Chiều 8/4, tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 21, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra Tờ trình của Kiểm toán nhà nước về việc tổ chức lại Trung tâm Tin học thành Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu kiểm toán thuộc Kiểm toán nhà nước.
|
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn báo cáo làm rõ một số nội dung các đại biểu quan tâm (Ảnh: QH) |
Theo quy định tại khoản 6 Điều 13 của Luật Kiểm toán nhà nước: Tổng Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định biên chế và việc thành lập, sáp nhập, giải thể đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước; Điều 16 cũng quy định: Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định số lượng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước theo đề nghị của Tổng Kiểm toán nhà nước. Đồng thời, tại khoản 1 Điều 79 của Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định: Tổng Kiểm toán nhà nước trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề về tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước. Như vậy, trường hợp cần thành lập, tổ chức lại đơn vị thuộc bộ máy điều hành của Kiểm toán nhà nước thì Tổng Kiểm toán nhà nước trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Dự kiến tại phiên họp thứ 32 (tháng 4/2024), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về nội dung trình của Kiểm toán nhà nước. Theo chức năng nhiệm vụ, Ủy ban Pháp luật được giao thẩm tra nội dung này.
Theo Tờ trình của Kiểm toán Nhà nước, sau hơn 22 năm hoạt động, Trung tâm Tin học trực thuộc Kiểm toán Nhà nước đã có sự trưởng thành về mọi mặt, thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao, những kết quả đạt được tương đối toàn diện, căn bản và quan trọng.
Kiểm toán nhà nước xác định việc tổ chức lại Trung tâm Tin học thành Cục Công nghệ thông tin và dữ liệu kiểm toán là một khâu quan trọng nhằm đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, triển khai công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán góp phần tăng cường tính chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả hoạt động kiểm toán trong tương lai; tăng cường thực thi pháp luật về công nghệ thông tin và cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động của Kiểm toán nhà nước.
Mục tiêu tổ chức lại Trung tâm Tin học thành Cục Công nghệ thông tin và dữ liệu kiểm toán là đơn vị cấp Cục trực thuộc Kiểm toán nhà nước, có mô hình hoạt động, loại hình đơn vị, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân lực tương xứng, đáp ứng yêu cầu chuyến đổi số và quy mô phát triển công nghệ thông tin nhằm đạt mục tiêu phát triển Kiểm toán nhà nước là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy và từng bước hiện đại. Đồng thời góp phần phát triển bộ máy của Kiểm toán nhà nước theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hoạt động hiệu quả dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, công nghệ cao; đẩy mạnh xây dựng hạ tầng số và thiết lập hệ sinh thái Kiểm toán nhà nước số để thực hiện kiểm toán số; xây dựng trung tâm dữ liệu của Kiểm toán nhà nước trở thành Hệ thống giám sát tài chính, tài sản quốc gia...
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành sự cần thiết kiện toàn tổ chức bộ máy của đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của Kiểm toán Nhà nước. Đây là một trong những nhiệm vụ đã được xác định tại Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030) nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy của Kiểm toán nhà nước chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả theo chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi phương pháp kiểm toán truyền thống sang kiểm toán hiện đại dựa trên dữ liệu số đồng thời, hỗ trợ tích cực hơn cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước, nhất là những nhiệm vụ mới với quy mô, phạm vi kiểm toán rộng hơn, tần suất kiểm toán lớn hơn và yêu cầu ngày càng cao về tính toàn diện, kịp thời theo yêu cầu của thực tiễn phục vụ công tác quản lý và điều hành kinh tế - xã hội của đất nước.
Đánh giá hồ sơ trình được xây dựng khá công phu, đầy đủ, nhưng qua rà soát, có ý kiến cho rằng, Tờ trình, Đề án của Kiểm toán Nhà nước và dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa có sự thống nhất về tên gọi, do đó cần tiếp tục hoàn thiện thêm. Một số đại biểu đề nghị Kiểm toán Nhà nước báo cáo bổ sung, làm rõ về số lượng biên chế thực tế của Trung tâm Tin học cũng như căn cứ, điều kiện để tổ chức lại thành đơn vị cấp Cục, vì khi thành lập Cục thì khối lượng công việc sẽ nhiều và nặng nề hơn.
Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết qua thảo luận các ý kiến cơ bản thống nhất với sự cần thiết kiện toàn tổ chức bộ máy đơn vị chuyên trách phụ trách công nghệ thông tin của Kiểm toán nhà nước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời đề nghị, Kiểm toán Nhà nước tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại phiên họp, làm rõ hơn nữa cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, yêu cầu đặt ra khi tổ chức lại Trung tâm Tin học trong Tờ trình; hoàn thiện hồ sơ kèm theo báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến để kịp tiến độ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến tại phiên họp tới./.