Nhân rộng những mô hình hiệu quả, cách làm hay trong phổ biến, giáo dục pháp luật ở Đắk Lắk

Thứ năm, 08/08/2024 20:30
(ĐCSVN) - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Uỷ viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Trung ương Triệu Văn Cường đề nghị tỉnh Đắk Lắk tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật PBGDPL phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, đặc biệt là quan tâm hơn nữa với đồng bào DTTS. Cần xây dựng, nhân rộng mô hình PBGDPL có hiệu quả, các cách làm hay, có sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân".

Nhiều kết quả tích cực

Báo cáo với Đoàn kiểm tra của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương (Hội đồng) do đồng chí Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Ủy viên Hội đồng làm Trưởng đoàn, ông Đỗ Đức Hà, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Lắk đã khái quát một số kết quả hoạt động năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 trong triển khai các nhiệm vụ như:

Theo báo cáo của của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh Đắk Lắk, 6 tháng đầu năm 2024, các thành viên Hội đồng tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức gần 6.000 cuộc tuyên truyền pháp luật trực tiếp cho hơn 800.000 lượt người; biên soạn, cấp phát miễn phí 208.000 bản tài liệu PBGDPL, tổ chức 169 cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật, thu hút 178.590 lượt người tham dự, qua đó đã tạo hiệu ứng, sức lan tỏa sâu rộng đến cán bộ, nhân dân trong việc tìm hiểu, nghiên cứu, học tập pháp luật. 

Công tác PBGDPL được tỉnh Đắk Lắk quan tâm, bám sát nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, là việc tăng cường công tác hướng dẫn, chỉ đạo PBGDPL đối với những vấn đề dư luận xã hội quan tâm; đa dạng hóa các hình thức PBGDPL; Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL như: Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến, sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook về PBGDPL.

Một số mô hình, cách làm hiệu quả trong công tác PBGDPL được áp dụng như: Mô hình “Cổng trường học an toàn giao thông”, Mô hình các câu lạc bộ PBGDPL dành cho học sinh, “Mỗi ngày một câu hỏi, mỗi tuần một điều luật”; Câu lạc bộ “Gia đình hội viên phụ nữ, nông dân không có thành viên vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội xã Quảng Điền”, mô hình Tổ tư vấn pháp luật cộng đồng, mô hình “Tuyên truyền, PBGDPL thông qua Zalo, Facebook, Tiktok” tại Đắk Lắk. Qua đó giúp cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận pháp luật thuận tiện.

Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” tại trường THCS Buôn Trấp,  huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. 

Bên cạnh đó, hoạt động hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cũng được tỉnh quan tâm thực hiện. Năm 2023, số đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đạt tỷ lệ cao so với mặt bằng chung cả nước (toàn tỉnh có 180/184 đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt tỷ lệ 97,8%), cao hơn trung bình của cả nước là 96,3%).

Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có được một số kết quả cụ thể thông qua việc biên soạn, phát hành các tài liệu pháp luật liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa; thông tin pháp luật trên Trang thông tin điện tử PBGDPL tỉnh (pbgdpl.daklak.gov.vn) và các trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị.

Hiện, toàn tỉnh có 222 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 374 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 3.200 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Năm 2023, 6 tháng đầu năm 2024, kinh phí cho công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật toàn tỉnh là hơn 07 tỷ đồng, trong đó, tỉnh đã cấp kinh phí hỗ trợ, chi thù lao cho hòa giải viên.

Thực hiện tốt 7 nhiệm vụ trọng tâm

Bên cạnh những kết quả tích cực, ông Đỗ Đức Hà, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Lắk cũng thẳng thắn chỉ rõ công tác PBGDPL tại Đắk Lắk vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Hiệu quả triển khai chưa đồng đều giữa các lĩnh vực, tổ chức, địa phương; Cách thức tiếp cận, triển khai các hoạt động PBGDPL vẫn còn nặng tính truyền thống; Năng lực đội ngũ làm công tác PBGDPL chưa đồng đều; Đối với công tác tiếp cận pháp luật một số UBND cấp xã có nhận thức chưa đúng về nội dung các tiêu chí, chỉ tiêu; Tỷ lệ hòa giải thành của địa phương thấp so với cả nước; Kinh phí, cơ sở vật chất đầu tư, đảm bảo cho công tác PBGDPL còn nhiều khó khăn... Việc triển khai công tác PBGDPL ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chú trọng khâu tổ chức triển khai, chưa kịp thời, đầy đủ, chưa rõ nét.

Tại buổi làm việc, qua trao đổi, thảo luận, các thành viên Đoàn kiểm tra đã có những câu hỏi nhằm giải đáp những hạn chế, khó khăn cũng như tồn tại trong PBGDPL tại Đắk Lắk. Từ đó, có những định hướng, giải pháp, tháo gỡ, tìm ra những giải pháp hài hòa với tình hình ở địa phương, thiết thực với nhu cầu của người dân, đặc biệt khó khăn, buôn làng xa xôi.

Ông Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh Đắk Lắk đề xuất Trung ương: Nghiên cứu đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật về xã hội hóa công tác PBGDPL và truyền thông chính sách để huy động mạnh mẽ nguồn lực, tạo đột phá trong công tác; Đề nghị các Bộ, ngành chủ trì thực hiện Đề án ở Trung ương quan tâm hơn nữa đến các hoạt động quán triệt, tập huấn, hướng dẫn để thống nhất và nâng cao hiệu quả triển khai trong phạm vi toàn quốc.

Đồng chí Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Ủy viên Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương phát biểu kết luận tại buổi làm việc. 

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Uỷ viên Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương Triệu Văn Cường ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, kết quả đạt được của Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh Đắk Lắk trong thời gian qua. Trước yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong giai đoạn mới theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XIII và Nghị quyết số 77-NQ-CP của Chính phủ đòi hỏi cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, triển khai có chiều sâu, thực chất công tác hòa giải cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật với định hướng lấy người làm trung tâm, trong đó có vai trò rất quan trọng của Hội đồng Phối hợp PBGDPL.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường đề nghị tỉnh Đắk Lắk thực hiện tốt 7 nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể: Phát huy vị trí, vai trò, trách nhiệm của Hội đồng phối hợp các cấp, các cơ quan thành viên trong triển khai thực hiện công tác năm 2024 của Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương, các chương trình, Đề án của Bộ, ngành Trung ương. Chủ động nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thực tiễn trong công tác PBGDPL trên địa bàn. Tăng cường công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù, yếu thế...

Thực hiện có hiệu quả, đảm bảo chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ, đề án PBGDPL mới được ban hành, trong đó tập trung vào Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027"; Đề án "Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân"; "Đề án "Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện PBGDPL tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2024-2030" và "Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030".

Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Đặc biệt là đồng bào DTTS trên địa bàn, cần xây dựng, nhân rộng mô hình PBGDPL có hiệu quả, các cách làm hay, có sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân.

Gắn kết chặt chẽ giữa công tác hòa giải cơ sở và công tác dân vận; Nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ hòa giải viên và công tác hòa giải ở cơ sở, góp phần ổn định an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở./.

Nguyễn Ngọc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực