Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và thực hiện các cam kết quốc tế

Thứ năm, 25/08/2016 14:01
(ĐCSVN) - Ngày 09/4/2016, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật Điều ước quốc tế số 108/2016/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2016, dưới đây là những nội dung cơ bản của Luật Điều ước quốc tế năm 2016.

Luật Điều ước quốc tế số 108/2016/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2016

Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 (sau đây gọi tắt là Luật ĐƯQT năm 2005) gồm 9 chương, 107 điều được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2006, thay thế Pháp lệnh ký kết và thực hiện ĐƯQT năm 1998. Việc ban hành luật này có ý nghĩa quan trọng cả về đối nội và đối ngoại, phục vụ tích cực, kịp thời cho yêu cầu gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới và hội nhập kinh tế quốc tế. Luật ĐƯQT năm 2005 đã tạo điều kiện cho các bộ, ngành chủ động đề xuất ký kết điều ước quốc tế theo một quy trình thống nhất, tạo cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế một cách đầy đủ, nhịp nhàng, phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật ĐƯQT năm 2005 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, khiến cho việc áp dụng, thực hiện Luật và thực thi ĐƯQT thiếu nhất quán, hiệu quả và hiệu lực không cao, chưa đảm bảo yêu cầu cải cách tư pháp cũng như chưa đáp ứng các đòi hỏi ngày càng cao của tình hình thực tế để thực hiện chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực dẫn đến một số quy định của Luật không còn phù hợp, hoặc đặt ra yêu cầu cần bổ sung những quy định còn thiếu để triển khai Hiến pháp năm 2013. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, điều ước quốc tế hiện nay rất đa dạng về lĩnh vực, đối tác, mức độ phức tạp, so với thời điểm ban hành Luật ĐƯQT năm 2005, về năng lực, trình độ của các cơ quan, cán bộ trực tiếp tham gia quá trình ký kết và thực hiện ĐƯQT nhìn chung đã được nâng lên. Trong khi đó, Luật ĐƯQT năm 2005 chỉ quy định một quy trình ký kết ĐƯQT duy nhất, áp dụng chung cho cả ĐƯQT phức tạp, thời gian nghiên cứu, đàm phán kéo dài, cũng như ĐƯQT đơn giản hoặc theo mẫu mà Việt Nam đã ký kết với cùng đối tác hoặc với các đối tác khác nhau, hoặc có yêu cầu gấp về thời gian. Việc thực hiện quy trình nhiều khi mang tính hình thức, chồng chéo, gây tốn thời gian, công sức mà chưa đề cao được trách nhiệm của mỗi cơ quan.

Đến nay, nhu cầu thực hiện chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế đòi hỏi một quy trình ký kết ĐƯQT nhanh chóng, thuận lợi, linh hoạt hơn khi cần tranh thủ cơ hội, phục vụ lợi ích của đất nước, đồng thời, chặt chẽ về thẩm quyền, có sự kiểm tra, phân công, giám sát nhằm tránh sơ hở, rủi ro; quyền chủ động đề xuất phải đi kèm với trách nhiệm trong việc ký kết ĐƯQT và nghĩa vụ triển khai thực hiện ĐƯQT. Luật ĐƯQT cần được sửa đổi để phản ánh đáp ứng với nhu cầu trên.

Thứ hai, hiệu quả của việc ký kết ĐƯQT cũng như thực hiện ĐƯQT chưa cao. Trong khoảng 2000 ĐƯQT được ký trong gần 10 năm thực hiện Luật ĐƯQT năm 2005, một số ĐƯQT chưa đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội. Bên cạnh các quy định thường gặp trong ĐƯQT chỉ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa các quốc gia thành viên, có những ĐƯQT có quy định làm phát sinh quyền, nghĩa vụ cho cá nhân, tổ chức; mỗi loại quy định đòi hỏi cách thức thực hiện khác nhau ngay cả khi cùng tồn tại trong một ĐƯQT, một số ĐƯQT không triển khai được vì thiếu cơ sở thực tế, kém khả thi hoặc do thiếu nguồn lực. Việc ban hành, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện ĐƯQT còn chậm trễ, ảnh hưởng đến việc thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam.

Trách nhiệm của cơ quan đề xuất ký kết ĐƯQT chưa gắn với trách nhiệm triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam trong ĐƯQT. Việc tổ chức theo dõi và đánh giá việc thực hiện ĐƯQT, bao gồm cả đánh giá hiệu quả của ĐƯQT, ban hành văn bản pháp luật để thực hiện các cam kết quốc tế và tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội chưa được thực hiện thường xuyên, có hệ thống. Nguyên nhân của những vấn đề nêu trên không chỉ là do tổ chức thực hiện Luật, mà còn do những bất cập ngay trong Luật ĐƯQT năm 2005.

Thứ ba, phạm vi điều chỉnh của Luật ĐƯQT năm 2005 quá rộng, bao gồm cả các văn kiện không ràng buộc về pháp lý, không tạo ra quyền, nghĩa vụ đối với Việt Nam, không phải là ĐƯQT theo quy định của Công ước Viên năm 1969 về Luật điều ước quốc tế. Do các văn bản này được coi là “điều ước quốc tế” theo quy định của Luật ĐƯQT nên trình tự, thủ tục áp dụng đối với việc ký kết phải tuân thủ quy trình chung của Luật ĐƯQT; giá trị pháp lý của các văn bản này cũng không được xác định nhất quán, gây khó khăn nhất định trong việc ký kết, sửa đổi, gia hạn cũng như việc thực hiện.

Thứ tư, Hiến pháp năm 2013 có một số quy định liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong ký kết, gia nhập ĐƯQT, dẫn đến yêu cầu phải sửa đổi các quy định tương ứng trong Luật, bổ sung một số quy định còn thiếu về quy trình thực hiện các thay đổi về thẩm quyền nêu trên. Các quy định của Hiến pháp năm 2013 về đối ngoại nói chung và ký kết ĐƯQT nói riêng cũng như các nguyên tắc và quy định của Hiến pháp năm 2013 cần được triển khai, cụ thể hóa trong luật.

Thứ năm, Luật chưa có các quy định về tham vấn, lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động của ĐƯQT; chưa quy định việc công bố, công khai, minh bạch hóa nội dung ĐƯQT để tạo thuận lợi cho việc triển khai và tuân thủ thực hiện ĐƯQT phù hợp với cam kết về minh bạch hóa trong các hiệp định FTA mà ta đã ký kết và đang đàm phán.

Thứ sáu, về kỹ thuật văn bản, Luật ĐƯQT có một số nội dung được quy định quá chi tiết, rải rác ở nhiều điều, thiếu linh hoạt dẫn đến khó theo dõi, áp dụng; một số quy định lấy từ Công ước Viên năm 1969 về Luật ĐƯQT chỉ có giá trị trong quan hệ ký kết, thực hiện ĐƯQT giữa các quốc gia, không có giá trị áp dụng trong nước và trong thực tiễn cũng chưa bao giờ được áp dụng.

Từ những lý do trên, việc sửa đổi một cách toàn diện Luật ĐƯQT năm 2005 là nhu cầu cấp thiết, nhằm triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tính hợp hiến, tính chặt chẽ, nhưng cũng đảm bảo tính linh hoạt của Luật ĐƯQT, phục vụ chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước.

Luật điều ước quốc tế năm 2016 được xây dựng trên cơ sở những mục tiêu, quan điểm và những yêu cầu cơ bản đó là: Thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về đối ngoại, đặc biệt là chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Luật ĐƯQT năm 2016 phải tạo được khung pháp lý vừa chặt chẽ, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu ký kết và thực hiện ĐƯQT phù hợp với lợi ích của đất nước. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp nhằm tạo điều kiện cho việc xây dựng, hình thành những cam kết quốc tế đem lại và bảo vệ lợi ích tối đa cho đất nước. Quyền chủ động của các cơ quan trong đề xuất ký kết và triển khai thực hiện các ĐƯQT phải đi kèm với trách nhiệm, có cơ chế phân công, phối hợp, kiểm tra.

Triển khai thực hiện các quy định mới của Hiến pháp năm 2013, bổ sung, điều chỉnh các nội dung về thẩm quyền cũng như thủ tục, quy trình để thực hiện thẩm quyền hiến định của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực ĐƯQT, tôn trọng và góp phần triển khai thực hiện, bảo vệ các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, nguyên tắc dân chủ, pháp quyền đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế nhằm thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam, thực hiện quy định tại Điều 12 Hiến pháp năm 2013: “Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”. Hình thành một quy trình nhất quán, liên tục giữa ký kết và thực hiện ĐƯQT, theo đó, làm rõ trách nhiệm của cơ quan đề xuất và các cơ quan khác xuyên suốt từ giai đoạn chuẩn bị, tổ chức đàm phán tới chấp nhận sự ràng buộc của ĐƯQT và tổ chức thực hiện ĐƯQT.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực