Trong báo Sự thật số 25 ra ngày 5 tháng Hai, có đăng “Chỉ thị của Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Nga gửi các đảng viên cộng sản trong Bộ dân ủy giáo dục quốc dân (nhân việc cải tổ Bộ dân ủy)”.
Tiếc rằng ở mục thứ nhất, có một chữ bị in nhầm ba lần làm sai mất ý: đáng lẽ là giáo dục “bách khoa” thì lại in thành giáo dục chính trị!
Tôi muốn lưu ý các đồng chí đến chỉ thị đó và muốn trao đổi ý kiến về một số điểm đặc biệt quan trọng.
Hồi tháng Chạp 1920, đã có cuộc hội nghị Đảng bàn về các vấn đề giáo dục quốc dân. Tham gia hội nghị, có 134 đại biểu chính thức và 29 đại biểu dự thính. Hội nghị họp trong năm ngày. Bản tường thuật về hội nghị này đã được đăng trong “Phụ lục công báo của Đại hội Xô-viết lần thứ VIII, phụ lục dành cho cuộc hội nghị của Đảng bàn về các vấn đề giáo dục quốc dân” (do Ban Chấp hành Trung ương toàn Nga xuất bản ngày 10 tháng Giêng 1921). Các nghị quyết của hội nghị, bản tường thuật về hội nghị, tất cả các bài đã đăng trong “Phụ lục công báo” nói trên – ngoài bài nói đầu của đồng chí Lu-na-stác-ski và bài của đồng chí Gơ-rin-cô – đều chứng tỏ rằng vấn đề giáo dục bách khoa đề ra chưa được đúng, và đều làm lộ rõ sự thiếu sót mà các chỉ thị của Ban Chấp hành trung ương đã lưu ý Bộ trưởng Bộ dân ủy và toàn thể các ủy viên phải “đặc biệt quan tâm” đấu tranh chống lại, đó là “sự say mê” những lập luận chung chung và những khẩu hiệu trừu tượng.
Về căn bản vấn đề giáo dục bách khoa đã được giải quyết trong cương lĩnh Đảng ta, tiết 1 và 8 của chương nói về giáo dục quốc dân. Chính bản chỉ thị của Ban chấp hành Trung ương đã chỉ rõ những điểm đó của cương lĩnh. Tiết 1 nói về chế độ giáo dục bách khoa đến 17 tuổi, tiết 8 nói về việc “phát triển rộng rãi giáo dục chuyên nghiệp cho những người từ 17 tuổi trở lên, kết hợp với việc giáo dục những kiến thức bách khoa phổ cập”.
Như vậy là vấn đề đã được đặt ra một cách hoàn toàn rõ ràng trong cương lĩnh Đảng. Còn những ý kiến bàn luận xem “giáo dục bách khoa hay chuyên khoa” (Những chữ tôi để trong ngoặc kép và nhấn mạnh, đó chính là những chữ cực kỳ phi lý mà chúng ta đã thấy ở trang 4 trong “Phụ lục công báo” nói trên!) – những ý kiến đó căn bản là sai và hoàn toàn không thể dung thứ được đối với người cộng sản; những ý kiến đó chứng tỏ là chưa hiểu cương lĩnh và có sự “say mê” hão huyền đối với những khẩu hiệu trừu tượng. Nếu chúng ta buộc phải tạm thời hạ tuổi (trong việc chuyển từ giáo dục bách khoa phổ cập sang giáo dục bách khoa chuyên nghiệp) từ 17 tuổi xuống 15 tuổi, thì “Đảng phải xem” sự hạ thấp tiêu chuẩn tuổi xuống đó “chỉ” (mục thứ nhất trong chỉ thị của Ban chấp hành trung ương) là sự cần thiết thực tế, là biện pháp tạm thời do “sự nghèo nàn và phá sản của đất nước” buộc phải làm.
Những ý kiến bàn luận chung ra công “luận chứng” cho việc hạ thấp tuổi đó, là hết sức vô lý. Xin thôi cái trò bàn luận chung chung và lý luận giả đi! Toàn bộ trọng tâm công tác phải được chuyển sang việc “đánh giá và kiểm nghiệm kinh nghiệm thực tế”, sang việc “sử dụng một cách triệt để những kết quả của kinh nghiệm đó”.
Ở nước ta con số những người thông minh, hiểu biết, có kinh nghiệm sư phạm thực tế, dù có ít đến đâu đi nữa, nhưng chắc chắn là nước ta có những người như thế. Khổ một nỗi là chúng ta không biết phát hiện được họ và đặt họ vào một địa vị lãnh đạo thích đáng, không biết cùng họ nghiên cứu kinh nghiệm thực tế trong công cuộc xây dựng chế độ xô-viết. Chính điểm này lại không thấy đưa ra trong cuộc hội nghị Đảng hồi tháng Chạp 1920, mà nếu điểm này không thấy trong cuộc hội nghị của 163 – một trăm sáu mươi ba! – cán bộ hoạt động trong ngành giáo dục quốc dân, thì hoàn toàn chắc chắc là đã có một thiếu sót chung và cơ bản nào đó trong việc tổ chức công tác, thiếu sót đó đã buộc Ban Chấp hành trung ương Đảng phải có một chỉ thị đặc biệt.
Trong Bộ dân ủy Giáo dục quốc dân có hai – và chỉ có hai – đồng chí có nhiệm vụ đặc biệt. Đó là Bộ trưởng Bộ dân ủy, đồng chí Lu-na-stác-ski, đảm nhiệm công tác lãnh đạo chung, và một đồng chí Thứ trưởng Bộ dân ủy, đồng chí Pô-cơ-rốp-ski, đảm nhiệm công tác lãnh đạo, thứ nhất với tư cách là cố vấn (và người lãnh đạo) không thể thiếu được trong các vấn đề khoa học và trong các vấn đề của chủ nghĩa Mác nói chung. Toàn Đảng đã biết rõ cả đồng chí Lu-na-stác-ski, lẫn đồng chí Pô-cơ-rốp-ski, cho nên tất nhiên Đảng tin rằng cả hai đồng chí đó, về các mặt nói trên, đều thuộc loại “chuyên gia” trong Bộ dân ủy Giáo dục. Đối với tất cả các cán bộ khác thì không thể có “chuyên môn” đó được. “Chuyên môn” của tất cả các cán bộ khác là ở nghệ thuật biết làm công tác lôi cuốn các chuyên gia sư phạm làm việc, biết sắp xếp công tác của họ cho đúng đắn, biết vận dụng một cách có hệ thống những kết quả của kinh nghiệm thực tế. Về điểm này, các chỉ thị của Ban chấp hành trung ương có nói ở tiết 2, tiết 3 và tiết 5.
Tại cuộc hội nghị cán bộ Đảng, đáng lẽ chúng ta phải biết lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà sư phạm đã làm công tác thực tế hàng chục năm và có thể nói cho chúng ta biết: trong một lĩnh vực nào đó, chẳng hạn trong lĩnh vực giáo dục chuyên nghiệp, đã và đang làm được cái gì; trong công cuộc xây dựng chế độ xô-viết việc giáo dục chuyen nghiệp được thực hiện như thế nào; đã làm được cái gì tốt; cái gì là những ví dụ về cái tốt đó (dù những ví dụ như thế hãy còn rất ít, nhưng nhất định là có); cái gì là những tiêu biểu cụ thể cho các thiếu sót chủ yếu và những phương pháp khắc phục những thiếu sót đó.
Tại cuộc hội nghị cán bộ Đảng không thấy có sự chú ý đến kinh nghiệm thực tế, đến ý kiến của các cán bộ sư phạm đã áp dụng kinh nghiệm đó như thế nào, mà chỉ thấy có những cố gắng uổng công muốn “lập luận chung chung” và muốn đánh giá những “khẩu hiệu trừu tượng”. Phải làm thế nào để toàn Đảng, toàn thể cán bộ của Bộ dân ủy Giáo dục nhận thức được thiếu sót đó, và làm thế nào để chúng ta cùng cố gắng bắt tay khắc phục thiếu sót đó. Phải làm thế nào để các cán bộ địa phương trao đổi kinh nghiệm của mình về mặt này và giúp Đảng nêu lên được những tỉnh, huyện, khu, hay trường học kiểu mẫu, hoặc các nhà sư phạm kiểu mẫu đã thu được những kết quả tốt trong phạm vi tương đối hẹp, trong phạm vi địa phương hoặc chuyên môn. Dựa vào những thành tích đó, những thành tích đã được kiểm nghiệm trong thực tế, chúng ta phải đẩy mạnh công tác lên, bằng cách phổ biến, - sau khi đã kiểm nghiệm một cách thích đáng – kinh nghiệm địa phương cho toàn nước Nga, đưa các nhà sư phạm có tài hoặc có khả năng lên các chức vụ có trách nhiệm hơn, vào một phạm vi hoạt động rộng hơn, v.v…
Kết quả công tác của một đảng viên cộng sản hoạt động trong lĩnh vực (và trong các cơ quan) giáo dục quốc dân trước hết là ở cách tiến hành công việc lôi cuốn chuyên gia, ở chỗ biết phát hiện họ, biết sử dụng họ, biết thực hiện sự cộng tác giữa chuyên gia sư phạm và người cộng sản lãnh đạo, biết kiểm nghiệm xem chính cái gì đang được thực hiện trong đời sống và thực hiện được đến đâu; ở chỗ biết tiến lên, dù là hết sức chậm, dù trong phạm vi hết sức nhỏ đi nữa, nhưng là tiến lên hoàn toàn trên cơ sở thiết thực, trên cơ sở kinh nghiệm thực tế. Nếu sau này trong Bộ dân ủy Giáo dục quốc dân của chúng ta, vẫn còn quá nhiều người có tham vọng muốn “lãnh đạo theo kiểu cộng sản” và về mặt thực tế lại chẳng có gì, thiếu hoặc không có chuyên gia có kinh nghiệm thực tế, không biết đề bạt họ, không biết nghe ý kiến của họ, không biết chú ý đến kinh nghiệm của họ, - nếu như thế thì công việc sẽ không chạy được. Người cộng sản lãnh đạo chỉ có một cách duy nhất để chứng minh quyền lãnh đạo của mình, đó là tìm cho mình được nhiều, càng ngày càng nhiều, những người phụ tá trong số các nhà sư phạm thực hành, biết giúp đỡ họ làm việc, biết đề bạt họ, biết giới thiệu và chú ý đến kinh nghiệm của họ.
Với tinh thần đó, khẩu hiệu của chúng ta nhất định phải là như sau: ít “lãnh đạo” hơn chút nữa, nhiều công tác thực tế hơn chút nữa, tức là ít bàn luận chung chung hơn chút nữa, nhiều sự thực hơn chút nữa, những sự thực đó đã được kiểm tra và chỉ cho ta thấy là chúng ta đã tiến lên ở chỗ nào, trong những điều kiện nào, được chừng nào, hay là chúng ta đứng nguyên một chỗ, hoặc lùi lại đằng sau. Người cộng sản lãnh đạo nào đã sửa đổi những chương trình giảng dạy của các nhà sư phạm thực hành, đã viết được một cuốn sách giáo khoa tốt, đã có được một sự cải tiến – dù không đáng kể, nhưng đang được áp dụng thực tế - về nội dung công tác, về điều kiện công tác của hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn chuyên gia sư phạm, - đó mới là người lãnh đạo thực sự. Còn người đảng viên cộng sản nào chỉ bàn luận về “lãnh đạo” mà không biết sắp xếp các chuyên gia làm công tác thực tế, không biết làm cho họ đạt được kết quả thực tế, không biết vận dụng kinh nghiệm thực tế của hàng trăm và hàng trăm giáo viên – thì người đảng viên cộng sản đó thật là vô dụng.
Chỉ cần đọc lướt qua cuốn sách nhỏ viết rất hay: “Bộ Dân ủy Giáo dục quốc dân, 1917 –tháng mười – 1920. Báo cáo vắn tắt”, cũng đủ thấy rằng toàn bộ công tác của Bộ dân ủy Giáo dục quốc dân mắc khuyết điểm nói trên nhiều hơn cả. Đồng chí Lu-na-stác-ski đã công nhận điều đó khi trong lời nói đầu (tr.5) của mình, đồng chí có nói đến tình trạng “hoàn toàn không thực tế”. Nhưng cần phải làm việc ngoan cường nhiều hơn nữa để làm cho tất cả các đảng viên cộng sản trong Bộ dân ủy Giáo dục nhận thấy điều đó và để làm cho họ thật sự thực hiện được những chân lý mà họ đã nhận thức được ấy. Cuốn sách đó chỉ rõ rằng chúng ta biết ít sự việc, hết sức ít; chúng ta không biết thu thập những sự việc, chúng ta không biết có bao nhiêu vấn đề phải đặt ra và có thể trả lời được (với trình độ văn hóa của chúng ta, với tập quán của chúng ta và với những phương tiện liên lạc của chúng ta); chúng ta không biết thu thập và tổng kết những bài học kinh nghiệm thực tế; chúng ta chỉ bận tâm đến “những lập luận chung chung và những khẩu hiệu trừu tượng” vô ích, mà nói chung không biết sử dụng những giáo viên thành thạo, cũng không biết sử dụng các kỹ sư và các kỹ sư nông học thông thạo vào việc giáo dục kỹ thuật; và nói riêng, không biết sử dụng các nhà máy, nông trường quốc doanh, các nông trang được thiết bị tương đối tốt và các trạm phát điện vào việc giáo dục bách khoa.
Mặc dù có những thiếu sót như vậy nhưng nước Cộng hòa xô viết cũng đã tiến bộ trong công tác giáo dục quốc dân, điều đó là không nghi ngờ gì cả. “Từ bên dưới”, tức là từ những quần chúng lao động trước kia bị chủ nghĩa tư bản gạt ra ngoài giáo dục – gạt một cách công khai, bằng bạo lực, và bằng phương pháp giả đạo đức và lừa bịp, - hiện đang có một cao trào mạnh mẽ đi tìm ánh sáng và tri thức. Chúng ta có quyền tự hào rằng chúng ta đã giúp đỡ và phục vụ cao trào đó. Nhưng nếu làm ngơ trước những thiếu sót trong công tác của chúng ra, nếu làm ngơ trước sự thật là chúng ta vẫn chưa biết tổ chức một cách đúng đắn bộ máy giáo dục quốc dân, thì như thế là một tội lớn.
Ngày 7 tháng Hai 1921 |
V.I.Lênin, Toàn tập, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1970, t.32, tr.154 – 160. |