Hải Phòng: Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với vận động quần chúng Nhân dân

Thứ sáu, 30/08/2024 17:00
(ĐCSVN) - Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với vận động quần chúng Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở, trong 03 năm qua, Sở Tư pháp luôn chú trọng lồng ghép việc triển khai, thực hiện Đề án trong các Chương trình, Kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Với phương châm “Hướng về cơ sở”, trong 3 năm triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở của lực lượng Công an nhân dân giai đoạn 2021-2027” trên địa bàn thành phố Hải Phòng từ năm 2021-2024, Sở Tư pháp đã tổ chức 16 hội nghị, lớp tập huấn, tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến đời sống Nhân dân như: Hiến pháp, Luật An ninh mạng, Luật Dân quân tự vệ, Luật Biển Việt Nam, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Thực hiện dân chủ ở  cơ sở, Luật Đất đai, Luật Căn cước, Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hòa giải cơ sở cho đại biểu là báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở trên địa bàn thành phố.

Sở Tư pháp Hải Phòng phối hợp với UBND quận Hồng Bàng tổ chức Hội nghị phổ biến Luật đất đai 2024; Luật căn cước công dân năm 2023. 

Đây là lực lượng nòng cốt trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho quần chúng Nhân dân tại cơ sở. Trung bình mỗi hội nghị thu hút từ 350 đến 400 lượt người tham dự. Báo cáo viên pháp luật thuộc Sở Tư pháp đã thực hiện trên 60 cuộc phổ biến các văn bản pháp luật tại các hội nghị do các Sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố, UBND các quận, huyện tổ chức, trong đó, có Hội nghị phổ biến Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở do Công an thành phố tổ chức.

Sở Tư pháp đã biên soạn, in và phát hành hơn 300.000 tờ gấp pháp luật; 631 bộ tài liệu hướng dẫn công tác chuẩn tiếp cận pháp luật; 650 bộ tài liệu phổ biến Công ước quốc tế chống tra tấn; 3.308 bộ tài liệu về Quy trình cơ bản phổ biến, giáo dục pháp luật ở cấp cơ sở; 18 tiểu phẩm pháp luật đặc thù dùng cho phát thanh tại cơ sở, phát miễn phí đến các đối tượng là báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở; trang bị 3.685 cuốn sách pháp luật... cho các thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố và quận, huyện, báo cáo viên pháp luật thành phố, hòa giải viên cơ sở và Nhân dân trên địa bàn thành phố.

Cùng với đó, Sở cũng đã tham mưu UBND thành phố tổ chức thành công Hội thi hòa giải viên giỏi thành phố năm 2023; phối hợp tổ chức vòng sơ khảo Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV tại thành phố Hải Phòng; tham mưu Chủ tịch UBND thành phố khen thưởng 10 tập thể và 05 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, góp phần vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư thông qua hòa giải ở cơ sở, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, Sở Tư pháp phối hợp với Báo Hải Phòng xuất bản đều kỳ Phụ trương Pháp luật thành phố Hải Phòng, phát hành hơn 26.000 tờ/kỳ góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của mọi tầng lớp Nhân dân, Sở Tư pháp đã phát hành 75 số Phụ trương với hơn 900 tin, bài. Cổng thông tin điện tử thành phần của Sở Tư pháp đăng tải 360 tin, bài; Trang thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố đăng tải hơn 1.800 tin, bài nội dung tập trung vào các quy định về quyền, nghĩa vụ của công dân; các văn bản pháp luật mới ban hành liên quan đến an ninh, trật tự, chấp hành pháp luật ở cơ sở như Luật Phòng, chống ma túy; Luật Cư trú; Luật Xử lý vi phạm hành chính...

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng thực hiện 17 chương trình phát thanh, truyền hình gồm: 08 phóng sự và 09 chương trình phát thanh với các nội dung có liên quan mật thiết đến đời sống Nhân dân như: Chương trình truyền hình “Bàn tròn Pháp luật” với nội dung “Tìm hiểu về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022”; Chương trình phát thanh “Pháp luật và cuộc sống” với nội dung “Chế độ chính sách đối với người khuyết tật”...

Trang Fapage của Hội đồng phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5/2024 do Sở Tư pháp - cơ quan thường trực Hội đồng vận hành, quản lý, tạo thêm một “kênh” tuyên truyền pháp luật tới cán bộ, Nhân dân trên địa bàn thành phố, đến nay đã đăng tải hơn 70 tin, bài phổ biến pháp luật.

Hiện nay, toàn thành phố có 152 báo cáo viên pháp luật thành phố, 276 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 2.913 tuyên truyền viên pháp luật và 1.766 tổ hoà giải với 10.365 hoà giải viên, tạo lực lượng nòng cốt nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với vận động quần chúng Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở.

Quá trình triển khai, thực hiện Đề án, bên cạnh những kết quả đạt được, Sở Tư pháp cũng gặp những khó khăn, vướng mắc như: Sở chưa được bố trí kinh phí riêng cho việc triển khai Đề án, do vậy, việc triển khai Đề án phải lồng ghép trong nguồn kinh cấp cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm. Nguồn nhân lực thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao. Kỹ năng nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật còn chưa được như mong muốn, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở và lực lượng tuyên truyền viên pháp luật; thiếu một cơ chế bồi dưỡng, quy hoạch lâu dài nguồn nhân lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đồng thời, sự phối hợp giữa các ngành liên quan trong quá trình thực hiện Đề án chưa chặt chẽ.

Để việc triển khai Đề án đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, Nhân dân trên địa bàn thành phố, trong thời gian tới, Sở Tư pháp tăng cường tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa Công an thành phố - đơn vị chủ trì - với các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện trong triển khai thực hiện Đề án; Có cơ chế, chính sách động viên, hỗ trợ đối với báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật tại các địa bàn đặc thù như vùng biên giới, hải đảo nhằm khích lệ họ khi thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật…/.

Minh Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực