Sửa Luật bảo vệ Môi trường: Bảo đảm quản lý chặt chẽ, hiệu quả bảo vệ môi trường

Thứ năm, 27/02/2020 11:15
(ĐCSVN) - Chiều 26-2, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã gặp gỡ báo chí để chia sẻ những thông tin liên quan đến Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
 Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Môi trường phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Lê Duẩn)

Theo ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Môi trường, dự thảo Luật có 17 chương, 176 điều (tăng 6 điều). Trong đó, giữ nguyên 30 điều; bãi bỏ, lồng ghép nội dung vào các điều khác 47 điều; sửa đổi, bổ sung 78 điều; bổ sung mới 5 điều.  Và một trong những nội dung được cho là bước tiến lớn trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), đó là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và giấy phép môi trường (GPMT).

Theo TS Mai Thế Toản, Vụ Chính sách, Pháp chế và Thanh tra (Tổng cục Môi trường), đối với ĐTM, theo các quy định hiện hành, có quá nhiều loại hình dự án phải thực hiện ĐTM kèm theo mức độ yêu cầu về thủ tục bắt buộc thực hiện là như nhau giữa các đối tượng có những tính chất tác động đến môi trường khác nhau. Điều này gây tốn kém cho doanh nghiệp (DN), đặc biệt trong những trường hợp dự án có tác động môi trường không đáng kể nhưng vẫn phải thực hiện nhiều thủ tục về môi trường.

Theo quy định pháp luật hiện hành của Luật Bảo vệ môi trường 2014 và một số luật liên quan như Luật Tài nguyên nước 2012, Luật Thuỷ lợi 2017, sau giai đoạn ĐTM, phê duyệt dự án, trước khi dự án chính thức đi vào vận hành hoạt động, chủ dự án có thể phải thực hiện nhiều TTHC trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và các lĩnh vực khác có liên quan, bao gồm: Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; giấy phép xả khí thải; giấy chứng nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; giấy phép xử lý chất thải nguy hại; sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; phương án bảo vệ môi trường; kế hoạch quản lý môi trường...

Tổng cục Môi trường cho rằng việc cùng lúc tồn tại nhiều văn bản có tính pháp lý sau ĐTM, nội dung quy định đôi khi không thống nhất (do quy định trong những thời điểm khác nhau và các cơ quan cấp phép khác nhau) gây khó khăn đối với cơ quan quản lý trong công tác kiểm tra, giám sát và cũng làm DN lúng túng trong quá trình thực hiện.

Do vậy, trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), với quan điểm, chủ trương giảm thiểu gánh nặng TTHC, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các dự án nhưng vẫn bảo đảm quản lý chặt chẽ, hiệu quả bảo vệ môi trường khi dự án đi vào hoạt động, phân định rõ vai trò của công cụ ĐTM và các công cụ quản lý môi trường khác trong các giai đoạn xem xét đầu tư, thực hiện dự án, đồng thời hài hoà với thông lệ, kinh nghiệm quốc tế.

Theo dự kiến, dự thảo luật sẽ được trình ra tại Kỳ họp thứ 9 tới đây và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV.

BL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực