Cần xác định rõ mục tiêu hoạt động của các Trung tâm tư vấn pháp luật

Thứ tư, 30/09/2015 14:01

(ĐCSVN) - Ngày 29/9, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị Tổng kết 7 năm thi hành Nghị định 77/CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật (TVPL).

Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Đỗ Hoàng Yến cho biết: So với giai đoạn trước khi ban hành Nghị định số 77/CP, số lượng Trung tâm TVPL đã gia tăng đáng kể, gấp gần 3 lần. Ở một số địa phương tuy chưa thành lập được Trung tâm TVPL nhưng đã có các mô hình tư vấn, tuyên truyền pháp luật cho phụ nữ, thanh niên, nông dân, cựu chiến binh và đối tượng khác thông qua các tổ trợ giúp pháp lý, trung tâm xúc tiến và giới thiệu việc làm, các câu lạc bộ pháp luật dành cho phụ nữ, thanh niên, nông dân…Sau 7 năm thi hành, Nghị định số 77/CP đã có những tác động tích cực đến đời sống chính trị, kinh tế - xã hội nói chung, từng bước đáp ứng nhu cầu về TVPL của người dân, đặc biệt là những đối tượng yếu thế trong xã hội (người nghèo, người thuộc đối tượng chính sách).

Tuy nhiên, hoạt động TVPL còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tiễn; thiếu điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo cho hoạt động TVPL; tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ TVPL còn hạn chế nên chưa phát huy được tối đa hiệu quả của các Trung tâm TVPL...

 

Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Đỗ Hoàng Yến phát biểu tại Hội nghị.
(Ảnh:TH).


Theo quy định tại Điều 19 Nghị định về tiêu chuẩn tư vấn viên pháp luật là phải “có bằng cử nhân luật và có thời gian công tác pháp luật từ ba năm trở lên”.

Ông Dương Đình Khuyến, Hội Luật gia Việt Nam nêu quan điểm: “Tiêu chuẩn này là hơi cao, nếu căn cứ theo tiêu chuẩn này thì các Trung tâm khó tuyển được tư vấn viên pháp luật, không thu hút được lực lượng cử nhân luật trẻ mới ra trường, đồng thời cũng không thu hút được những cán bộ tư pháp có rất nhiều kinh nghiệm pháp luật nhưng không có bằng cử nhân luật. Vì vậy đề nghị sửa lại là “có bằng cử nhân luật hoặc có trình độ tương đương”.

Tuy nhiên, bà Đỗ Ngân Bình, Phó Giám đốc Trung tâm TVPL, Đại học Luật Hà Nội lại cho rằng: “Nghề luật giống như nghề y, bên cạnh đòi hỏi về trình độ còn là kinh nghiệm, phẩm chất đạo đức. Anh tư vấn sai thì hậu quả không thể lường được. Do đó, không thể tùy tiện”.

Trước kinh phí đảm bảo hoạt động cho các Trung tâm TVPL hết sức khó khăn do nguồn thu hạn hẹp, nhiều ý kiến chỉ ra: Theo quy định của Nghị định 77 “Hoạt động TVPL quy định tại Nghị định này mang tính chất xã hội, không nhằm mục đích thu lợi nhuận” trong khi Nghị định cũng quy định: “Trung tâm TVPL hoạt động theo cơ chế tự trang trải về tài chính”. Đây là hai quy định mâu thuẫn nhau. Vì vậy, cần xác định rõ mục tiêu của các Trung tâm TVPL. Trên cơ sở đó, đề nghị Nghị định cần sửa đổi quy định này.

Hiện nay trong cả nước có 177 Trung tâm Tư vấn pháp luật (TVPL) được thành lập và đăng ký hoạt động tại 61/63 tỉnh, thành phố với tổng số 34 chi nhánh của Trung tâm TVPL.

Theo báo cáo của các địa phương, tính từ ngày 05/7/2011 đến 30/9/2014, các Trung tâm TVPL trong cả nước đã thực hiện tổng số 180.033 vụ, việc (bao gồm 2.269 vụ, việc tham gia tố tụng hình sự; 10.817 vụ, việc tham gia tố tụng dân sự; 165.076 vụ, việc thực hiện trợ giúp pháp lý, TVPL và vụ, việc khác.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực