Tỷ lệ sử dụng TLĐT vẫn có nguy cơ gia tăng
Thái Lan ban hành lệnh cấm xuất nhập khẩu, kinh doanh, sở hữu và sử dụng các mặt hàng TLĐT từ 11/2014, với mức án tăng dần từ phạt tiền, thu hồi sản phẩm lên đến phạt tù từ 5-10 năm.Tuy nhiên, lệnh cấm TLĐT cũng không giúp giảm tỷ lệ sử dụng sản phẩm ở giới trẻ.
Từ tháng 1/2023 đến 1/2024, Cục Hải quan nước này đã tịch thu 68.706 sản phẩm thuốc lá mới, trị giá khoảng 11 tỷ đồng, nhưng thực tế ước tính có thể gấp 100 lần. Đáng quan ngại nhất, theo kết quả khảo sát gần đây của Trung tâm Quản lý Kiến thức và Nghiên cứu Kiểm soát Thuốc lá, 1/3 số sinh viên đại học Thái Lan muốn dùng thử TLĐT.
|
Thuốc lá điện tử lậu vẫn được rầm rộ quảng cáo trực tuyến tại Thái Lan. Nguồn: BangKok Post |
Tương tự tại Singapore, cho dù đã có lệnh cấm, nhưng theo số liệu được ông Miliki Osman, Bộ trưởng thứ hai Bộ Giáo dục Singapore, báo cáo trước Quốc hội tháng 10/2023 cho thấy, số học sinh sử dụng TLĐT tăng từ dưới 50 ca (2018-2019) lên 800 ca trong năm 2022, gấp 16 lần sau 3 năm.
Lào và Campuchia cũng là 2 nước áp dụng lệnh cấm TLĐT, TLLN trong khối ASEAN cũng công bố tỷ lệ sử dụng sản phẩm này trong giới trẻ có tình trạng tăng cao. Thứ trưởng Y tế Lào Sanong Thongsana cho biết, hiện tỷ lệ sử dụng TLĐT trong giới trẻ của nước này đang có chiều hướng gia tăng. Bộ Y tế Campuchia lo ngại dù có lệnh cấm nhưng việc mua bán trên mạng hay sử dụng TLĐT của học sinh vẫn tiếp tục tăng.
Tìm giải pháp phù hợp
Theo đại diện Vụ pháp chế, Bộ Y tế, Bộ này đang thu thập ý kiến các cơ quan liên quan về đề xuất xây dựng chính sách cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá mới, bao gồm TLĐT và TLLN . Mục tiêu cao nhất là bảo đảm sức khỏe cộng đồng, nhất là giới trẻ.
Cho đến nay, cơ sở pháp lý để xem xét việc kiểm soát mặt hàng này là Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL). Căn cứ trên định nghĩa của Luật cho thấy Luật đã bao hàm các sản phẩm thuốc lá mới, đặc biệt là TLLN vì có chứa nguyên liệu thuốc lá. Mặt khác, theo Luật Đầu tư, thuốc lá vẫn đang là ngành hàng kinh doanh hợp pháp.
Thực tiễn đến nay cho thấy các nước đang áp dụng lệnh cấm đối với TLĐT, TLLN đều có quan ngại chung đó là tình trạng buôn lậu tăng cao. Mặt khác, hệ lụy lớn nhất chính là sự tăng trưởng về tỷ lệ sử dụng ở giới trẻ.
Ở góc độ tổn thất kinh tế, lệnh cấm còn làm hao hụt cho Chính phủ về doanh thu thuế đối lập với các khoản chi phí y tế khắc phục từ việc sử dụng hàng gian, hàng giả.
Tại hội thảo “Thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam: Khuyến nghị chính sách” do Hiệp hội Thuốc lá (VTA) tổ chức ngày 19/3, các đại biểu đã đồng thuận, chính việc thiếu các quy định pháp luật rõ ràng đã gián tiếp gây ra tình trạng phổ biến các sản phẩm TLLN, TLĐT tại thị trường chợ đen, kéo theo loạt hệ lụy cho sức khỏe cộng đồng.
Sáng 4/5 vừa qua, tại phiên giải trình trách nhiệm quản lý Nhà nước về phòng, chống tác hại của TLĐT, TLLN do Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội tổ chức, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết: TLĐT đang xâm nhập và được sử dụng ngày càng nhiều và gia tăng ở nước ta, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, lứa tuổi học sinh.
Tình hình nhập lậu thuốc lá, buôn bán, vận chuyển, quảng cáo TLĐT, TLLN trên thị trường, qua không gian mạng ngày càng tăng về quy mô và mức độ nghiêm trọng, đặc biệt là tình trạng mua bán, sử dụng TLĐT pha trộn ma tuý (cần sa, ma tuý tổng hợp) đang diễn biến phức tạp và gia tăng rất nhanh.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cần nhận diện đúng về TLĐT, TLLN, đánh giá đúng tác hại của các loại thuốc lá này. Từ đó, có thông điệp rõ ràng, cụ thể đến người dân và chính kiến về trách nhiệm của nhà nước đối với vấn đề này.
Ông cũng lưu ý các cơ quan chức năng cần đưa ra những kiến nghị cụ thể, rõ ràng. Đối với những kiến nghị về hoàn thiện pháp luật cần phải bảo đảm về tính khả thi, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và giải pháp phòng chống tác hại TLĐT, TLLN.
Đồng tình quan điểm bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng là trên hết, về trách nhiệm của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, dưới góc độ để quản lý xã hội tốt nhất, từ năm 2020 Bộ Công Thương đã có một số đề tài nghiên cứu ở cấp bộ về quản lý thuốc lá thế hệ mới ở Việt Nam, trong đó có tham khảo đánh giá khoa học từ Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).
Tại công văn số 5200/TTr-BCT ngày 26/8/2021, Bộ Công Thương đã có Tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng các phương án quản lý các loại TLTHM tại Việt Nam.
Theo đó, Bộ Công Thương cũng đã rất thận trọng trong việc đề xuất chính sách quản lý các loại hình sản phẩm mới này theo hướng chỉ kiến nghị Thủ tướng cho phép thí điểm việc sản xuất, nhập khẩu và lưu thông TLLN như sản phẩm thuốc lá trong thời gian 2 năm theo quy định của Luật PCTHTL, và giao Bộ Công Thương xây dựng cơ chế thí điểm quản lý TLLN trên cơ sở các ý kiến đã được thống nhất giữa các bộ, ngành./.