Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người “truyền lửa” cho sự nghiệp giáo dục

Thứ ba, 08/10/2013 07:41

Người anh hùng dân tộc Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về yên nghỉ cõi vĩnh hằng nhưng công lao, tư tưởng và hình ảnh của ông sẽ mãi mãi trường tồn cùng dân tộc. Dù công tác trên cương vị nào, ông cũng đều để lại những ấn tượng sâu sắc. Một trong những lĩnh vực đó là giáo dục.

Phóng viên đã có dịp trò chuyện với GS. TSKH, Viện sĩ, Nhà giáo nhân dân (NGND) Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người - người có nhiều kỷ niệm và thời gian làm việc cùng Đại tướng khi Đại tướng là Phó thủ tướng phụ trách văn giáo của Chính phủ.
 

GS. TSKH, Viện sĩ, NGND Phạm Minh Hạc chúc mừng Đại tướng
Võ Nguyên Giáp - Chủ tịch danh dự của Hội Cựu giáo chức
Việt Nam nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-2004). Ảnh chụp lại.


GS. TSKH, Viện sĩ, NGND Phạm Minh Hạc nghẹn lời kể: “Tối mùng 4-10, được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, lòng tôi rất buồn, thương tiếc, phải vĩnh biệt một con người rất tiêu biểu của dân tộc Việt Nam trong suốt gần 1 thế kỷ qua.”

Tôi còn nhớ Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ McNamara đã nói: Vinh dự nhất trong cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “Đại tướng của nhân dân”. Chúng tôi không có được những tấm gương như thế, đây là “sản phẩm” chỉ dân tộc Việt Nam mới có - GS. TSKH, Viện sĩ, NGND Phạm Minh Hạc cho biết.

Bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm hết sức sâu sắc trong đời công tác của mình ở ngành giáo dục, GS. TSKH, Viện sĩ, NGND Phạm Minh Hạc chia sẻ:

Biết bao kỷ niệm về những buổi được làm việc, được báo cáo phục vụ Đại tướng, cũng như những điều Đại tướng quan tâm đối với giáo dục cứ thế ùa về trong tôi. Như một người cha (Đại tướng sinh năm 1911, cha tôi cũng cùng sinh năm đó), Đại tướng đã cho tôi những lời khuyên bảo hết sức ân cần. Tư tưởng, sự quan tâm, căn dặn của người đã có những ảnh hưởng rất sâu sắc đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà cũng như bản thân tôi.

Nhớ lại buổi gặp và làm việc đầu tiên cùng Đại tướng với tư cách là Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục, thuộc Bộ Giáo dục (nay là Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) vào năm 1981, tôi được trực tiếp đến báo cáo về công việc giáo dục với Đại tướng để xin ý kiến, Đại tướng đã hỏi nhiều về khoa học - giáo dục của nước nhà, về ý tưởng, về đội ngũ, về thành tựu, cũng như phương hướng phát triển sắp tới.

Trong hơn 30 năm qua, chúng tôi vẫn thường nhắc tới những ý kiến chỉ đạo của Đại tướng như muốn phát triển giáo dục (GD) tốt thì phải nghiên cứu khoa học GD tốt và hướng nghiên cứu đó là vừa nghiên cứu thực tiễn GD nước nhà, vừa nghiên cứu kinh nghiệm GD của các nước tiên tiến. Tôi nghĩ, trong lĩnh vực khoa học nói chung của nước nhà, trong đó có khoa học GD, tư tưởng của Đại tướng cũng như phương hướng phát triển đã có ảnh hưởng rõ rệt vì uy tín của người đối với giới khoa học. Đặc biệt là trình độ khoa học của Đại tướng, có thể nói là đứng vào đỉnh cao của nước nhà từ những năm 1930.

Tư tưởng lớn của Đại tướng chính là phải gắn liền khoa học với sản xuất, tức là thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lý luận gắn liền với thực tiễn.

Có thể nói, đấy không những là những bài học lớn của cách mạng Việt Nam mà còn là bài học Đại tướng muốn vận dụng vào khoa học và GD. Để thực hiện tư tưởng này, bản thân tôi cùng các cán bộ của Viện Khoa học Giáo dục đã tập trung nghiên cứu kinh nghiệm của các trường tiên tiến xuất sắc nhất cả nước lúc đó như kinh nghiệm GD Cẩm Bình, Hà Tĩnh: GD là chìa khóa để phát triển kinh tế của địa phương hay bài học Bắc Lý, Hà Nam với khẩu hiệu "Tất cả vì học sinh thân yêu"…

Còn nhớ một chuyện “nhỏ” của Đại tướng nhưng là bài học “lớn” đối với tôi sau này khi tham gia vào công tác của Chính phủ. Đó là năm 1982, tôi may mắn được Đại tướng gọi đi công tác dài ngày. Ba tuần làm việc và ở bên Đại tướng có rất nhiều chuyện nhưng đến nay nhớ lại có thể nói: Tư tưởng phát triển GD của Đại tướng là áp sát với tình hình địa phương bởi giữa các vùng miền, chẳng những về cơ cấu dân cư mà lịch sử phát triển cũng có sự khác biệt. Tư tưởng này về sau tôi đã phát triển thành tư tưởng GD, trong đó có tư tưởng đổi mới GD năm 1984 là phát triển GD theo vùng miền. Như cấp tiểu học có nhiều chương trình cho miền thuận lợi và chương trình cho miền khó khăn, nhờ vậy chúng ta đã hoàn thành được phổ cập GD tiểu học năm 2000.

Trong chuyến công tác, khi đến Bình Định, điều tôi hết sức ngạc nhiên là Đại tướng sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, hỏi han nhiều về công tác GD, người đã hỏi về bánh đa – một đặc sản, mặt hàng truyền thống của Bình Định. Câu chuyện “nhỏ” này một lần nữa khiến tôi càng ấn tượng về con người gần gũi và giản dị của Đại tướng. Người không chỉ chỉ am hiểu những việc lớn mà còn am hiểu, gắn bó với đời sống người dân địa phương và giúp tôi hiểu rõ hơn nguyên lý học tập gắn với sản xuất, học tập phải vì đời sống cụ thể của người dân, nhất là người lao động.

Biết chương trình làm việc của Đại tướng, tôi đã mang theo mấy thùng sắt tài liệu về tình hình giáo dục từng địa phương. Qua câu chuyện hòm sách phải chở đi theo, tôi được biết trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Đại tướng đi công tác thường có người gánh sách đi theo, như vậy việc học tập của Đại tướng là học tập suốt đời… Từ chuyện bánh đa Bình Định đến kho sách-vốn tri thức của nhân loại, tôi hiểu dù đã ở vị trí cao về tri thức nhưng Đại tướng vẫn luôn cập nhật thông tin, vẫn học hằng ngày, kể cả khi ra chiến trận, người không bao giờ rời quyển sách. Đó là những bài học sâu sắc tôi đã tích lũy được khi làm việc cùng Đại tướng. Từ đó, cố gắng theo tấm gương của người, sau này tuy nhận những trọng trách nặng nề khác nhưng không ngày nào tôi không viết sách và đọc sách, báo.

Trong chuyến đi công tác “lịch sử” đó, tôi còn may mắn được ở cạnh phòng Đại tướng. Nhiều năm trôi qua, những buổi trò chuyện tâm tình cùng Đại tướng luôn khiến tôi ghi nhớ 2 điều, đó là nhiệm vụ khi đã được phân công thì phải hết lòng; xác định được động cơ phấn đấu, gắn cuộc sống với sự nghiệp lớn, đó là nguyên nhân quyết định sự thành công.

Điều tôi không thể quên, điều mà sau này có ảnh hưởng đến tôi khi làm Bộ trưởng GD là tư tưởng xuyên suốt của Đại tướng: Muốn xã hội đi lên tốt, phải làm GD tốt.

Bác Hồ là người đã mở ra thời đại ánh sáng, Đại tướng là người đi đầu thực hiện tư tưởng của Người trong quân đội cũng như giới khoa học và GD sau này, đó là phát huy sức mạnh văn hóa. Tư tưởng đó đã được vận dụng vào cuộc kháng chiến cứu nước giải phóng đất nước, thống nhất giang sơn. Nhân đây, tôi muốn nhắc lại ý kiến của đông đảo nhân dân ta và nhiều nhà khoa học, nhiều tác giả trong tác tác phẩm là Đại tướng Võ Nguyên Giáp có lẽ là một trong rất ít người đã thấm nhuần sâu sắc, lĩnh hội chu đáo và quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh trong mọi hoạt động, mà ngày nay trong thông cáo chính thức của Trung ương đã nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sức mạnh văn hóa được gắn liền với việc GD theo nghĩa rộng, tiềm tàng trong mỗi người, cũng như trong cả dân tộc, nhưng muốn phát huy được phải có học thức.

Có thể nói, nếu hiểu điều này sâu sắc thì cũng có thể cắt nghĩa được vì sao Nguyễn Ái Quốc đã cử đồng chí Võ Nguyên Giáp đứng ra thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam). Vì thế, nên kể cả khi lãnh đạo quân đội đến sau này lãnh đạo khoa học và GD, Đại tướng luôn dành sự quan tâm thường xuyên và tỉ mỉ đến tình hình phát triển GD.

Những năm sau đổi mới, tình hình GD cực kỳ khó khăn, dù không còn phụ trách khoa học và GD nhưng Đại tướng đã truyền cho chúng tôi một nghị lực để có ý chí đưa ra giải pháp hợp lý, giữ vững phong trào GD, vượt qua khó khăn. Khi được Chính phủ phân công làm Chủ tịch Ủy ban xóa mù chữ và phổ cập GD tiểu học, tôi có dịp báo cáo với Đại tướng. Người đã thường xuyên quan tâm và có nhiều sáng kiến xóa nạn mù chữ ở nước ta.

Có thể nói, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về GD đã được Đại tướng truyền đạt lại khiến mỗi người công tác ở lĩnh vực GD đều thấm nhuần sâu sắc hơn để cố gắng thực hiện mục tiêu phát triển GD. Đây là điều kiện hết sức cơ bản, nền móng của sự nghiệp nâng cao dân trí của dân tộc ta. Và phải sau 10 năm, chúng tôi mới thực hiện được ước vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những năm sau 2004, sức khỏe tuy yếu nhiều nhưng Đại tướng vẫn gọi hoặc chúng tôi vẫn đến báo cáo và xin ý kiến của người. Qua các buổi tiếp xúc, tôi thấy Đại tướng nắm rất sát tình hình GD của nước nhà. Vì nhiều lý do, nền GD trong khoảng 10 năm trở lại đây đã tỏ ra bất cập, có những điều không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đại tướng đã rất băn khoăn lo lắng và nói rằng tình hình này, muốn đất nước đi lên, chúng ta phải làm một cuộc “cách mạng” GD.

Giờ đây, trong các cuộc thảo luận chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 8 bàn về đổi mới căn bản toàn diện GD, nhiều nhà khoa học đã nhắc lại những ý kiến, tư tưởng, quan điểm của Đại tướng về GD và mong có một nền GD tốt, thực sự đem lại tri thức ngày càng cao cho mọi tầng lớp xã hội. Thực hiện tốt tinh thần dân chủ, tinh thần cốt lõi của chế độ và từng bước thực hiện tính công bằng; kết hợp lực lượng phục vụ nhân dân rộng rãi với một đội ngũ người tài thì có thể chiến thắng mọi kẻ thù, vượt qua được đói nghèo, xây dựng được xã hội phồn thịnh, dân chủ và đấy chính là con đường để xây dựng đất nước ta thành một đất nước văn minh. Nhờ vậy, con người và cả xã hội có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tôi nghĩ đó chính là ý nguyện sâu xa nhất của Đại tướng./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực