|
Người dân làm thủ tục đất đai (Ảnh minh họa: BL) |
Bộ Nội vụ cho biết, với vai trò cơ quan thường trực cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã tích cực, chủ động theo dõi, đôn đốc và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ CCHC; kịp thời tổng hợp các kiến nghị, đề xuất và trực tiếp giải quyết hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết các kiến nghị có nội dung liên quan đến công tác CCHC, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện; tổng hợp báo cáo Chính phủ tình hình, kết quả thực hiện công tác CCHC của các bộ, ngành, địa phương trình Phiên họp thường kỳ Chính phủ (định kỳ báo cáo theo quý, 6 tháng, năm).
Bộ Nội vụ đã tham mưu Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ (Ban Chỉ đạo) tổ chức 04 phiên họp của Ban Chỉ đạo, tham mưu ban hành, tổ chức thực hiện có kết quả Kế hoạch hoạt động và Kế hoạch kiểm tra công tác CCHC năm 2023 của Ban Chỉ đạo. Đẩy mạnh triển khai Đề án Hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin đánh giá cải cách hành chính và đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030; Đề án tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện cải cách hành chính giai đoạn 2022-2030.
Bộ Nội vụ đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan có liên quan để triển khai các hoạt động thẩm định, đánh giá xác định kết quả Chỉ số CCHC năm 2022 (PAR Index) của các bộ, các tỉnh, bảo đảm chính xác, khách quan và công bằng trong đánh giá, xếp hạng; triển khai các hoạt động khảo sát người dân, tổ chức để xác định Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022 (SIPAS). Kết quả các chỉ số trên đã được Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ công bố vào ngày 19/4/2023 , trên cơ sở đó các bộ, ngành, địa phương đã có những chỉ đạo, quán triệt nhằm kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại hạn chế, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác cải cách hành chính. Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ đã chủ động phối hợp với Văn phòng Chính phủ rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính không cần thiết phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Công tác cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương đã đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, thể chế của nền hành chính tiếp tục được hoàn thiện; cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện; thành lập Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách TTHC, từng bước đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Hiện nay, Bộ Nội vụ đang tích cực đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các chỉ tiêu Chính phủ đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP, trong đó các chỉ tiêu năm 2023 phải đạt được, như: Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ bình quân cả nước (Par-Index) đạt 86,4; của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bình quân cả nước (Par-Index) đạt 86,7; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước bình quân cả nước (SIPAS) đạt 87,7.
Bộ Nội vụ cũng thông tin, các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt triển khai công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; hoàn thành triển khai hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh trên cơ sở hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử, tiêu biểu như: Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Trà Vinh…
Bộ Nội vụ cho biết, năm 2024 tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, công vụ, công chức và xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả về đánh giá chỉ số CCHC (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện cải cách hành chính các bộ, ngành, địa phương./.