Bài nói tại lớp học chính trị của giáo viên

Thứ năm, 22/09/2011 14:10
Các cô, các chú đều biết, giáo viên ngày nay không phải là "gõ đầu trẻ kiếm cơm", mà là người phụ trách đào tạo những công dân tiến bộ, những cán bộ tiến bộ cho dân tộc. Nhiệm vụ ấy rất là vẻ vang. Các cô, các chú phải ngày càng tiến bộ để dạy cho con em ngày càng tiến bộ, nếu không thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến con em.

Nhưng phải làm thế nào cho xứng đáng với trách nhiệm vẻ vang ấy?

Các cô, các chú đến đây học được nhiều điều bổ ích, nói chung có tiến bộ. Nhưng xã hội loài người ngày nay tiến lên nắm lấy nguyên tử. Người ta chinh phục thiên nhiên, chiếm cả cung trăng nữa. Tất cả tiến bộ rất nhanh. Cán bộ và giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ. Chớ tự túc, tự mãn, cho là giỏi rồi thì dừng lại. Mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, mình tự đào thải trước. Cho nên phải cố gắng học tập để cải tạo mình, cải tạo tư tưởng của mình, cải tạo con em và giúp vào việc cải tạo xã hội.

Cải tạo tư tưởng không phải là khó, nếu quyết tâm là được. Muốn cải tạo tư tưởng thì phải nắm lấy vũ khí của chủ nghĩa Mác - Lênin, mà ở trong xã hội cũ không thể có được, đó là thật thà tự phê bình và phê bình.

Các cô, các chú đều là cán bộ, thì phải thi hành chính sách của Đảng và Chính phủ để phục vụ nhân dân, vì vậy các cô, các chú đối với những vấn đề quốc tế cũng như trong nước phải bàn bạc với nhau để có lập trường vững và cách xem xét đúng đắn.

Có người cho lực lượng của phe xã hội chủ nghĩa mạnh hay yếu, có người cho Mỹ là mạnh lắm. Có người nửa ngờ nửa tin. Đó là chưa xem sự thật. Lịch sử gần đây không xa, độ 40 năm nay, đã chứng tỏ bên nào mạnh. Bốn mươi mốt năm trước, ai thống trị trên thế giới này? Chủ nghĩa tư bản. Ngày nay thế giới này là của ai? Chưa phải của chủ nghĩa xã hội, nhưng sức xã hội chủ nghĩa càng ngày càng mạnh, sức tư bản chủ nghĩa ngày càng yếu.

Trước kia Pháp có mạnh không? Mạnh. Bắt đầu kháng chiến nó cũng mạnh, nhưng nó mạnh mà yếu, mình yếu mà mạnh. Nó mạnh nhờ có xe tăng, tàu chiến, có bộ đội có kinh nghiệm. Mình mạnh mà mạnh gấp mấy nó vì mình có tinh thần, có chính nghĩa, có lòng yêu nước. Cuối cùng ai thắng? Ta thắng.

Lại ví dụ Trung Quốc, năm 1945, Tưởng rất mạnh, nó có 5 triệu quân, lại được Mỹ giúp. Còn quân đội của Đảng Cộng sản là Giải phóng quân không đầy 1 triệu, khí giới lại thiếu. Nhưng ai thắng? Cách mạng thắng, nhân dân thắng.

Hôm 15 tháng 5 vừa qua, Liên Xô lại phóng vệ tinh lần thứ 3. Các cô, các chú có thích không? Có. Vệ tinh thứ 3 nặng hơn 1 tấn 3, mà Mỹ thì chỉ mới phóng một quả bưởi. Về khoa học kỹ thuật như thế là ai mạnh? Liên Xô. Liên Xô mạnh là mình mạnh, của Liên Xô là của phe ta.

Có người nghi ngờ sự đoàn kết giữa các nước trong phe xã hội chủ nghĩa. Các cô, các chú có đọc Tuyên ngôn của các đảng cộng sản và công nhân họp năm ngoái ở Mátxcơva không? Thế có thấm thía không? Có đoàn kết không?

Ở nước ta, ai giúp ta (mà là cho không ta) để ta xây dựng kinh tế? Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em khác. Nếu không đoàn kết thì có giúp như thế không? Chừng ấy đủ tỏ rõ ta đoàn kết.

Về phong trào đấu tranh cho hoà bình, có người ngờ chiến tranh sẽ xảy ra, nhất là Mỹ vẫn cứ thử bom nguyên tử. Nếu không có phe xã hội chủ nghĩa vững chắc, không có phong trào hoà bình thế giới rộng lớn thì chiến tranh sẽ nổ hoặc thế giới lại trở lại như 41 năm về trước. Nhờ có Liên Xô, nhờ có nhân dân thế giới đoàn kết, nhân dân các nước tư bản đoàn kết, chính các nhà khoa học tư sản của Mỹ và Tây Đức cũng đưa ra bản kêu gọi chống việc thử bom nguyên tử, chính các bạn của ta trong ruột địch cũng chống lại chiến tranh. Nếu không có phong trào hoà bình rộng lớn thì Ai Cập bị nuốt rồi, Xyri và Inđônêxia cũng thế. Nếu 1 người hoài nghi, 100 người hoài nghi, hàng vạn người hoài nghi thì hoà bình sẽ thất bại.

Có người hoài nghi sự lãnh đạo của Đảng, có đúng không? Nếu Đảng lãnh đạo không đúng thì Cách mạng Tháng Tám có thành công không? Kháng chiến có thắng lợi không? Hơn 8 triệu nông dân miền Bắc có ruộng cày không? 3 năm khôi phục kinh tế có hoàn thành được không? Và ngày nay, đang vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội có được không? Đảng là người, Đảng là cán bộ, là đảng viên, tất nhiên có sai lầm. Nhưng trong cải cách ruộng đất, thắng lợi vẫn là chủ yếu. Các chú lớn tuổi chắc biết có lúc nào miền Bắc lại đủ thóc ăn như ngày nay, lại còn có thừa để bán ra ngoài và để dự trữ. Đó là nhờ đâu? Nhờ cải cách ruộng đất. Nhưng sai lầm của Đảng và của chúng ta khác hẳn với sai lầm của những bọn khác. Đảng thấy sai thì quyết tâm sửa chữa. Thời đế quốc, tư bản có bao giờ nó nói có sai lầm, xin sửa chữa đâu. Đảng là người, nên có sai lầm, nhưng vì có chủ nghĩa Mác - Lênin, có mục đích phục vụ nhân dân, có phê bình và tự phê bình, cho nên kiên quyết sửa chữa. Lúc Đảng phát hiện sai lầm thì ở nông thôn và thành thị lúc đầu có hoang mang, nhưng sau nhân dân hiểu và tin tưởng nên đã quyết tâm hoàn thành những công tác lớn.

Nói về cán bộ trong Đảng cũng như ngoài Đảng, có một số người giữ thái độ bàng quan. Họ như con ốc tù, chui vào vỏ rồi mặc. Cái đó là chủ nghĩa cá nhân, là tư tưởng tiểu tư sản xấu. Người cách mạng là chí công vô tư, bất kỳ việc lớn việc nhỏ phải nghĩ đến nhân dân, Tổ quốc và giai cấp, thế thì không thể bàng quan được.

Ví dụ: ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, nhưng trong lúc này nhiều người còn thiếu thốn, mình chỉ nghĩ đến ăn ngon, mặc đẹp thì có đúng không? Mình phải nghĩ đến đồng bào.

Vì bàng quan mà không chú ý gì đến đấu tranh chính trị và tư tưởng, ai cứ mặc ai. Ăn xôi chùa thì đánh chuông, hết xôi chùa thì không đánh chuông. Ta là cán bộ chuyên môn, có chuyên môn mà không có chính trị giỏi thì dù học giỏi mấy dạy trẻ con cũng hỏng. Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn. Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn. Nếu thầy giáo, cô giáo bàng quan thì lại đúc ra một số công dân không tốt, cán bộ không tốt. Nói tóm lại, chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức là hỏng. Có đức mà chỉ i, tờ thì dạy thế nào? Đức phải có trước tài. Trước hết phải dạy trẻ yêu Tổ quốc, yêu lao động, yêu đồng bào và yêu chủ nghĩa xã hội. Nhưng có người ra bài toán, bày cho trẻ con so sánh ta với Mỹ, Mỹ có những cái gì, có bao nhiêu, Mỹ hơn ta những gì? Có phải đấy là bài học phản quốc không? Trẻ em như cái gương trong sáng, thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu, cho nên phải chú ý giáo dục chính trị tư tưởng trước, chính thầy giáo, cô giáo cũng phải tiến bộ về tư tưởng.

Bây giờ Bác lại nói đến thầy giáo, trường học, cách dạy và học trò. Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu. Các cô, các chú phải nhận rõ trách nhiệm của mình. Phải luôn luôn đặt câu hỏi: dạy ai? Nói chung là học trò. Dạy để làm gì? Dạy cho nó yêu nước, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu chủ nghĩa xã hội, hay đào tạo thành một lũ cao bồi. Lúc đó mới tìm cách dạy. Về cách dạy thì quần chúng công nhân, nông dân, trí thức có nhiều kinh nghiệm. Giáo viên nên khêu gợi những kinh nghiêm để tìm cách dạy tốt. Không phải ngồi chờ Bộ Giáo dục nghĩ ra. Hãy xem công nhân thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Tất cả mọi ngành muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội, muốn cho dân giàu nước mạnh thì phải thi đua. Giáo viên ta cũng phải thi đua dạy nhanh, trước kia lu bù nhồi sọ, bây giờ phải tìm cách dạy nhanh, nhiều, tốt và rẻ. Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hoá, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức. Ví như bảo học trò phải dậy sớm mà giáo viên thì trưa mới dậy. Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con. Trách nhiệm đó rất là vẻ vang, quan trọng.

Nội dung dạy của ta phải thiên về lao động. Trước kia thì đào tạo thành các cậu tú, cô tú xem khinh lao động. Bây giờ thì phải yêu lao động, thực sự lao động. Ta làm dần dần, "tả" quá cũng không được, nhưng phải đi đến một chế độ học tập bao gồm văn hoá, kỹ thuật và lao động. Trước kia có câu: "vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao". Các cô, các chú có hiểu không? Câu ấy có nghĩa: tất cả mọi ngành đều ở dưới, duy có việc học là cao... Đó là thời phong kiến, học cốt để làm quan. Ngày nay phải vừa học vừa lao động.

Về vấn đề này Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm hay. Hiện nay ở Trung Quốc, có một số trường đại học (sau này thì sẽ thi hành khắp cả), một số trường trung học tự cấp tự túc lấy chi phí trong trường không xin tiền Chính phủ, một nửa ngày làm, một nửa ngày học. Bác có đến thăm một trường trung học chuyên khoa làm máy bay, có 1000 học sinh, họ vừa học vừa làm những máy móc bán cho Chính phủ. Lại có trường trung học chuyên khoa nông lâm vỡ hoang, trồng lúa, ngô, nuôi lợn, trâu; họ gặt lấy lúa, ngô để ăn, bán lợn, trâu để tự túc. Chính phủ không phải xuất tiền, để tiền xây dựng công nghiệp.

Ở ta, Bác có đi về nông thôn thăm một vài trường học, Bác thấy có trường không có cây, vách thì đã rơi, đất thì có mà không trồng lấy một cây rau, một cây ớt. Có đất, có người mà để không, như thế có đau ruột không? Sửa sang trường lớp, đó là việc của thầy, của trò, có thể làm được nhưng không chịu làm.

Bác nghe nói một số giáo viên phàn nàn là không được chính quyền địa phương coi trọng. Người ta có câu: "Hữu xạ tự nhiên hương". Giáo viên chưa được coi trọng là vì chưa có hương, còn xa rời quần chúng. Có nhiều giáo viên được quần chúng coi trọng, như chiến sĩ thi đua, giáo viên bình dân học vụ, họ cùng với nhân dân kết thành một khối nên được quần chúng yêu mến. Nếu giáo viên tách rời ra, tự cho mình là trí thức, thì làm sao quần chúng coi trọng được. Không phải riêng thầy giáo, mà các cán bộ khác cũng thế, phải cùng với quần chúng làm thành một khối, không phải nói lý luận mà thực sự. Hồi bí mật, không có quần chúng ủng hộ thì cán bộ không có cơm ăn, không làm công tác được, có khi lại bị địch bắt. Muốn quần chúng yêu thương thì phải cùng với quần chúng kết thành một khối. Như thế thì phải khó nhọc, chứ không phải gặp ai cứ nói tôi yêu, tôi yêu... Phải giúp đỡ nhân dân, việc lớn, việc nhỏ đều tỏ ra yêu đồng bào thực sự.

Thầy giáo phải gương mẫu, trực tiếp làm nhiệm vụ: đào tạo những công dân tốt, những cán bộ tốt sau này, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm cho miền Bắc vững mạnh thành hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Bác chúc các cô, các chú vui vẻ, đoàn kết, tiến bộ.

Nói năm 1959.
Bản đánh máy có bút tích
sửa chữa, lưu tại
Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực