Cần nhận diện đúng tác hại của TLLN
Tại Phiên giải trình Trách nhiệm quản lý Nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá làm nóng (TLLN) ngày 4/5 vừa qua, các ý kiến phát biểu nêu bật tinh thần chung: Cần nhận diện đúng về TLĐT, TLLN, đánh giá tác hại của các loại thuốc lá này, có thông điệp rõ ràng, cụ thể đến người dân và chính kiến về trách nhiệm của Nhà nước đối với vấn đề này. Đồng thời, những kiến nghị về hoàn thiện pháp luật cần bảo đảm về tính khả thi, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và có giải pháp thực hiện phòng, chống tác hại của các sản phẩm này. Cần quản lý trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, bằng chứng thực tiễn, cũng như trên cơ sở phân tích các tác động đến người tiêu dùng, doanh nghiệp, năng lực cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo định nghĩa để phân biệt sản phẩm của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), thuốc lá điếu truyền thống được gọi là thuốc lá đốt cháy, chủ yếu là nguyên liệu thuốc lá tự nhiên được gói trong giấy thuốc.
Còn các sản phẩm thuốc lá không đốt cháy, điển hình như TLLN, bao gồm thiết bị làm nóng và điếu thuốc lá đặc chế. Tuy nhiên, nguyên liệu thuốc lá chỉ được làm nóng ở nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ đốt cháy, đủ để tạo ra khí hơi (aerosol) chứa nicotine cho người dùng hít vào.
TLĐT thì sử dụng dung dịch chứa nicotine, glycerin, propylene glycol, hương liệu, và các thành phần khác. Thiết bị điện tử sẽ làm hóa hơi dung dịch để tạo ra khí hơi cho người dùng hít vào.
|
FDA Hoa Kỳ xác định hàm lượng các chất gây hại có trong TLLN thấp hơn so với thuốc lá điếu. (Ảnh: PLO) |
FDA cũng khẳng định không có thuốc lá nào là “an toàn”, nhưng các loại thuốc lá không đốt cháy như TLLN sẽ giúp giảm thiểu mức độ cơ thể phơi nhiễm với các chất gây hại so với thuốc lá điếu, dù vẫn gây nghiện nicotine và không vô hại.
Trước đó, tại cuộc họp của Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội ngày 23/4 với các Bộ liên quan để làm rõ vướng mắc, bất cập trong chính sách pháp luật về phòng chống tác hại của TLĐT, TLLN, ông Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội nêu quan điểm, nếu có báo cáo chứng minh các sản phẩm này có hại gấp nhiều lần thuốc lá điếu thì cần phải cấm ngay. Còn nếu chỉ là “có hại không kém gì thuốc lá điếu” có nghĩa là nhẹ hơn, thì chưa chắc cấm được.
Hiểu rõ khái niệm để quản lý hiệu quả
Thời gian qua, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, Bộ Công thương đã triển khai lấy ý kiến các bộ ngành liên quan và từ đó đề xuất hướng quản lý đối với TLĐT, TLLN căn cứ trên hệ thống pháp luật hiện hành và tính khả thi. Trong đó, bước đầu tiên là xác định TLLN, TLĐT có phải là sản phẩm thuốc lá hay không.
Theo ông Tạ Văn Hạ, để trả lời câu hỏi này, cần xem xét đến căn cứ từ khoản 1 đến khoản 4 thuộc Điều 2 của Luật PCTHTL, trong đó có định nghĩa về sản phẩm và hành vi sử dụng.
Cụ thể, Luật có định nghĩa rõ thế nào là sản phẩm thuốc lá: “Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác”; và “Nguyên liệu thuốc lá là lá thuốc lá dưới dạng rời, tấm đã sơ chế tách cọng, sợi thuốc lá, cọng thuốc lá và nguyên liệu thay thế khác dùng để sản xuất thuốc lá”. Về hành vi sử dụng được xác định: “Sử dụng thuốc lá là hành vi hút, nhai, ngửi, hít, ngậm sản phẩm thuốc lá”. Còn tác hại là ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, ông Tạ Văn Hạ nhấn mạnh: Từ những khái niệm đó, ta có thể nhận diện được các sản phẩm thuốc lá mới là sản phẩm thuốc lá, vì nó có đủ những thành phần của thuốc lá. Vấn đề đặt ra là quản lý như thế nào?.
|
Mổ xẻ nguyên liệu thuốc lá tự nhiên bên trong điếu TLLN và thuốc lá truyền thống. (Ảnh: PLO) |
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Thị Kim Nhung– Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đề cập đến quy định tại Điều 2 Luật phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) về nguyên liệu thuốc lá và “các nguyên liệu thay thế”. Cũng theo đại biểu Kim Nhung, khi có quan điểm khác nhau, nên trình Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giải thích pháp luật.
Trên cơ sở pháp lý hiện hành và vẫn còn hiệu lực, đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Phó ban Công tác dân nguyện thuộc UBTVQH cho rằng, Bộ Y tế cần làm rõ nguyên nhân dựa trên các bằng chứng khoa học để lý giải tại sao lại có các ứng xử khác giữa TLLN và TLĐT so với thuốc lá truyền thống.
Có thể thấy, dù không ít ý kiến cho rằng TLLN đã đủ điều kiện để được kiểm soát bằng Luật PCTHTL được sản xuất từ nguyên liệu thuốc lá, tuy nhiên Bộ Công thương vẫn giữ quan điểm thận trọng trong đề xuất chính sách. Theo đó, Bộ chỉ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm việc sản xuất, nhập khẩu và lưu thông TLLN trong 2 năm, dựa trên cơ sở các ý kiến thống nhất từ các bộ ngành liên quan.
Đề xuất này cũng được Bộ Công thương giải trình trên cơ sở phạm vi và vai trò trong chức năng quản lý Nhà nước của Bộ, Luật Đầu tư, Luật Phòng, chống Tác hại của Thuốc lá (PCTHTL) và các vấn đề khác. Nếu đề xuất trên của Bộ Công thương được các Bộ, ngành liên quan thống nhất, Chính phủ cũng sẽ sớm xem xét, quyết định về các giải pháp quản lý TLLN, TLĐT./.