Cùng suy nghĩ về văn hóa ứng xử trong ngày Nhà giáo Việt Nam

Thứ tư, 20/11/2013 15:39

(ĐCSVN) - Một ngày nhà giáo Việt Nam nữa lại đến, mọi người lại có dịp dành những lời tôn vinh, những tình cảm tốt đẹp nhất cho người thầy, người cô của mình. Tuy nhiên trải qua thời gian, sợi dây liên hệ đó đã có sự thay đổi ít nhiều và dưới góc nhìn của Nhà văn hóa, PGS. TS Phạm Ngọc Trung đã đến lúc chúng ta cần xem xét lại văn hóa ứng xử đối với thầy cô trong những dịp đặc biệt này. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có buổi trao đổi với PGS. TS, Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Ngọc Trung.

 

 PGS,TS, Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Ngọc Trung (Ảnh:KS).


Phóng viên (PV): Thưa ông, là một nhà giáo đồng thời là một nhà nghiên cứu văn hóa, ông có đánh giá gì về tình cảm, sự tri ân của các thế hệ học sinh đối với nhà giáo trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 trong quá khứ và thời điểm hiện tại?

PGS. TS. Phạm Ngọc Trung: Theo tôi, ở bất cứ thời điểm nào thì ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 luôn là một ngày đặc biệt, là dịp để học sinh thể hiện tình cảm của mình với những người đã và đang dạy dỗ mình. Các thế hệ học sinh luôn hướng về ngày 20/11 với những tình cảm đặc biệt nhất, trân trọng nhất. Theo thời gian, hình thức tri ân các thầy cô giáo đã có nhiều thay đổi. Giờ đây, phụ huynh, học sinh tri ân các thầy cô giáo không chỉ là những bông hoa, tấm bưu thiếp mà có thể là những món quà đắt tiền thậm chí là những chiếc "phong bì". Song, phải khẳng định rằng truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta vẫn luôn được gìn giữ.

PV
: Một số bậc phụ huynh cho rằng, những chiếc "phong bì" mà họ tặng cho các thầy cô sẽ giúp cho người nhận dễ dàng sử dụng hơn, vậy ông đánh giá thế nào về quan điểm đó?

PGS. TS. Phạm Ngọc Trung: Theo tôi, quan điểm này đã tạo ra một thực tế không hề tốt trong ngành giáo dục. Chúng ta thử tưởng tượng xem với giáo viên ở cấp tiểu học và trung học phổ thông với học sinh lên đến 40, 50 em mà người nào cũng phong bì như vậy thì nó vô tình đã xảy ra sự cạnh tranh giữa các phụ huynh, điều này làm cho mối quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên trở nên rất tế nhị. Chúng ta cần điều chỉnh lại các mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh học sinh trên cơ sở đạo lý, trách nhiệm với thế hệ trẻ, chứ không nên dùng tiền để tác động. Ví dụ muốn hay không khi giáo viên bị tác động bởi vật chất thì cũng ít nhiều tri phối, từ đó dẫn đến có những đánh giá, thái độ với học sinh có sự phân biệt. Điều này sẽ tác động đến không chỉ các em học sinh nào đó mà còn ảnh hưởng không tốt tới tâm lý chung của các em học sinh.

PVÔng có thể phân tích sâu hơn về những tác động của việc sử dụng vật chất trong mối quan hệ giữa phụ huynh và học sinh?

PGS. TS. Phạm Ngọc Trung: Theo tôi, sử dụng vật chất trong mối quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên nếu tiếp tục bị lạm dụng thì sẽ đem đến rất nhiều điều nguy hiểm cho nền giáo dục. Thứ nhất, nếu chúng ta cứ dùng vật chất để củng cố quan hệ với giáo viên thì chính các em sẽ mất đi động lực phấn đấu. Vì sao vậy, vì các em thấy rằng cha mẹ gặp thầy cô là mình sẽ được các cô yêu quý thì tự nhiên các em sẽ mất đi động lực, không cần phấn đấu nữa và nếu suốt cuộc đời đi học các em đều như vậy, thì đáng lẽ em này giỏi 10 phần thì chỉ còn 5, 7 phần. Đó là chưa kể khi ra đời các em sẽ vẫn dùng cách tiếp cận như vậy thì rõ ràng tài năng và cả đạo đức của các em đều bị hạn chế.

Thứ hai, chúng ta có thể thấy hiện nay tại sao có những bạn xuất sắc khi ra trường nhưng chưa thật xứng tầm vì có sự nâng đỡ ở bên trong đó. Điều này được thể hiện khá rõ ở việc có một số địa phương tạo điều kiện mời các sinh viên thủ khoa xuất sắc về để thi và làm việc, nhưng có một số người không dám đến thi. Vì chắc chắn nếu thi các em học sinh đó sẽ lộ ra trình độ không tương thích với tấm bằng trên tay. Thời gian qua, trên báo chí cũng đã thông tin nhiều nơi tuyển người nhưng chỉ có khoảng 40-50% người đến ứng tuyển. Đây là hệ quả của việc đánh giá sai lệch chất lượng học sinh.

Thứ ba, khi phụ huynh biếu xén và bản thân con em họ đạt được lợi ích là hạnh kiểm tốt, điểm thi tốt… thì họ toại nguyên vì đồng tiền đó họ bỏ ra đã thu được hiệu quả nhưng nếu chúng ta thử lật ngược lại vấn đề nếu không đáp ứng được nguyện vọng của họ thì rõ ràng từ sự muốn gần gũi cầu cạnh các thầy, các cô sẽ trở thành tâm trạng xem thường vì họ đã mất khoản tiền mà không đạt được mục đích. Rõ ràng đây không còn là vấn đề vật chất nữa mà còn là đạo đức.

PV: Theo ông, nên có cách ứng xử nào vừa thể hiện sự tôn trọng các thầy cô giáo, vừa thể hiện tấm lòng tri ân nhân ngày Nhà giáo Việt Nam?

PGS. TS. Phạm Ngọc Trung: Đây là một vấn đề rất tế nhị và tùy thuộc vào cách ứng xử của từng người. Nhưng theo tôi, vào những ngày lễ như 20/11, phụ huynh học sinh có thể cử đại diện đến chúc mừng các thầy, các cô. Việc các bậc phụ huynh đại diện như vậy nó sẽ làm cho ngày lễ của các thầy cô thực sự chan hòa, vui vẻ còn nếu chúng ta cứ đi lẻ tẻ thì sẽ dễ tạo sự hiểu lầm. Theo tôi tính tập thể là tốt nhất vì nó sẽ bình đẳng, dân chủ, minh bạch làm cho phụ huynh cũng yên tâm và thầy cô cũng thoải mái vì mình đã được học sinh nhớ đến trong ngày nhà giáo với hình thức thì nhẹ nhàng, có giá trị tinh thần.

PV: Hiện nay, các giáo viên đang dạy thường được sự quan tâm nhiều hơn so với những thầy cô đã về hưu hoặc chuyển công tác, vậy ông nghĩ thế nào về sự khác biệt này?

PGS. TS. Phạm Ngọc Trung: Những giáo viên đang dạy, đang quyết định đến các em được quan tâm hơn thì tôi nghĩ là điều bình thường, vì hiện nay các thầy, cô giáo đó là người trực tiếp dạy dỗ, chăm sóc con em của họ. Tuy nhiên, theo tôi nhìn nhận thì vẫn có một số nhóm phụ huynh học sinh và học sinh vẫn hướng tới những người thầy, người cô mà họ trân trọng, yêu quý cảm mến. Có nhiều thầy cô dù đã về hưu nhưng vẫn được học sinh yêu quý, thậm chí có nhiều em đã ra trường nhiều năm rồi nhưng khi quay lại họ vẫn chỉ tìm đến những người giáo viên đó với niềm trân trọng thực sự.

PV: Thưa ông, hiện nay cả hệ thống chính trị đang triển khai nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, vậy ông có quan tâm đến nội dung nghị quyết này?

PGS.TS. Phạm Ngọc Trung
: Hiện nay chúng ta đã có Nghị quyết về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục. Theo suy nghĩ của tôi, mỗi người giáo viên, mỗi trường học cần phải tự lĩnh hội nghị quyết đó, tự vận dụng, tự tìm hiểu xem cái gì cần làm và phải bắt tay vào thực hiện. Vì thực tế không thể có một nghị quyết hay chỉ thị có thể bao quát tất cả các trường hợp, khía cạnh trong nền giáo dục. Tất cả những cải cách của chúng ta chỉ là những định hướng chung cơ bản, về cơ chế chính sách, về giáo trình, giáo án, phương pháp giảng dạy, còn vấn đề chúng ta đang trao đổi là về vấn đề đạo đức, nhân cách. Cái đó mỗi người phải rèn luyện, tự răn dạy mình đúng với chuẩn mực của nhà giáo, giữ gìn sự trong sạch nơi các mái trường.

PV: Xin cảm ơn ông!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực