Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 163/2024/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030
Chương trình nhằm mục tiêu phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống ma túy; lấy địa bàn cơ sở để triển khai; thực hiện thường xuyên, liên tục, đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên cả ba lĩnh vực giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại góp phần xây dựng xã hội an toàn, lành mạnh, Nhân dân hạnh phúc, kinh tế - xã hội phát triển bền vững.
Chương trình được thực hiện từ năm 2025 đến hết năm 2030. Tổng vốn thực hiện Chương trình tối thiểu là 22.450,194 tỷ đồng.
Về nguyên tắc phân bổ vốn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình, Nghị quyết nêu rõ, đối với địa phương tự cân đối ngân sách thì tự bảo đảm kinh phí để thực hiện Chương trình từ ngân sách địa phương; ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương chưa tự cân đối ngân sách, đang nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương để thực hiện Chương trình.
Ưu tiên hỗ trợ ngân sách trung ương cho phòng, chống ma túy ở địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, các nhiệm vụ cấp bách của Chương trình đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Việc phân bổ ngân sách trung ương và bố trí ngân sách địa phương (bao gồm vốn đầu tư và kinh phí thường xuyên) bảo đảm phù hợp với mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, nội dung hoạt động và các dự án thành phần của Chương trình, kế hoạch hằng năm, tình hình thực tế và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.
Trong quá trình thực hiện, Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách trung ương trình cấp có thẩm quyền xem xét ưu tiên bổ sung vốn cho Chương trình. Việc bố trí ngân sách thực hiện Chương trình bảo đảm không trùng lặp với các chương trình mục tiêu quốc gia khác, các hoạt động thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước đã được bố trí đầy đủ từ kinh phí chi thường xuyên hàng năm; có giải pháp lồng ghép nguồn vốn với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án khác một cách phù hợp; khuyến khích, huy động sự tham gia, đóng góp của các tổ chức, gia đình, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy.
Trên cơ sở quyết định phân bổ vốn của ngân sách trung ương hỗ trợ ngân sách địa phương thực hiện Chương trình, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ vốn theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan.
Theo Nghị quyết, cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện Chương trình gồm: Quốc hội quyết định tổng mức dự toán cho Chương trình; Thủ tướng Chính phủ giao tổng dự toán cho cấp tỉnh và điều chỉnh khi cần thiết; cấp tỉnh chịu trách nhiệm phân bổ cho cấp huyện trên cơ sở nguyên tắc phân cấp, phân quyền. Chính phủ tăng cường đôn đốc kiểm tra và giám sát để bảo đảm thực hiện kịp thời, hiệu quả, phù hợp với tình hình và đáp ứng yêu cầu thực tiễn;
Ngoài ra, các cơ chế, chính sách đặc thù khác được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh thực hiện Chương trình./.