Kết luận kiểm toán là thông tin quan trọng trong quá trình thông qua quyết toán ngân sách

Thứ hai, 08/04/2024 09:42
(ĐCSVN) - Những ý kiến đánh giá, kết luận và kiến nghị của Kiểm toán nhà nước là thông tin quan trọng để HĐND tỉnh Khánh Hòa sử dụng trong quá trình thẩm tra, quyết định thông qua quyết toán ngân sách, dự toán và phân bổ ngân sách năm sau.

Góp phần phân bổ ngân sách đúng đối tượng, đúng mục đích, chặt chẽ, hiệu quả và tiết kiệm

Trong thời gian qua, Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã ban hành nhiều nghị quyết về tài chính công, tài sản công làm cơ sở để UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện các giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa tiếp tục phục hồi, phát triển với các chỉ tiêu tăng so với năm 2022 như: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2023 tăng 10,35% so với năm 2022; GRDP bình quân đầu người đạt 86,44 triệu đồng/người; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1.750,1 triệu USD; thu ngân sách nhà nước đạt 18.012 tỷ đồng, vượt 16,6% so với kế hoạch, trong đó thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 2.591,5 tỷ đồng, vượt 30,6% so với kế hoạch, thu nội địa đạt 15.399,9 tỷ đồng, vượt 14,4% so với kế hoạch; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 71.302,8 tỷ đồng; các chế độ về an sinh, phúc lợi xã hội cho Nhân dân được thực hiện đầy đủ, chính sách giảm nghèo cho các huyện miền núi, xã đặc biệt khó khăn tiếp tục được quan tâm, cập nhật phù hợp với tình hình thực tế; tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và chuyển đổi số; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiếp tục được chú trọng; quốc phòng, an ninh được giữ vững, đời sống của người dân được cải thiện.

Phó Tổng KTNN Bùi Quốc Dũng ký Quy chế phối hợp công tác giữa KTNN với Thường trực HĐND và UBND tỉnh Khánh Hòa ngày 08/3/2024. (Ảnh: NL) 

Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa Trần Mạnh Dũng, để đạt được những kết quả đó, bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh còn có sự quan tâm, hỗ trợ của các ban, bộ, ngành trung ương, trong đó có vai trò rất lớn của Kiểm toán nhà nước (KTNN). Với vị thế cơ quan kiểm tra tài chính do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, hoạt động kiểm toán của KTNN đã kịp thời cung cấp thông tin và phát hiện các hành vi lãng phí, kém hiệu quả trong quá trình chấp hành dự toán ngân sách nhà nước, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Thông qua hoạt động kiểm toán đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai sót trong công tác quản lý tài chính công, tài sản công tại các cơ quan, đơn vị. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, KTNN đã xây dựng kế hoạch kiểm toán tập trung vào những vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm; lĩnh vực trọng yếu dễ xảy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí như: đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản...

"Bằng những kết luận kiểm toán, KTNN đã kiến nghị các đơn vị được kiểm toán sửa chữa sai sót, vi phạm, chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, kế toán của đơn vị, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý những hành vi vi phạm chế độ tài chính kế toán, các hành vi tham nhũng, lãng phí; tư vấn việc sử dụng nguồn lực đảm bảo mục tiêu đề ra thông qua việc kiểm toán tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực của việc quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính nhà nước. Qua đó, giúp HĐND tỉnh quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách đúng đối tượng, đúng mục đích, chặt chẽ, hiệu quả và tiết kiệm; góp phần sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý tài chính công, tài sản công, góp phần vào sự phát hiển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa" - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa Trần Mạnh Dũng nhấn mạnh.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong xây dựng kế hoạch kiểm toán, hoạt động giám sát

Năm 2014, Kiểm toán nhà nước và Thường trực HĐND, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký kết Quy chế phối hợp công tác. Quy chế này quy định sự phối hợp công tác giữa 3 đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán của KTNN, trong tổ chức các hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành ngân sách địa phương theo quy định pháp luật, trong hoạt động giám sát Đoàn kiểm toán và Kiểm toán viên Nhà nước. Quy chế cũng quy định rõ phương thức phối hợp và trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan.

Trong thời gian qua, công tác phối hợp giữa KTNN và HĐND tỉnh Khánh Hòa luôn được quan tâm chú trọng, nhất là trong việc chia sẻ với KTNN thông tin về dự toán ngân sách địa phương, báo cáo quyết toán ngân sách địa phương; các nghị quyết của HĐND, các văn bản chỉ đạo, điều hành về tài chính ngân sách do HĐND, UBND tỉnh ban hành... Qua đó, KTNN nắm được đầy đủ thông tin về những chính sách cụ thể liên quan đến công tác quản lý kinh tế - xã hội của địa phương, có ý kiến đánh giá và kết luận kiểm toán chính xác, phù hợp giúp cho HĐND tỉnh trong hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán ngân sách, phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành ngân sách địa phương.

Thông qua kết quả kiểm toán, KTNN đã đánh giá được các mặt đã làm được của địa phương trong công tác quản lý, điều hành và sử dụng ngân sách của các cấp và đơn vị sử dụng ngân sách. Hoạt động kiểm toán cũng đã chỉ ra những vấn đề tồn tại trong việc lập và phân bổ dự toán thu chi ngân sách, trong công tác điều hành ngân sách, công tác khóa sổ lập báo cáo quyết toán ngân sách. Những ý kiến đánh giá, kết luận và kiến nghị của KTNN góp phần chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành ngân sách của địa phương, là thông tin quan trọng để HĐND tỉnh sử dụng trong quá trình thẩm tra, quyết định thông qua quyết toán ngân sách, dự toán và phân bổ ngân sách năm sau. Bên cạnh đó, KTNN đã đề xuất kiến nghị các giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn của địa phương.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trao tặng Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh bức tranh lưu niệm. (Ảnh: NL) 

Để hoạt động phối hợp của HĐND tỉnh Khánh Hòa và KTNN đi vào thực chất và hiệu quả hơn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa Trần Mạnh Dũng cho rằng cần tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Quy chế phối hợp thời gian qua; thống nhất nội dung phối hợp trong thời gian tới trong đó cần tập trung phối hợp thực hiện tốt một số nội dung.

Trước tiên, các bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong xây dựng kế hoạch kiểm toán, hoạt động giám sát; thực hiện kiểm toán, kiểm tra, giám sát; thực hiện kiến nghị kiểm toán; hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành ngân sách địa phương; giám sát hoạt động của Đoàn kiểm toán và Kiểm toán viên Nhà nước.

Thực hiện đầy đủ việc gửi dự toán ngân sách địa phương; báo cáo quyết toán ngân sách địa phương cho KTNN; thường xuyên cung cấp các Nghị quyết của HĐND, các văn bản chỉ đạo, điều hành về tài chính ngân sách do HĐND, UBND tỉnh ban hành... Qua đó, KTNN nắm được đầy đủ thông tin về những chính sách cụ thể liên quan đến công tác quản lý kinh tế - xã hội của địa phương, có ý kiến đánh giá và kết luận kiểm toán chính xác, phù hợp giúp cho HĐND tỉnh trong hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán ngân sách, phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành ngân sách địa phương.

KTNN tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức về lĩnh vực tài chính, ngân sách cho đại biểu dân cử và lãnh đạo các cấp chính quyền để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước. KTNN tiếp tục chia sẻ thông tin chuyên đề, chuyên môn sâu về một số lĩnh vực quản lý nhà nước nhạy cảm trên địa bàn như công tác thu hồi đất, bảo vệ tài nguyên môi trường, khoáng sản, các dự án chậm tiến độ nhằm giúp tỉnh nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng tài chính công và tài sản công.

Cũng theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa Trần Mạnh Dũng, tổ chức công khai kết quả kiểm toán, các kết luận, kiến nghị của KTNN đến đại biểu HĐND tỉnh nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong sử dụng ngân sách, góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động giám sát của HĐND tỉnh về lĩnh vực tài chính, ngân sách; trong công tác chỉ đạo, điều hành ngân sách của UBND tỉnh; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, điều hành ngân sách trên địa bàn. Qua đó, HĐND tăng cường hoạt động giám sát về công tác quản lý, sử dụng tài chính công, trong đó có việc giám sát kết quả thực hiện các kiến nghị của KTNN./.

TG

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực