Về tội cho vay nặng lãi

Thứ sáu, 10/04/2015 14:47

(ĐCSVN) - Bạn đọc Nguyễn Thanh Giang (xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà, Thái Bình) hỏi về tội cho vay nặng lãi.

Nội dung câu hỏi: Vừa qua, em gái tôi do cần tiền phải vay nặng lãi 100 triệu đồng với lãi suất 15% /tháng, đến nay khó còn khả năng chi trả, bị các đối tượng cho vạy ép phải gán tài sản. Xin cho hỏi hành vi này cấu thành tội gì và có phải truy cứu trách nhiệm hình sự không ?

Trả lời: Theo Khoản 1, Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về mức lãi suất như sau: "Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng". Như vậy, nếu lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng thì gọi là "cho vay nặng lãi".

Theo điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt đối với hành vi cho vay nặng lãi: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay.

Tùy theo tính chất và mức độ của hành vi cho vay nặng lãi mà người có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 163 Bộ luật Hình sự quy định về tội cho vay nặng lãi như sau:

1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ 1 lần đến 10 lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm.

2. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 1 đến 5 lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Trong trường hợp này, hành vi cho vay nặng lãi đã cho vay cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên(180%/năm). Nếu chứng minh được người thực hiện hành vi cho vay lãi có tính chất chuyên bóc lột như: cho vay nặng lãi nhiều lần, hành vi mang tính chuyên nghiệp, lấy việc cho vay lãi nặng làm một nghề kiếm sống ... thì đủ yếu tố cấu thành tội hình sự.

Trong trường hợp người cho vay nặng lãi, sau đó có hành vi dùng thủ đoạn ép buộc người vay tiền phải gán tài sản thì tùy theo từng trường hợp, tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà người có hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, theo Điều 135 Bộ luật Hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản. Tội cưỡng đoạt tài sản có khung hình phạt từ 1 năm đến 20 năm tù, tùy theo mức độ của hành vi vi phạm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực