Nghiên cứu quy định tiêu chí xác định tài liệu lưu trữ vĩnh viễn phù hợp với thực tiễn

Thứ sáu, 01/03/2024 15:01
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có văn bản số 3372/TB-TTKQH thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) tại phiên họp thứ 30.
Tại phiên họp thứ 30 (tháng 2/2024), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) 

Tại phiên họp thứ 30 (tháng 2/2024) vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Đây là dự án Luật đã được Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) tới.

Theo Thông báo Kết luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) được các cơ quan báo cáo, kiến nghị tiếp thu, chỉnh lý. Cụ thể, nhất trí quy định tài liệu lưu trữ vĩnh viễn của cấp xã thuộc nguồn nộp vào lưu trữ lịch sử ở cấp tỉnh; quy định tài liệu lưu trữ của các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ thuộc Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam; trong dự thảo Luật chỉ quy định 01 phương án về nội dung này. Đối với tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động của các hội, tổ chức xã hội khác là tài liệu lưu trữ tư, thuộc Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam, tán thành quy định thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử là 05 năm kê từ năm tài liệu được nộp vào lưu trữ hiện hành, áp dụng thống nhất cho cả tài liệu giấy và tài liệu số; Quy định chương riêng về nghiệp vụ lưu trữ áp dụng cả đối với tài liệu lưu trữ giấy và lưu trữ điện tử; Tán thành các nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý về lưu trữ tư và hoạt động dịch vụ lưu trữ. Đồng thời nhất trí bổ sung quy định về Ngày lưu trữ Việt Nam (ngày 03 tháng 01 hằng năm) vào dự thảo Luật.

UBTVQH giao Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ, các cơ quan có liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, trong đó lưu ý: Tiếp tục rà soát, chỉnh lý quy định về giải thích từ ngữ bảo đảm phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế; Thống nhất việc phân cấp, phân quyền cho một số Bộ về quản lý tài liệu lưu trữ, nhưng cần bổ sung quy định phù hợp để bảo đảm sự quản lý nhà nước tập trung, thống nhất; Nghiên cứu quy định tiêu chí xác định tài liệu lưu trữ vĩnh viễn phù hợp với thực tiễn và giao Chính phủ quy định chi tiết; Tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt được quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị theo quy định của Luật Lưu trữ, trường hợp được công nhận là di sản tư liệu, bảo vật quốc gia thì còn phải thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; Tiếp tục rà soát, làm rõ, bổ sung quy định về nguồn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử, nghiệp vụ lưu trữ tài liệu điện tử, vấn đề chuyển đổi số và kết nối, chia sẻ dữ liệu tài liệu lưu trữ; rà soát dự thảo Luật bảo đảm thống nhất với các luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã giao Thường trực Ủy ban Pháp luật phối hợp với Bộ Nội vụ, các cơ quan có liên quan tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan; đồng thời, đề nghị Chính phủ có ý kiến chính thức về các nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở đó, tiếp thu chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật và tài liệu có liên quan, gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản trước khi hoàn chỉnh, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7./.

MT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực