Điện Biên tăng cường ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Thứ tư, 10/07/2024 23:45
(ĐCSVN) - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ là một trong những mục tiêu chiến lược của Đảng và Nhà nước ta, nhất là trong giai đoạn cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ.

Nhận thức được tầm quan trọng của KH&CN, thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh Điện Biên đã đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trên tất cả lĩnh vực sản xuất và đời sống, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong nhiều lĩnh vực

Trên cơ sở Nghị quyết của Đảng, các văn bản của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Điện Biên luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo thực hiện nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh với quan điểm vừa có tính toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm, từng bước đổi mới hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở KH&CN tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2020 - 2023, trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện 56 nhiệm vụ KH&CN, trong đó có 14 nhiệm vụ cấp quốc gia (2 nhiệm vụ thuộc Chương trình cấp thiết địa phương do Trung ương quản lý; 12 nhiệm vụ thuộc Chương trình nông thôn miền núi). Thông qua các nhiệm vụ KH&CN đã góp phần giải quyết một số vấn đề cấp thiết, khó khăn của tỉnh. Nhiều tiến bộ KH&CN trong chăn nuôi, trồng trọt… đã được chuyển giao đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, nâng cao năng lực ứng dụng tiến bộ KH&CN của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hội thảo “Thực trạng ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong giai đoạn hiện nay”  do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật và Sở KH&CN tỉnh Điện Biên đã phối hợp tổ chức ngày 5/7/2024.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 71 nhãn hiệu hàng hóa, 02 giải pháp hữu ích đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn đăng ký, trong đó có 17 nhãn hiệu, 01 giải pháp hữu ích được cấp văn bằng bảo hộ. Tỉnh cũng triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021 - 2025, phê duyệt Đề án triển khai Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Điện Biên…

Những đóng góp của KH&CN đã góp phần không nhỏ trong kết quả phát triển kinh tế - xã hội rất đáng ghi nhận của tỉnh như: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt xấp xỉ 7,8%/năm, vượt so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra là 7%; năm 2023 đạt 7,1%, cao hơn so với bình quân chung của toàn quốc, xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 04/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng. Tổng thu ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2023 tăng dần qua các năm.

Trong phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung cây có hạt với trên 10.000 ha và 23 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Triển khai 14 dự án trồng cây mắc ca với quy mô 69.406 ha (đến hết năm 2023 đã trồng được 7.300 ha). Hình thành 68 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 04 sản phẩm đạt 4 sao và 64 sản phẩm 3 sao. Chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện có hiệu quả, đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 100% mục tiêu; 48/115 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 10 xã so với năm 2020, tương đương 41,7% số xã; tổng số thôn bản được công nhận nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu là 160 thôn, bản.

Tăng cường kiểm tra, giám sát các nhiệm vụ khoa học

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế tại tỉnh Điện Biên thời gian qua cho thấy, ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN vào thực tiễn mặc dù đã được quan tâm, chú trọng, nhưng đạt hiệu quả chưa như mong muốn, vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó, phải kể đến hiệu quả triển khai ứng dụng các đề tài nghiên cứu KH&CN sau nghiệm thu ở các ngành, địa phương chưa đồng đều.

Để khắc phục điều này, ngành KH&CN Điện Biên đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, trong đó có việc tăng cường kiểm tra, giám sát các nhiệm vụ khoa học.

Bên cạnh việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ khoa học, Sở KH&CN tỉnh Điện Biên đã phối hợp với Bộ KH&CN, các sở, ban, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các nhiệm vụ khoa học, qua đó nhằm đánh giá mức độ phù hợp với thực tiễn sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả, khả năng ứng dụng của các nhiệm vụ KH&CN trước khi được nghiệm thu.

Theo Sở KH&CN tỉnh Điện Biên, năm 2024, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện 12 nhiệm vụ khoa học, trong đó 50% số nhiệm vụ do Trung ương quản lý, số còn lại là nhiệm vụ do Trung ương ủy quyền địa phương. Các nhiệm vụ chủ yếu thuộc lĩnh vực nông nghiệp và nằm trong chương trình hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN, thúc đẩy kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025 như: Dự án sản xuất giống và nuôi ba ba gai, cá nheo Mỹ thương phẩm; Dự án chăn nuôi và chế biến thức ăn nhằm phát triển đàn trâu hàng hóa; Dự án nhân giống và sản xuất hoa lan hồ điệp, cam V2, bưởi da xanh trên địa bàn tỉnh Điện Biên... Qua công tác kiểm tra và giám sát các nhiệm vụ khoa học cho thấy, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KH&CN trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã chú trọng đến tính ứng dụng, hiệu quả và đạt được một số tiến bộ, kết quả. Trong đó, nhiều mô hình ứng dụng KH&CN đạt hiệu quả trong nghiên cứu, thực nghiệm, được nhân rộng và phát huy hiệu quả trong đời sống sản xuất.

 

Dự án sản xuất giống và nuôi ba ba gai, cá nheo Mỹ thương phẩm tại Điện Biên đạt nhiều kết quả.

Ngoài việc tăng cường phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, Sở KH&CN Điện Biên cũng tập trung phổ biến, hướng dẫn Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành và các tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện chính sách và nhiệm vụ khoa học. Qua kiểm tra, giám sát cũng góp phần chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc hiện nay như: việc cải tạo cơ sở vật chất; nguồn vốn đối ứng; khả năng tiếp nhận kỹ thuật sản xuất... đang là tồn tại phổ biến của nhiều đơn vị, cá nhân thực hiện các nhiệm vụ khoa học. Những yếu tố đó đang là rào cản lớn đối với tỉnh ĐIện Biên trong việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN có giá trị cao, đòi hỏi về trình độ, kỹ thuật tiên tiến trong thực hiện.

Cùng với công tác kiểm tra giám sát, việc tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm trong ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN cũng được ngành KH&CN tỉnh Điện Biên hết sức chú trọng. Gần đây nhất, tháng 7/2024, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật và Sở KH&CN tỉnh Điện Biên đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Thực trạng ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong giai đoạn hiện nay”. Qua hội thảo nhằm ghi nhận thêm những đánh giá, những luận giải mang tính khách quan khoa học làm cơ sở cho những đề xuất, khuyến nghị nâng cao hiệu quả ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH&CN trong thực tiễn sản xuất, công tác ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực, các địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hội thảo đã có gần 20 ý kiến, tham luận, như: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về KH&CN, đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu tại tỉnh Điện Biên trong giai đoạn hiện nay; Thực trạng ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN trên địa bàn huyện Tủa Chùa trong giai đoạn hiện nay; Nâng cao hiệu quả ứng dụng các đề tài, dự án khoa học vào thực tiễn tại trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật; Ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN trong dạy học, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên; Cát nghiền đáp ứng yêu cầu cấp bách về vật liệu xây dựng các công trình trọng điểm tại tỉnh Điện Biên... Qua Hội thảo cho thấy việc ứng dụng KH&CN vào trong các lĩnh vực sản xuất, ngành nghề, công tác là một trong những động lực quan trọng để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương./.

Hưng Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực