Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm nhấn mạnh việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN có vai trò vô cùng quan trọng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của đất nước.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ hội những cũng đặt ra những yêu cầu đột phá về thể chế cho khoa học công nghệ, qua đó thực hiện đổi mới sáng tạo, gia tăng giá trị, thúc đẩy phát triển đất nước đột phá.
|
Toàn cảnh Hội nghị. |
“Thể chế cần là bệ đỡ tốt cho chuyển đổi số quốc gia. Hoàn thiện thể chế để đổi mới sáng tạo, đổi mới sáng tạo sẽ tạo ra đổi mới đột phá về thể chế. Tuy nhiên, những yêu cầu đó cũng đặt ra nhiều thách thức trong hoàn thiện thể chế về khoa học công nghệ, chuyển đổi số bởi đây là những vấn đề mới, chưa có nhiều kinh nghiệm quốc tế để Việt Nam vận dụng, tham khảo”, Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm nói.
Ông Tâm cũng cho biết, nhiệm kỳ vừa qua, với sự quyết tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quan tâm phối hợp của Bộ Tư pháp, Bộ TTTT đã nỗ lực xây dựng dự thảo đề xuất với Chính phủ và trình Quốc hội xem xét thông qua Luật sửa đổi Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông…
Thứ trưởng Phan Tâm mong muốn Hội nghị hôm nay sẽ là cơ hội để những người làm công tác pháp chế giao lưu, học hỏi, tăng cường phối hợp, qua đó giúp công tác xây dựng, hoàn thiện thể của từng ngành được đồng bộ. Ông cũng hy vọng Bộ Tư pháp sẽ lắng nghe các trao đổi, kiến nghị để tham mưu Chính phủ điều chỉnh các quy định liên quan về công tác pháp chế.
Báo cáo một số nội dung về công tác xây dựng pháp luật và pháp chế, ông Trần Anh Đức, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết: Qua báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Tư pháp nhận thấy một số khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua trong công tác xây dựng pháp luật xuất phát từ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Cụ thể như quy định thời hạn đăng tải, lấy ý kiến đề nghị xây dựng VBQPPL, dự án, dự thảo VBQPPL quá dài; quy định đánh giá tác động của chính sách cả trong giai đoạn soạn thảo chưa hợp lý; không quy định về trình tự, thủ tục rút gọn trong lập đề nghị xây dựng VBQPPL...
Ngoài ra, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành VBQPPL và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ cũng bộc lộ một số tồn tại.
Trên cơ sở ý kiến của bộ, ngành, địa phương, để thực hiện yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều kiện chưa sửa đổi toàn diện Luật Ban hành VBQPPL, Bộ Tư pháp đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP với 3 nhóm quy định: Các quy định để đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản nhằm kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn nhưng vẫn bảo đảm chất lượng văn bản; các quy định để khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo, bất hợp lý trong các quy định của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP; bổ sung các quy định còn thiếu trong 02 Nghị định.
Ngoài ra, ông Trần Anh Đức cũng thông tin về một số nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế; ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia, Bộ TTTT đã giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Tiếp đó đại diện pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã cùng trao đổi, thảo luận về những vướng mắc, khó khăn trong công tác xây dựng pháp luật, từ đó kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này.
Phát biểu bế mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đánh giá cao các ý kiến, đề xuất tại Hội nghị. Thứ trưởng ghi nhận những đóng góp của các tổ chức pháp chế trong suốt thời gian qua đồng thời chia sẻ khó khăn của đội ngũ pháp chế khi phải xử lý nhiều tình huống đột xuất, phát sinh trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch Covid-19, cùng với đó là công tác hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho địa phương. Lượng công việc nhiều, phức tạp nhưng số lượng đội ngũ cán bộ pháp chế hiện nay còn mỏng, nguồn lực kinh phí hạn chế.
|
hứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu bế mạc Hội nghị. |
Do vậy, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đề nghị Thủ trưởng các tổ chức pháp chế cần tập trung khắc phục triệt để tình trạng lùi, rút, chậm, nợ ban hành VBQPPL, đặc biệt là văn bản quy định chi tiết, trong đó lưu ý tới 67 văn bản hướng dẫn thi hành 10 luật sắp có hiệu lực vào 1/1/2024.
Trong xây dựng VBQPPL, cần rà soát đầy đủ các chủ trương của Đảng để thể chế hoá kịp thời. Lưu ý chỉ xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự thủ tục rút gọn trong trường hợp thật sự cần thiết và lấy ý kiến của tất cả các đối tượng chịu tác động; khắc phục tình trạng các văn bản hành chính chứa quy phạm.
Nêu lên thực trạng tổ chức thi hành pháp luật của đội ngũ cán bộ công chức có nơi, có lúc chưa thật sự hiệu quả. Một trong những nguyên nhân đó là do không nhiều địa phương tổ chức quán triệt các văn bản đã ban hành. Vì vậy Thứ trưởng mong muốn tới đây, các Bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn tới việc truyền thông về các đạo luật mới được ban hành, xây dựng kế hoạch triển khai bài bản, hiệu quả. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng mong muốn Bộ TTTT tham mưu Chính phủ xây dựng các phần mềm để hỗ trợ, tạo thuận lợi hơn trong công tác xây dựng pháp luật trong bối cảnh nguồn lực dành cho công tác này còn hạn chế./.