Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam (VINASA) vừa tổ chức Hội nghị chiến lược VINASA 2024 tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Đây là Hội nghị thường niên quan trọng của VINASA với sự tham gia của các lãnh đạo hiệp hội, các chuyên gia uy tín trong các ngành, lĩnh vực liên quan, lãnh đạo một số doanh nghiệp hội viên VINASA nhằm đánh giá hoạt động năm 2023, bàn thảo kế hoạch hoạt động năm 2024, đồng thời hoạch định các chiến lược hoạt động trong giai đoạn tới.
Theo báo cáo, năm 2023, nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đối mặt với nhiều thách thức lớn, dù vậy, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ phát triển GDP cao trên 5%. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngành Công nghiệp ICT đạt hơn 3.3 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 1,49% so với năm 2022, và thấp hơn nhiều tăng trưởng toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy các doanh nghiệp Công nghệ số đã phải đối mặt với một năm rất khó khăn.
|
Quang cảnh hội nghị. |
Trong bối cảnh đó, VINASA đã nỗ lực để hoàn thành kế hoạch đặt ra và thúc đẩy các hoạt động tăng cường kết nối, phát triển thị trường hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên, nâng cao vị thế của ngành CNTT Việt Nam trên trường quốc tế.
Về hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá phát triển thương hiệu: VINASA đã Tổ chức 4 giải thưởng trong năm 2023: Giải thưởng Sao Khuê năm thứ 20, Top 10 Doanh nghiệp Công nghệ Số, Giải thưởng Smart City Việt Nam và Giải thưởng Sáng tạo tương lai (VietFuture). Về thúc đẩy thị trường chính phủ (B2G): Bên cạnh Vietnam - ASIA DX Summit và Smart City Summit thường niên, VINASA đã tổ chức thành công 5 sự kiện, trong đó có 4 sự kiện VINASA đã phối hợp tổ chức, hỗ trợ nhằm thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số cho 4 địa phương: Hà Nội, Quảng Ngãi, Huế, Hải Phòng.
Lần đầu Hiệp hội hoạt động hướng thị trường doanh nghiệp và người dùng cuối (B2B, B2C): Năm 2023, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy thị trường doanh nghiệp và người dùng cuối, VINASA đã lên kế hoạch và tổ chức thành công 3 sự kiện hướng đến thị trường B2B và B2C: Đó là Biztech Vietnam, TalentX (B2B) và Tech4life (B2C). Về hỗ trợ doanh nghiệp Go Global: VINASA tổ chức 13 đoàn xúc tiến thương mại quốc tế, tới 11 nền kinh tế khác nhau, tham gia các triển lãm, hội nghị, và 02 giải thưởng quốc tế ASOCIO và APICTA. Các chương trình đã hỗ trợ 116 lượt doanh nghiệp tiếp cận và phát triển thị trường quốc gia (Go Global). Về phát triển hội viên: Văn phòng VINASA đã phát triển thêm được 87 hội viên mới, nâng tổng số Hội viên của Hiệp hội tính đến hết năm 2023 là 587 doanh nghiệp.
Trong năm 2024 và các năm tiếp theo, bên cạnh các hoạt động thường niên, VINASA thống nhất 04 định hướng chiến lược cho hoạt động của Hiệp hội và các doanh nghiệp Hội viên trong thời gian tới gồm: Tham gia thúc đẩy công nghiệp bán dẫn; Chuyển đổi số - Chuyển đổi xanh (Chuyển đổi số xanh); Innovation Hub; Digital Trust.
Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn nhất thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Những tên tuổi lớn nhất trong hệ sinh thái Bán dẫn của thế giới đã và đang lựa chọn Việt Nam để đầu tư cho các hoạt động từ nghiên cứu phát triển (R&D) đến sản xuất, chế tạo. Chính phủ Việt Nam cũng đang nỗ lực rất lớn xây dựng những chính sách, chuẩn bị nguồn lực định hướng Việt Nam trở thành một trong những trung tâm công nghiệp bán dẫn hàng đầu của thế giới. Thêm vào đó, trong bối cảnh doanh nghiệp trên toàn thế giới tăng tốc trong cuộc đua chuyển đổi số tạo ra nhu cầu rất lớn về các Chip bán dẫn trong tất cả các ngành, các lĩnh vực.
Nhận thấy công nghiệp bán dẫn sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nói chung và Hội viên VINASA nói riêng, đặc biệt là trong các công đoạn: Thiết kế, Kiểm thử, Hợp tác với các doanh nghiệp quốc tế, VINASA quyết định thành lập Ủy ban Phát triển Công nghiệp Chip Bán dẫn Việt Nam trực thuộc Hiệp hội nhằm tập hợp lực lượng chuyên gia, doanh nghiệp, đối tác cùng thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Bán dẫn tại Việt Nam thông qua các hoạt động: đào tạo phát triển nguồn nhân lực; tuyên truyền phổ biến các kiến thức, kinh nghiệm; kết nối hợp tác; R&D, qua đó hình thành lực lượng doanh nghiệp, chuyên gia tham gia vào hệ sinh thái phát triển chíp, bán dẫn toàn cầu; vận động, kết nối với chính quyền các cấp, tạo ưu đãi cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Chủ tịch Hội đồng Sáng lập VINASA, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình sẽ trực tiếp tham gia, và chỉ đạo hoạt động của Ủy Ban.
Năm 2024, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác trong nước và toàn cầu với nhiều cơ hội mới liên quan đến công nghiệp bán dẫn và kinh tế xanh, VINASA đã thống nhất lựa chọn thông điệp cho các hoạt động năm 2024 là: “Chuyển đổi số xanh - Kết nối toàn cầu” với niềm tin sẽ thúc đẩy phát triển bền vững, mở ra các thị trường, định hướng hoạt động đảm bảo thành công cho các doanh nghiệp ngành CNTT Việt Nam./.