Bảo đảm tính chặt chẽ đối với các trường hợp được điều chỉnh quy hoạch khoáng sản

Thứ năm, 20/06/2024 17:30
(ĐCSVN) - Theo đại biểu Đỗ Đức Hiển, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, ĐBQH tỉnh TP.Hồ Chí Minh, việc dự thảo Luật bổ sung một số căn cứ điều chỉnh quy hoạch so với quy định của Luật Quy hoạch cũng chưa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính chặt chẽ của các trường hợp được điều chỉnh quy hoạch.

Chiều 20/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật Địa chất và khoáng sản.

Phát biểu tại tổ, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đỗ Đức Hiển, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, ĐBQH tỉnh TP.Hồ Chí Minh bày tỏ tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật.

Góp ý vào một số nội dung cụ thể, đại biểu Đỗ Đức Hiển chỉ ra: Về quy hoạch khoáng sản (Điều 13), khoản 1 Điều 13 quy định quy hoạch khoáng sản là quy hoạch ngành quốc gia gồm có Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm I và Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm II. Đây là quy định mới so với pháp luật hiện hành.

Do đó, đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá kỹ tác động của việc thay đổi này đối với công tác quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản. Đồng thời, đề nghị làm rõ hơn cơ sở của việc xác định các loại quy hoạch khoáng sản; nội dung quy hoạch khoáng sản có bao gồm “chế biến và sử dụng” khoáng sản như các quy hoạch khoáng sản mới được lập theo Luật hiện hành không và lý do bỏ quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng phóng xạ.

ĐBQH Đỗ Đức Hiển, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, ĐBQH tỉnh TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: TL.

Ngoài ra, Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, Quy hoạch khoáng sản (bao gồm Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm I; Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm II) là quy hoạch ngành quốc gia thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch; các trường hợp được điều chỉnh quy hoạch đã quy định rõ tại Điều 53 của Luật Quy hoạch. Vì vậy, theo đại biểu, việc Điều 16 của dự thảo Luật bổ sung một số căn cứ điều chỉnh quy hoạch so với quy định của Luật Quy hoạch cũng chưa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính chặt chẽ của các trường hợp được điều chỉnh quy hoạch.

Liên quan đến trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản (Điều 15), Điều 15 dự thảo Luật quy định "Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh có liên quan tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm I; quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm II”.

Về nội dung này, đại biểu cho biết: Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định: ‘Công tác quản lý quy hoạch, điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản phải có tầm nhìn chiến lược; … Có sự gắn kết chặt chẽ, hiệu quả từ khâu quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác đến chế biến, sử dụng khoáng sản;…”.

Thực tế cho thấy, việc khai thác khoáng sản phải gắn với chế biến do liên quan đến nhu cầu sử dụng của các ngành chế biến; nhu cầu của các ngành chế biến sẽ quyết định quy mô, công suất của hoạt động khai thác. Hiện nay, hoạt động chế biến, sản xuất, sử dụng, kinh doanh khoáng sản nhóm I,II  đang được Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng quản lý. Do đó, việc quy định giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy hoạch này cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng.

Đại biểu nêu rõ, nghiên cứu Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho thấy đa số ý kiến đề nghị giữ như hiện hành, theo đó tiếp tục giao Bộ Công Thương tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản nhóm I; Bộ Xây dựng tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản nhóm II.

‘Tôi thấy như vậy là phù hợp; việc quy định này bảo đảm sự phân công, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước; hạn chế tình trạng cục bộ, khép kín, tăng tính minh bạch, khách quan trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản; góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đồng thời phát huy được tối đa năng lực, tổ chức của các cơ quan quản lý nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản và công nghiệp khai khoáng theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị”, đại biểu nói.

Về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, điểm d khoản 2 Điều 104 quy định ‘trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quy định” là tiêu chí xác định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Theo đại biểu Đỗ Đức Hiển, quy định này là chưa phù hợp; đồng thời đề nghị nghiên cứu, làm rõ các trường hợp này tại dự thảo Luật để bảo đảm công khai, minh bạch./.

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực