Nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động tư pháp nhiệm kỳ 2011-2016

Thứ tư, 30/03/2016 17:03
(ĐCSVN) – Vừa qua, Quốc hội đã thảo luận về báo cáo công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước trong đó có Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tóa án nhân dân tối cao. Theo đó, các cơ quan tư pháp đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, có nhiều chuyển biến tích cực trong hiện thực hóa Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp thời gian qua.

Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) phát biểu tại hội trường (Ảnh: quochoi.vn).


Đánh giá về hoạt động của ngành Tòa án và Kiểm sát trong nhiệm kỳ vừa qua, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nhận định các cơ quan tư pháp trong nhiệm kỳ qua đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình, tiếp tục hiện thực hóa Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng. Đặc biệt, hoạt động cải cách tư pháp đã nâng cao niềm tin của nhân dân, tiếp tục thực hiện một cách đúng đắn, trung thực, cầu thị việc bồi thường oan sai trong tố tụng hình sự theo tinh thần Nghị quyết 38 của Quốc hội. Tuy nhiên, đại biểu thẳng thắn cho rằng vẫn còn có trường hợp việc tổ chức xin lỗi công khai người được bồi thường chưa được thực hiện một cách thấu đáo. Những trường hợp như vậy đã làm cho ý nghĩa to lớn của công tác bồi thường oan trong tố tụng hình sự cũng như những nỗ lực của các cơ quan tư pháp, những nỗ lực của công luận và của người dân chưa được thật trọn vẹn.

Theo dõi báo cáo nhiệm kỳ của ngành Kiểm sát, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, cử tri đang bày tỏ sự đồng tình với ngành Kiểm sát đã có tư tưởng và quan điểm cải cách tư pháp mạnh mẽ và có những đóng góp nhất định vào việc kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng trong các cơ quan tư pháp. Đại biểu đề nghị, với vai trò và trách nhiệm đã được quy định theo Hiến pháp, ngành Kiểm sát phải quyết liệt hơn trong việc thực thi các quyền hạn, đóng góp nhiều hơn vào việc bảo vệ quyền con người và quyền công dân. Bên cạnh đó, Tòa án và Viện kiểm sát cũng phải đảo đảm nguyên tắc tranh tụng và chấp nhận tranh tụng bình đẳng với luật sư, không câu nệ vào vị trí ghế ngồi mà chủ yếu là dựa vào kiến thức, kinh nghiệm, bản lĩnh nghề nghiệp...

Đồng tình với các nhiều ý kiến tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) khẳng định, hoạt động của ngành Kiểm sát và ngành Tòa án trong nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua đứng trước những yêu cầu đòi hỏi rất lớn, đó là công tác cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49 Bộ Chính trị, Nghị quyết Quốc hội về công tác tư pháp đặt ra những yêu cầu, mục tiêu và chi tiêu cụ thể. Quốc hội đã giám sát thường xuyên việc chấp hành Nghị quyết, những yêu cầu đòi hỏi đặt ra đối với vai trò người đứng đầu của hai ngành Kiểm sát và Tòa án. Đứng trước những yêu cầu đòi hỏi như vậy, ngành Kiểm sát và Tòa án đã có những nỗ lực, cố gắng và tạo được những chuyển biến rất tích cực trong hoạt động. Trong đó, lãnh đạo ngành đã tập trung công tác xây dựng ngành, nổi bật là chấn chỉnh phong cách tác phong lề lối làm việc, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm ở cơ sở. Các ngành tư pháp đã chú trọng đến việc rà soát, thanh tra, kiểm tra để nâng cao chất lượng truy tố xét xử; giải quyết những khó khăn, vướng mắc tồn động kéo dài, liên quan đến quyền con người và quyền công dân, cụ thể ở đây là vấn đề xác minh, làm rõ và kết luận án oan sai. Đây là những tín hiệu tạo lập niềm tin của công dân đối với hoạt động của cơ quan tư pháp. Ngoài ra, các cơ quan tư pháp đã có sự phối hợp tốt, chặt chẽ trong hoạt động tố tụng cũng như sự phối hợp giữa lãnh đạo của hai ngành Kiểm sát, Tòa án với cấp ủy, chính quyền các địa phương.

Thông qua đó, ngành Kiểm sát và Tòa án trong nhiệm kỳ vừa qua đã từng bước xác lập niềm tin của người dân vào hoạt động của các cơ quan tư pháp, theo tinh thần của Hiến pháp 2013, từng bước đề cao vai trò, quyền con người, quyền công dân trực tiếp liên quan đến các hoạt động tư pháp. Bên cạnh kết quả đạt được, các đại biểu lưu ý chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, chất lượng truy tố xét xử mặc dù có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Do vậy, trong nhiệm kỳ tới, ngành Tòa án và Kiểm sát phải tiếp tục quan tâm tới chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, chất lượng truy tố xét xử. Đặc biệt, Tòa án và Viện Kiểm sát cần chăm lo đến đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp khắc phục tình trạng nhiều vị trí vừa thiếu vừa yếu là nguyên nhân gây ra án tồn đọng, án oan, sai; đồng thời có giải pháp khắc phục hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác ngành trong thời gian tới./.

 

Kim Sơn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực