Tổng Thư ký Quốc hội vừa có văn bản thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022)
Kết luận nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Hồ sơ dự án Luật đã cơ bản đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
|
Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: Phạm Thắng) |
Để đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu, tập trung làm rõ một số nội dung.
Cụ thể, tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là các chủ trương đã được nêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 tại Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về kinh tế tập thể, về chính sách ưu đãi, hỗ trợ kinh tế tập thể và các nội dung khác phù hợp với tình hình, điều kiện phát triển mới; bảo vệ lợi ích chính đáng và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống các thành viên của tổ chức kinh tế tập thể; góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Rà soát, hoàn thiện các quy định về huy động nguồn lực, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, quy định cụ thể các nguyên tắc, tiêu chí hỗ trợ, nguồn lực hỗ trợ bảo đảm trọng tâm, hiệu quả, khả thi, tránh trục lợi, thất thoát, tham nhũng, lãng phí; quy định chính quyền các cấp phải quan tâm bố trí để cho các hợp tác xã tiếp cận được đất đai, tích tụ ruộng đất, huy động nguồn lực đất đai từ các thành viên; có chính sách ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp; gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; quy định về chính sách bảo hiểm, chính sách tham gia bảo hiểm xã hội; quy định về chính sách tín dụng nội bộ tránh xung đột với Luật Các tổ chức tín dụng; quy định cụ thể về cơ chế, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách để tiếp cận nguồn vốn tín dụng...
Về tên gọi, đề nghị trình Quốc hội 02 phương án để Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Trong đó, Phương án 1: giữ nguyên như Luật 2012 là Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Phương án 2: như đề nghị của Chính phủ là Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác.
Cần rà soát, đánh giá tác động, phân tích kỹ căn cứ, ưu nhược điểm và hệ quả pháp lý đối với từng phương án tên gọi của Luật để lựa chọn cho phù hợp.
Tiếp tục rà soát phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng để bao quát các loại hình kinh tế tập thể. Bổ sung quy định một số nguyên tắc về tổ hợp tác, không trái với Bộ Luật Dân sự để làm căn cứ cho Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn; bổ sung quy định về chính sách khuyến khích, phương thức chuyển đổi từ tổ hợp tác thành hợp tác xã; cụ thể hơn các quy định liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã như điều kiện thành lập, cơ chế thành lập…; cần làm rõ hơn những căn cứ pháp lý để phân loại hợp tác xã thành 4 mức độ là siêu nhỏ, nhỏ, vừa và lớn; cân nhắc việc quy định liên đoàn hợp tác xã trong dự án Luật; Chính phủ cần nghiên cứu, xây dựng thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã hoạt động chuyên môn hóa trong một số ngành, lĩnh vực trước khi luật hóa.
Tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng hơn giữa quy định của dự án Luật này với các luật khác có liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật Các tổ chức tín dụng, các luật về thuế, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa... bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Đề nghị rà soát kỹ từng chương, điều, khoản của dự án Luật bảo đảm tính thống nhất, rõ ràng, cụ thể và khả thi; rà soát các quy định áp dụng Luật, điều khoản thi hành bảo đảm khả thi, tránh vướng mắc khi áp dụng trong thực tiễn; luật hóa tối đa những nội dung đã được quy định tại văn bản dưới luật, đã được thực tiễn kiểm nghiệm và áp dụng ổn định, bảo đảm hiệu lực thi hành ngay của Luật.
Quy định rõ hơn về tổ chức đại diện, về vai trò, địa vị pháp lý và nhiệm vụ của hệ thống Liên minh hợp tác xã; nghiên cứu kỹ lưỡng về quy định trở thành thành viên Liên minh hợp tác xã, về một số nội dung dịch vụ công giao cho Liên minh hợp tác xã.
Theo kết luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể nguồn hình thành, cơ chế vận hành, cơ quan quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã ở trung ương và địa phương; cụ thể hóa các quy định về vai trò, chức năng của Quỹ tránh chồng chéo với Ngân hàng hợp tác xã, Quỹ tín dụng nhân dân.
Rà soát các quy định về mô hình tổ chức quản trị, người đại diện theo pháp luật, tiêu chuẩn về trình độ, năng lực của một số chức danh lãnh đạo, quản lý hợp tác xã đối với các loại hình, quy mô hợp tác xã phù hợp với thực tiễn, bảo đảm hoạt động theo nguyên tắc đối nhân. Đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về cơ chế đại diện sở hữu kinh tế tập thể, hợp tác xã; duy trì cơ chế kiểm soát viên ở tất cả các quy mô hợp tác xã không phụ thuộc vào số lượng, bảo đảm công khai, minh bạch và bảo vệ quyền lợi cho thành viên hợp tác xã.
Hoàn thiện các quy định về gia nhập, hoạt động, rút khỏi thị trường, số lượng thành viên, thủ tục đăng ký thành lập, giải thể. Quy định về phân loại thành viên, quyền và nghĩa vụ của từng loại thành viên; có cơ chế chú trọng việc khuyến khích phát triển và tạo thuận lợi cho việc tham gia thành lập, hoạt động của các thành viên.
Rà soát các quy định về tài chính, tài sản bảo đảm quản lý chặt chẽ, khả thi và phù hợp với thực tế hoạt động của các hợp tác xã; bổ sung các quy định về trích lập, sử dụng quỹ chung không chia, tài sản hình thành từ quỹ chung không chia như mức trích lập, thẩm quyền quyết định mức trích lập; quy định cụ thể về tín dụng nội bộ như: điều kiện, cách thức triển khai, nguyên tắc hoạt động, cơ quan hướng dẫn, quản lý tín dụng nội bộ…; quy định về phân phối thu nhập phù hợp với nguyên tắc các thành viên tự nguyện tham gia, bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và Nhà nước không can thiệp vào hoạt động hợp pháp của hợp tác xã. Đề nghị rà soát quy định về tỷ lệ giao dịch nội bộ, nghiên cứu bổ sung điều kiện nhưng trước hết phải bảo đảm thõa mãn sử dụng sản phẩm, dịch vụ cho các thành viên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đúng với bản chất của hợp tác xã…/.