Đồng thời, sẽ đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn và các nguồn hợp pháp khác phát triển làng Đại học Đà Nẵng, trong đó tập trung ưu tiên giải quyết dứt điểm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để khu đô thị Đại học Đà Nẵng sớm được phát triển, khắc phục chậm trễ thời gian qua.
Nội dung trên được nêu tại Thông báo số 149/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Đại học Đà Nẵng.
Tại Thông báo trên, Thủ tướng cũng yêu cầu Đại học Đà Nẵng cần đi đầu trong đổi mới sáng tạo; tiên phong trong tự chủ, quản trị đại học để nâng cao chất lượng giáo dục. Trong thời gian tới, Đại học Đà Nẵng cần tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng; phấn đấu trên 80% sinh viên tốt nghiệp ra trường trong vòng 6 tháng có việc làm (tự tạo việc làm và tìm được việc làm); góp phần tích cực đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao cho các địa phương trong vùng và cả nước.
Thứ hai, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và tư vấn, phát huy vị thế là trung tâm nghiên cứu khoa học và tư vấn đa ngành, đa lĩnh vực. Đại học Đà Nẵng phấn đấu để trở thành một trong 3 trung tâm nghiên cứu với nhiều công trình khoa học lớn có ý nghĩa trong phạm vi cả nước.
Thứ ba, tăng cường hợp tác, hội nhập với các đại học, các tổ chức giáo dục uy tín trên thế giới; tiếp tục đẩy mạnh việc thu hút các giảng viên, nhà khoa học ở nước ngoài có uy tín về làm việc.
Thứ tư, đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện mô hình quản trị đại học hiện đại với cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao theo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam; phân cấp mạnh, thực hiện tự chủ cho các trường, các viện, đơn vị thành viên. Thu hút, tạo điều kiện cho các trường đại học địa phương trở thành thành viên của Đại học Đà Nẵng.
Thứ năm, tiếp tục cải thiện cơ sở vật chất theo hướng hiện đại hóa, đáp ứng nhu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học ngày càng cao.
Thủ tướng yêu cầu, Đại học Đà Nẵng cần xác định sứ mạng không chỉ: “Mang đến cơ hội và môi trường học tập, sáng tạo lý tưởng, góp phần tạo ra động lực phát triển bền vững kinh tế - xã hội cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước”, mà phải xác định ở ba cấp độ: tầm địa phương (khu vực miền Trung - Tây Nguyên); tầm quốc gia; tầm khu vực và quốc tế./.