Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, Luật Việc làm số 38/2013/QH13 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 16/11/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015.
Lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các quan hệ về việc làm và thị trường lao động, mở rộng độ bao phủ, điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động (bao gồm cả đối tượng lao động có giao kết và không có giao kết hợp đồng lao động).
|
Ảnh minh họa (Nguồn: MD) |
Sau khi Quốc hội thông qua Luật Việc làm, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Luật Việc làm, các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ đã được xây dựng, ban hành đầy đủ, thể hiện toàn diện các nội dung, đáp ứng được yêu cầu, chất lượng. Việc xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn Luật được thực hiện một cách kịp thời, đảm bảo theo đúng trình tự, thủ tục quy định, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và phù hợp với tình hình thực tế phát triển của đất nước theo từng gia đoạn.
Những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật nói chung, pháp luật về việc làm nói riêng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về việc làm.
Trên cơ sở các quy định tại Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn, Bộ LĐTBXH đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền để phổ biến các quy định của Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn đến người lao động và người sử dụng lao động. Đồng thời, chủ động hướng dẫn, chia sẻ, lồng ghép hoạt động của trung ương với địa phương trong các hoạt động thực hiện nhiệm vụ chung của ngành LĐTBXH về thông tin, tuyên truyền các chính sách pháp luật và văn bản hướng dẫn Luật Việc làm với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Cụ thể, công bố toàn văn nội dung của Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn trên trang thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ LĐTBXH, các Bộ, ngành liên quan.
Biên soạn, in và phát hành nhiều ấn phẩm về các quy định, chính sách trong Luật Việc làm, cung cấp cho các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện chính sách, người sử dụng lao động và người lao động, như: Luật Việc làm, Chỉ mục các quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Sổ nghiệp vụ về BHTN, Tìm hiểu/Hỏi đáp về BHTN, Sổ tay hướng dẫn bộ chỉ số thị trường lao động Việt Nam, Cẩm nang học nghề và việc làm, Tờ rơi cho vay giải quyết việc làm, …
Hằng năm, Bộ LĐTBXH và các địa phương đều thông tin, phổ biến các quy định, pháp luật về việc làm, BHTN, thông tin thị trường lao động, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia … thông qua việc tổ chức hàng nghìn hội nghị, hội thảo, tập huấn, đối thoại với doanh nghiệp và người lao động;
Bên cạnh đó, các tổ chức thành viên của Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về việc làm trên các chuyên mục riêng trên đài Truyền hình Việt Nam như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với chuyên mục “Lao động và công đoàn”; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với chuyên mục “Thanh niên lập nghiệp”, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với chuyên mục “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, Hội Nông dân Việt Nam với chuyên mục “Pháp luật với nhà nông”; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam với chuyên mục “Bạn của nhà nông”…
"Các hình thức tuyên truyền, phổ biến Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn được thực hiện một cách chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội nói chung và người lao động nói riêng và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, nhất là doanh nghiệp và người lao động tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, kịp thời nhất" - Bộ LĐTBXH đánh giá.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng theo Bộ LĐTBXH, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về việc làm chưa được tiến hành thường xuyên; hầu hết các địa phương tập trung tổ chức phổ biến, tuyên truyền vào thời điểm Luật Việc làm hoặc văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành.
Nội dung thông tin, tuyên truyền còn nặng về trình bày, nêu quy định pháp luật, chưa thực sự thu hút sự chú ý, quan tâm, chưa tác động dễ nhớ, dễ hiểu cho đối tượng thụ hưởng.
Đối tượng được tuyên truyền, phổ biến chủ yếu ở các khu đô thị, khu công nghiệp, các doanh nghiệp lớn và khu vực việc làm chính thức (chỉ chiếm khoảng 1/3 lực lượng lao động) trong khi 2/3 lao động tập trung ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh, các làng nghề và khu vực phi chính thức ít được tiếp cận một cách đầy đủ, kịp thời các quy định, chính sách pháp luật về việc làm.../.