Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cựu chiến binh (CCB) và Nhân dân đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây chính là cầu nối để đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với CCB và Nhân dân, nhằm tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục CCB và Nhân dân chấp hành nghiêm Hiến pháp và pháp luật.
Theo Hội CCB Việt Nam, những năm qua, các cấp Hội đã phát huy trách nhiệm, bằng nhiều hình thức, linh hoạt chủ động, kịp thời tổ chức tuyên truyền đầy đủ, toàn diện các văn bản pháp luật mới ban hành giúp CCB và người dân từng bước nắm được các quy định của pháp luật để tuân thủ và áp dụng trong cuộc sống hằng ngày.
|
Hội CCB huyện Châu Thành tỉnh Tây Ninh phối hợp với các lực lượng tham gia tuần tra bảo vệ cột mốc khu vực biên giới
|
Hội CCB Việt Nam cho biết, các hoạt động PBGDPL được thực hiện chủ yếu ở các hình thức như: Tập huấn, hội nghị tập trung PBGDPL, ngày pháp luật, mít tinh, tờ rơi, trên các phương tiện thông tin... những hình thức này có ưu điểm là kịp thời, tuyên truyền được cho số lượng lớn người nghe. Tuy nhiên, đối với các đạo Luật đồ sộ, với nhiều chương, điều dẫn đến người nghe trong thời gian ngắn phải tiếp thu quá nhiều kiến thức (nhất là đối tượng người nhiều tuổi) nảy sinh tâm lý ngại nghe, ngại đọc, hiệu quả chưa cao, chưa chỉ dẫn được những quy định thiết thực để giải quyết cụ thể vướng mắc mà CCB và người dân yêu cầu.
Xuất phát từ thực tế này, nhiều địa phương trên cả nước đã có sáng kiến hình thành những mô hình gọn, nhỏ, linh hoạt để nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, PBGDPL, giúp người nghe dễ tiếp nhận, dễ hiểu, dễ áp dụng, như: “Câu lạc bộ pháp luật”, “Tổ tuyên truyền pháp luật” “Cà phê với pháp luật” “Ngày hội pháp luật”, “Thư viện pháp luật”, “Tủ sách pháp luật”, “Tiết học pháp luật”, “Tư vấn pháp luật lưu động, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp tại địa bàn vùng sâu, vùng xa”; “Mỗi tuần học một điều luật”, “Quán cà phê pháp luật”, “câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật”, “thanh niên với pháp luật”....
Cùng với sáng kiến của các địa phương trên cả nước, Hội CCB các cấp cũng đã tìm tòi, phát huy sáng kiến mạnh dạn đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương hoặc tự mình xây dựng, thành lập nhiều mô hình phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng Hội.
Theo đó, rất nhiều mô hình hiện đang hoạt động có hiệu quả trong Hội CCB trên khắp cả nước. Điển hình như: Hội CCB huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp ký kết với Phòng Tư pháp huyện thành lập 12 câu lạc bộ “Cựu chiến binh với pháp luật” được Phòng Tư pháp cấp phát tài liệu, hướng dẫn PBGDPL tại 12 Hội CCB xã, thị trấn, do đó hoạt động rất hiệu quả.
Phòng Tư pháp huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An và Hội CCB huyện hằng năm đều ký kết kế hoạch liên tịch về tuyên truyền PBGDPL. Trong đó hai bên đã xây dựng thành công mô hình “Túi sách pháp luật” triển khai thực hiện tới các chi hội CCB trong toàn huyện. Hoạt động “Túi sách pháp luật” là mô hình PBGDPL rất có hiệu quả tại các chi hội, điển hình như Chi hội CCB ấp 2, xã Bình An với 18 hội viên, Chi hội CCB ấp 5, xã Nhị Thành với 42 hội viên. Kết quả, nhiều năm nay không có hội viên vi phạm pháp luật do làm tốt công tác tuyên truyền PBGDPL.
Mô hình “Cựu chiến binh phối hợp tham gia tuyên truyền bảo vệ cột mốc biên giới” của Hội CCB huyện Châu Thành tỉnh Tây Ninh với 927 thành viên đã phối hợp với 03 đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn huyện tổ chức tuyên truyền, PBGDPL liên quan đến biên giới Quốc gia rất hiệu quả.
Mô hình “Câu lạc bộ pháp luật Hội Cựu chiến binh” của Phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ được UBND Phường ra quyết định thành lập từ năm 2018 với 12 thành viên đã thực hiện đa dạng hóa PBGDPL có hiệu quả lan tỏa ra nhiều đối tượng CCB và người dân..../.