Thông tin tại buổi họp báo thường kỳ tháng 9 của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra chiều 13/9, đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), ông Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - NCSC phân tích: Thực trạng lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng Việt Nam thời gian qua cho thấy, đối tượng lừa đảo thường tiếp cận các nạn nhân qua gọi điện, nhắn tin, mạng xã hội, nền tảng OTT; sau đó chúng sử dụng các phương thức dẫn dụ truy cập vào đường dẫn các trang web, fanpage giả mạo nhằm đánh cắp thông tin của người dân, dụ dỗ cài đặt các ứng dụng độc hại để thao túng, kiểm soát điện thoại của nạn nhân.
Một phương thức khác cũng được kẻ lừa đảo sử dụng nhiều là dẫn dụ nạn nhân tham gia vào các nhóm trên nền tảng OTT để từ đó thao túng tâm lý, mời tham gia đầu tư và sau đó lừa chiếm đoạt tài sản.
|
Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát không gian mạng quốc gia Phạm Thái Sơn chia sẻ với báo chí về các giải pháp phòng chống lừa đảo trực tuyến. Ảnh: TL |
Đề cập đến biện pháp phòng chống lừa đảo trực tuyến sẽ được Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục An toàn thông tin phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị triển khai trong thời gian tới, ông Phạm Thái Sơn cho biết, sẽ có nhiều giải pháp, tập trung vào 3 nhóm chính gồm các giải pháp liên quan đến chính sách và pháp lý, giải pháp kỹ thuật, giải pháp về tuyên truyền.
“Bốn mục tiêu cần đạt được khi triển khai hàng loạt giải pháp phòng chống lừa đảo trực tuyến là nâng cao nhận thức cho người dân, xây dựng môi trường lành mạnh an toàn trên không gian mạng, ngăn chặn lừa đảo sớm nhất, đồng thời giảm thiểu tác động của lừa đảo đến người dân”, ông Phạm Thái Sơn chia sẻ.
Thông tin cụ thể hơn, Phó Giám đốc NCSC Phạm Thái Sơn cho hay, về chính sách và pháp lý, mới đây Cục An toàn thông tin đã xử phạt và thu hồi 6 tên định danh - brandname của một số đơn vị vì đã vi phạm các quy định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.
Song song đó, từ tháng 7 đến nay, việc các ngân hàng triển khai biện pháp yêu cầu người dân phải xác thực sinh trắc học khi thực hiện giao dịch trực tuyến từ 10 triệu đồng/lần và 20 triệu đồng/ngày theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, đã phát huy tác dụng.
Theo ông Phạm Thái Sơn, biện pháp này đã giúp giảm số lượng các tài khoản ngân hàng giả mạo, tài khoản ngân hàng không định danh, và đặc biệt là làm chậm dòng tiền của các đối tượng lừa đảo, từ đó góp phần bảo vệ tài sản của người dùng.
Một trong những giải pháp kỹ thuật sẽ tiếp tục được Cục An toàn thông tin tập trung thời gian tới là triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến, được kết nối với nhiều nền tảng khác nhằm giúp phát hiện và ngăn chặn sớm các đường link lừa đảo.
Theo thống kê, tính đến nay, hệ thống kỹ thuật này đã phát hiện và ngăn chặn hơn 13.000 tên miền độc hại, qua đó hỗ trợ bảo vệ cho khoảng 11 triệu người dùng Việt Nam trên không gian mạng.
Đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về phòng chống lừa đảo trực tuyến, đại diện Cục An toàn thông tin cho rằng: Trong phòng chống lừa đảo trực tuyến, cần có sự vào cuộc đồng thời của toàn bộ hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương cùng sự phối hợp nhanh và mạnh từ nhiều bộ, ngành. Đặc biệt, phải coi việc tuyên truyền là giải pháp quan trọng hàng đầu và lâu dài, thường xuyên.
“Chúng ta phải xác định nhận thức và kỹ năng của người dân chính là lá chắn mạnh mẽ nhất. Mỗi người dân cần là một chiến sĩ trên không gian mạng, tích cực tham gia tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng và bảo vệ những người xung quanh mình trước vấn nạn lừa đảo trực tuyến”, đại diện Cục An toàn thông tin nêu quan điểm.
Cũng tại buổi họp báo, đại diện Cục An toàn thông tin cũng cập nhật các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng chống lừa đảo đã và đang được cơ quan này phối hợp triển khai như: Tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức cho người dân, thanh niên, với số lượng thanh niên trên toàn quốc đã được đào tạo về phòng chống lừa đảo trực tuyến đến nay đã là hơn 9.000; triển khai chiến dịch ‘Vắc-xin số’ để tuyên truyền về phòng chống lừa đảo cho toàn bộ người dân trên địa bàn thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) vào đầu tháng 9; đồng hành với Hiệp hội An ninh mạng quốc gia trong việc xây dựng nTrust - một ứng dụng di động hỗ trợ người dân phát hiện sớm các dấu hiệu lừa đảo, các tài khoản chuyển tiền lừa đảo...
Cục An toàn thông tin cũng tham gia phối hợp, cung cấp thông tin để Bộ Công an triệt phá một số đường dây lừa đảo trực tuyến ở một số địa phương như TPHCM, Hà Nội, Ninh Bình...
Thời gian qua, Cục An toàn thông tin cũng đã xây dựng và triển khai phổ biến các nội dung tuyên truyền giúp người dân trên cả nước nhận diện, phòng chống lừa đảo, có sự tham gia của người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội - KOL. Qua đó, lan tỏa mạnh mẽ các thông điệp về phòng chống lừa đảo đến đông đảo người dân.
Theo thống kê sơ bộ, đến nay, các nội dung tuyên truyền về nhận diện, phòng chống lừa đảo có các KOL tham gia đã tiếp cận khoảng 30 triệu người dùng Facebook, tương ứng khoảng 39% tổng số người dùng mạng xã hội này./.