Bàn về “Tái cơ cấu hệ thống giáo dục Việt Nam”

Thứ bảy, 12/04/2014 19:26

(ĐCSVN) - Ngày 12/4, tại Hà Nội, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Tái cơ cấu hệ thống giáo dục Việt Nam” với sự tham gia của nhiều chuyên gia giáo dục như: nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình; nguyên Phó Thủ tướng, GS. Trần Phương; GS Nguyễn Minh Đường; PGS Trần Xuân Nhĩ; TS Lê Viết Khuyến…

Tại Hội thảo, các chuyên gia đều tập trung phân tích, đánh giá những bất cập trong cấu trúc hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay, đồng thời đề xuất những mô hình cấu trúc mới có thể áp dụng được trong tương lai.

 

 TS Lê Viết Khuyến trình bày tại Hội thảo. Ảnh: VA


TS. Lê Viết Khuyến, đại diện Ban hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học thuộc Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam cho biết, hệ thống giáo dục nước ta đang có hướng đi bất hợp lý, nếu cứ theo đà này mục tiêu tới năm 2020 đất nước sẽ khó trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

TS Khuyến chỉ rõ, hiện nay công tác đào tạo không bám sát chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, thả nổi cho các cơ sở đào tạo dẫn tới cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề không hợp lý; thêm nữa, hầu như không có sự phân luồng người học dẫn đến hệ lụy cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp nhiều như hiện nay; rồi cơ chế quản lý chồng chéo, không hiệu quả, cơ chế liên thông bất hợp lý…

Trước những bất cập về đào tạo nhân lực, TS Khuyến nêu đề xuất: Cần triệt để phân luồng người học sau THCS và Nhà nước có chính sách khuyến khích phân luồng như chỉ tiêu đào tạo, phân bổ ngân sách, chính sách học phí, học bổng…; chuẩn hóa các trình độ đào tạo: trung học nghề, cao đẳng, đại học, sau đại học; xây dưng một hệ thống giáo dục mở, bảo đảm cơ chế liên thông giữa ngành học, bậc học; quy hoạch đào tạo nhân lực mềm dẻo, thường xuyên được điều chỉnh cho phù hợp với dịch chuyển cơ cấu kinh tế của từng vùng miền, địa phương…

Cùng với đó, TS Khuyến kiến nghị: Sớm thành lập hệ thống các trường trung học nghề bằng 3 giải pháp, vì đây là phương án tối ưu nhằm đẩy mạnh phân luồng sau khi tốt nghiệp THCS. Cụ thể: Đổi tên trường trung cấp nghề thành trung học nghề, điều chỉnh lại mục tiêu và chương trình đào tạo, bảo đảm học sinh tốt nghiệp trung học nghề vừa có trình độ học vấn để có thể học lên khi có cơ hội, vừa có nghề nghiệp thành thạo; chuyển đổi các trường trung cấp chuyên nghiệp theo 2 hướng: Cao đẳng thực hành và trung học nghề; hợp nhất một phần trường THPT với các cơ sở dạy nghề ở địa phương để chuyển các trường trung học nghề.

Bên cạnh đó, quy hoạch lại nhiệm vụ cho các trường đại học theo 2 hướng: Nghiên cứu và nghề nghiệp - ứng dụng. Hướng nghiên cứu chủ yếu cho các trường đại học trọng điểm; các trường đại học địa phương và các trường của các bộ, ngành chủ yếu đi theo hướng nghề nghiệp ứng dụng, bám sát nhu cầu nhân lực của địa phương…

Cùng quan điểm này, nguyên Phó Thủ tướng, GS. Trần Phương cũng bày tỏ, hiện tại khung chương trình đại học chúng ta đang thừa, như vậy là lãng phí thời gian của thanh niên. GS. Trần Phương kiến nghị: Nên đề ra nguyên tắc đào tạo phải phù hợp trong từng giai đoạn kinh tế, chúng ta đào tạo đang thừa nếu xét theo nhu cầu kinh tế, bởi nhu cầu bây giờ rất nhiều ngành nghề chỉ cần trung cấp nghề là đủ như kế toán, văn thư... Do đó, cơ cấu trường nghề cần xem lại.

Đại diện lãnh đạo Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam khẳng định sẽ tập hợp các ý kiến của các chuyên gia để hoàn thiện Đề án và gửi tới các cơ quan lãnh đạo cao nhất về vấn đề này./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực