Thành phần dân tộc của học sinh trong các trường học Nga

Thứ năm, 05/01/2012 10:43
Để có một quan niệm chính xác hơn về kế hoạch “tự trị dân tộc về mặt văn hóa”, kế hoạch mà chung quy lại là phân chia các trường học theo từng dân tộc, thì điều bổ ích là phải nắm lấy những số liệu cụ thể về thành phần dân tộc của học sinh trong các trường học ở Nga. Đối với khu giáo dục Pê-téc-bua, những số liệu ấy được thu thập trong cuộc điều tra về các trường học tiến hành ngày 18 tháng Giêng 1911.

Đây là những số liệu về sự phân phối học sinh theo tiếng mẹ đẻ của họ trong các trường tiểu học thuộc Bộ Giáo dục quốc dân. Những số liệu này gồm toàn bộ khu giáo dục Xanh Pê-téc-bua, còn những số liệu về Xanh-pê-téc-bua thì chúng tôi để trong hai dấu ngoặc đơn. Dưới tên gọi “tiếng Nga”, bọn quan lại thường hỗn cả tiếng Đại-Nga, tiếng Bạch-Nga và tiếng U-cơ-ren (“tiếng Tiểu-Nga” theo cách gọi chính thức) làm một. Tổng số học sinh là 265.660 (48.076).

Người Nga - 232.618 (44.223); người Ba-lan - 1.737 (780); người Tiệp – 3 (2); người Li-tu-a-ni – 84 (35); người Lét-tô-ni -1.371 (113); người Giơ-mu-đơ1 -1(0); người Pháp -14 (13); người Ý- 4 (4); người Ru-ma-ni -2(2); người Đức 2.408 (845); người Thụy-điển – 228 (217); người Na-uy – 31(0); người Đan-mạch - 1(1); người Hà-lan -1(0); người Anh – 8 (7); người Ác-mê-ni - 3(3); người Di-gan – 4(0); người Do-thái - 1.196 (396); người Giê-oóc-gi – 2(1); người Ô-xét2 -1(0); người Phần lan - 10.750 (874); người Ca-rê-li3 - 3.998 (2); người Tsu-đơ 4 - 247(0); người E-stô-ni - 4.723 (536); người Lô-pa5 – 9(0); người Dư-ri-an6 – 6.008 (0); người Xa-môi-ét7– 5(0); người Tác-ta - 63 (13); người Ba-tư - 1 (1); người Trung hoa – 1(1); không rõ nước nào -158 (7).

Đó là những con số tương đối chính xác. Những con số này cho ta thấy rằng thành phần dân tộc trong dân cư hết sức phức tạp, mặc dù đây chỉ mới là những con số về một trong những vùng có dòng người Đại-Nga nhất của nước Nga. Người ta thấy ngay thành phần dân tộc cực kỳ phức tạp của một thành phố lớn, thành phố Xanh Pê-tec-bua. Đây không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên, mà là quy luật của chủ nghĩa tư bản trong tất cả các nước và ở khắp nơi trên thế giới. Cách thành phố lớn, các khu nhà máy, hầm mỏ, đường sắt, nói chung các trung tâm công nghiệp và thương nghiệp, tất nhiên đều có đặc điểm là thành phần dân tộc trong dân cư hết sức phức tạp, thế mà chính những dân cư đông đúc như thế lại là những khu phát triển nhanh hơn hết, nó không ngừng thu hút ngày càng nhiều dân cư ở những vùng nông thôn hẻo lánh.

Bây giờ, ta hãy đem thử đối chiếu với những số liệu này của cuộc sống sinh động với cái không tưởng chết cứng của bọn tiểu thị dân tộc chủ nghĩa, gọi là “tự trị dân tộc về mặt văn hoá” hoặc (theo cách diễn đạt của phái Bun) là “rút” các vấn đề văn hóa dân tộc, nghĩa là trước hết những công việc giáo dục “ra khỏi quyền quản lý của Nhà nước”.

Công việc giáo dục “được rút ra khỏi quyền quản lý của Nhà nước” và được giao cho 23 “liên minh dân tộc” (nói về Pê-téc-bua), để mỗi liên minh phát triển nền “văn hóa dân tộc riêng của mình”!

Phí lời để chứng minh tính chất phi lý và phản động của một “cương lĩnh dân tộc” như thế, thì thậm chí còn thật là đáng tức cười nữa.

Thật rõ như ban ngày là tuyên truyền cho một kế hoạch như thế, trên thực tế, cũng tức là thực hiện hoặc ủng hộ những tư tưởng của chủ nghĩa dân tộc tư sản, chủ nghĩa sô-vanh và chủ nghĩa giáo quyền. Lợi ích của phái dân chủ nói chung và lợi ích của giai cấp công nhân nói riêng, đòi hỏi người ta chính là phải làm ngược hẳn lại: phải ra sức làm cho trẻ em thuộc tất cả các dân tộc hòa lẫn vào nhau trong những trường học thống nhất ở một địa phương nhất định; phải làm sao cho công nhân thuộc tất cả các dân tộc cùng nhau thực hành chính sách vô sản trong việc giáo dục, chính sách mà đại biểu của công nhân ở Vơ-la-đi-mia là Xa-môi-lốp, nhân danh đảng đoàn công nhân dân chủ - xã hội Nga ở Viện Đu-ma quốc gia đã nói lên rất rõ. Chúng ta phải tỏ ra là những người kiên quyết nhất trong việc chống lại bất kỳ một sự phân chia nào theo thành phần dân tộc trong công việc giáo dục.

Cái mà chúng ta cần quan tâm không phải là ở chỗ làm sao để, bằng cách này hay cách khác, ngăn cách các dân tộc trong công việc giáo dục, mà trái lại là ở chỗ làm sao để tạo ra những điều kiện dân chủ cơ bản cho sự chung sống hòa bình của các dân tộc trên cơ sở bình đẳng về quyền lợi. Chúng ta không nên ra sức cổ súy “văn hoá dân tộc”, mà phải vì nền văn hóa quốc tế chủ nghĩa (nền văn hóa quốc tế) của phong trào công nhân toàn thế giới mà vạch trần tính chất tư sản và tăng lữ của khẩu hiệu đó.

Người ta sẽ hỏi chúng ta: nhưng liệu có thể đảm bảo, trên cơ sở bình đẳng về quyền lợi, lợi ích của một em bé người Giê-oóc-gi ở giữa 48.076 học sinh người Pê-téc-bua được không? Chúng ta sẽ trả lời rằng: xây dựng riêng một trường học Giê-oóc-gi ở Pê-téc-bua trên cơ sở “văn hóa dân tộc” của Giê-oóc-gi là điều không thể làm được, và tán dương một kế hoạch như vậy là đưa những tư tưởng có hại vào trong quần chúng nhân dân.

Tuy nhiên, chúng ta sẽ không bênh che cho điều gì có hại và cũng không làm một việc gì không thể làm được, nếu chúng ta đòi hỏi cho em bé đó một trường sở công, không mất tiền thuê, dùng làm nơi giảng dạy tiếng Giê-oóc-gi, lịch sử Giê-oóc-gi, v.v., đòi hỏi dịch cho em bé ấy những sách tiếng Giê-oóc-gi của thư viện trung ương, bắt công quỹ chịu cho một phần chi phí để trả lương cho một giáo viên Giê-oóc-ni, v.v. Trong điều kiện một nền dân chủ thật sự, khi chủ nghĩa quan liêu và cái “lề thói Pê-rê-đô-mốp” đã hoàn toàn được loại trừ ra khỏi các trường học, - thì dân cư rất có thể đạt được yêu cầu này. Thế mà muốn có được chế độ dân chủ thật sự ấy, thì không thể có cách nào khác hơn là làm cho công nhân thuộc tất cả các dân tộc hòa hợp với nhau.

Chủ trương đặt những trường học dân tộc riêng cho từng “văn hóa dân tộc” là một điều phản động. Nhưng trong điều kiện có một nền dân chủ thật sự, thì hoàn toàn có thể đảm bảo được yêu cầu giảng dạy bằng tiếng mẹ đẻ, giảng dạy lịch sử quê hương của đứa trẻ, v.v., mà không phải có sự phân chia các trường học ra theo từng dân tộc. Còn sự tự quản hoàn toàn của địa phương thì cái đó có nghĩa là không thể bắt buộc ai làm bất cứ việc gì bằng sự cưỡng ép, thí dụ như cưỡng ép đối với 713 trẻ em Ca-rê-li của huyện Kem (ở đó chỉ có 514 trẻ em Nga), hoặc cưỡng ép đối với 681 em người Nga), hoặc đối với 267 trẻ em Lét-tô-ni của huyện Nốp-gô-rốt (ở đó có trên 7.000 em người Nga), v.v., và v.v...

Tuyên truyền cho cái chủ trương tự trị dân tộc về mặt văn hóa vốn không thể thực hiện được, là một việc phi lý mà ngay giờ đây, sự phi lý ấy chỉ làm chia rẽ công nhân về mặt tư tưởng mà thôi. Tuyên truyền cho việc công nhân thuộc tất cả các dân tộc hòa vào nhau làm một thì sẽ giúp cho việc đoàn kết giai cấp của giai cấp vô sản dễ dàng thành công, có khả năng đảm bảo sự bình đẳng về quyền lợi và sự chung sống một cách hòa bình nhất của tất cả các dân tộc.

“Sự thật vô sản” số 7, ngày 14 tháng Chạp 1913.

V.I.Lênin, Toàn tập, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1972, t.19, tr. 764 - 769

Chú thích:

1. Jmoudes: tên gọi một bộ tộc cổ ở Li-tu-a-ni. Họ ở một khu vực nằm giữa hạ lưu sông Ni-ê-men và sông Vin-đa-ra. Vùng này, tiếng Lu-tu-a-ni gọi là Jamaitis, tiếng Ba-lan gọi là Jmoudes. (B.T.)

2. Ossètes : một dân tộc vùng Cáp-ca-dơ, cư trú trên hai khu vực tự trị : Khu O-xét-ti Bắc ở Nga và khu Ô-xét-ti NamGiê-oóc-gi. (B.T.)

3. Caréliens: một dân tộc xứ Ca-rê-li, ở Tây Bắc nước Nga, giáp Phần Lan. (B.T.)

4. Tchoudes: một dân tộc trong dân cư Phần-lan, cư trú ở miền Bắc và miền Trung nước Nga cũ, vùng hồ Lây-pu-xơ (Leipous) gần E-stô-ni. (B.T.)

5. Lopares: một dân tộc vùng Cực Bắc châu Âu, ở miền Bắc Scan-đi-na-vơ (Na-uy, Thuỵ điển, Phần-lan) và bán đảo Côn-ski. (B.T.)

6. Zyrianes hay Komi: một dân tộc Phần Lan ở miền Bắc nước Nga cũ, hiện nay họp thành một nước Cộng hoà tự trị ở miền Tây U-ran. (B.T.)

7. Samoièdes hay Samoyèdes: một dân tộc thuộc chi nhánh người U-ran – An-tai, cư trú trên những thảo nguyên ở ven bờ Bắc Băng dương, từ Bạch hải đến vùng I-ê-nit-xê-ri. (B.T.)

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực