CDC cho thấy tỷ lệ giới trẻ sử dụng thuốc lá mới tiếp tục giảm mạnh, trong đó, chỉ dưới 0,8% người dưới 18 tuổi có sử dụng TLNN.
Từ thực tiễn trên, nhiều ý kiến chuyên gia nhìn nhận: Hiện các thông tin khoa học, số liệu về TLNN, thuốc lá mới còn hạn chế. Do đó, cần tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan cũng như lắng nghe tiếng nói từ các doanh nghiệp , qua đó làm rõ tác hại của từng sản phẩm và có chính sách phù hợp, nhằm tránh tư duy cứng nhắc, “quản không được thì cấm”. Bởi, chính sách đúng đắn, bám sát thực tiễn và lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể sẽ giúp tránh các hệ quả tiêu cực. Đây là cách thức phù hợp mà nhiều quốc gia tiên tiến đã áp dụng trong xây dựng chính sách./.