Giáo dục và đào tạo Việt Nam trên đường hội nhập

Thứ tư, 05/02/2014 21:19

(ĐCSVN) – Hiện nay toàn Đảng, toàn dân ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nội dung hội nhập quốc tế của giáo dục và đào tạo Việt Nam cũng đang là vấn đề được dư luận quan tâm. Về vấn đề này, PGS.TS Phạm Quang Minh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội đã có cuộc trao đối với phóng viên báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

PGS.TS Phạm Quang Minh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học,
 Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội.


PV
: Thưa Tiến sỹ, ông là người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về hợp tác quốc tế của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Với tư các là nhà khoa học, ông có thể đánh giá khái quát về tình hình hợp tác quốc tế, nhất là hợp tác trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo của Việt Nam trong thời gian qua?

PGS.TS Phạm Quang Minh: Có thể nói chưa bao giờ, Việt Nam lại có được sự hợp tác quốc tế sâu rộng như vậy trên tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Lý do cơ bản là kể từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới (1986), Việt Nam đã chủ động thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại, là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước và vì thế các đối tác nước ngoài cũng sẵn sàng hợp tác với Việt Nam. Bản chất sự hợp tác bình đẳng dựa trên cơ sở các bên tham gia cùng có lợi đã biến Việt Nam thành một thị trường mới, năng động, hấp dẫn đối với các đối tác.

Trong lĩnh vực giáo dục, các trường đại học nước ngoài đang có hợp tác ở Việt Nam gồm Trường Đại học James Cook (Australia), Trường Đại học Kaplan (Hoa Kỳ), Học viện Phát triển Quản lý Singapore (MDIS), Trường Đại học Châu Á-Thái Bình Ritsumeikan (Nhật Bản), Trường Đại học Saxion (Hà Lan), Trường Đại học Khoa học và Kỹ thuật điện tử Quế Lâm (Trung Quốc), Đại học Leeds Metropolitan (Anh), Đại học Gloucestershire (Anh),...

Mục tiêu mà Việt Nam mong muốn là nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, qua đó đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến nay Việt Nam đã thực hiện các chương trình cung ứng xuyên biên giới đa dạng từ liên kết đào tạo, chương trình nhượng quyền và đào tạo qua mạng. Việt Nam cũng là quốc gia có nhiều sinh viên đi du học nước ngoài. Năm 2012-2013, chỉ riêng ở Mỹ, Việt Nam đã có 16.000 sinh viên du học, đứng thứ 8 trong số sinh viên nước ngoài theo học tại nước này.

PV: Được coi là một trong những công tác quan trọng của Trường, xin ông cho biết việc hợp tác quốc tế giáo dục và đào tạo của Trường Đại học KHXH&NV- Đại học Quốc gia Hà Nội được triển khai như thế nào và đạt được những kết quả nổi bật gì trong năm 2013?

PGS.TS Phạm Quang Minh: Tính đến cuối năm 2013, Trường Đại học KHXH và NV đã ký kết được 180 văn bản ghi nhớ, hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu trên toàn thế giới, trong đó có nhiều trường đại học có uy tín và xếp hạng cao như Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), Đại học Tokyo (Nhật Bản), Đại học Seoul (Hàn Quốc), Đại học Humboldt (Đức), Đại học California (Mỹ), Đại học Mahidol (Thái Lan)… Đặc biệt trong năm 2013, Trường đã ký văn bản hợp tác với Viện Liên kết Toàn cầu (Institute for Global Engagement) của Hoa Kỳ, một trong những viện nghiên cứu hàng đầu thế giới về tôn giáo và đã tổ chức một cuộc hội thảo ngay tại Washington D.C về vấn đề tôn giáo ở Việt Nam. Cùng với Viện Liên kết Toàn cầu, Trường đã tổ chức hai khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về tôn giáo, nhà nước pháp quyền và tôn giáo tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của hàng trăm học viên.

Trong năm 2013, bằng các hình thức khác nhau, các đối tác nước ngoài đã hỗ trợ số kinh phí là 2 tỷ 837 triệu đồng cho các hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường, chiếm 17, 58% tổng kinh phí hoạt động nghiên cứu khoa học. Mỗi năm, trung bình, Trường cử khoảng 100 lượt cán bộ và sinh viên đi nghiên cứu, giảng dạy, học tập ở nước ngoài và cũng đón khoảng 100 lượt cán bộ và sinh viên nước ngoài đến công tác và học tập.

Trong năm 2013, Trường có vinh dự được đón Thủ tướng Đông Timor và Thủ tướng Trung Quốc đến thăm và đối thoại với cán bộ và sinh viên. Cũng trong năm vừa qua, Trường đã phối hợp với các đối tác nước ngoài tổ chức thành công 23 hội thảo quốc tế (trong tổng số 38 hội thảo), trong đó có nhiều hội thảo có tiếng vang lớn, được đánh giá cao như: “Hiệp định Paris - 40 năm nhìn lại” phối hợp với Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng Pháp; “Việt Nam trong lịch sử thế giới” phối hợp với Hội Sử học Thế giới và Đại học Hawaii Pacific (Hoa Kỳ); “Lựa chọn lý luận Cánh Tả trong thế giới biến đổi” phối hợp với Viện Rosa Luxemburg (Đức); “Truyền thông xã hội, truyền thông cổ điển và dư luận xã hội” phối hợp với Viện Konrad Adenauer (Đức)….

Một trong những hạn chế của công tác hợp tác quốc tế của Trường là vẫn chưa có nhiều các dự án nghiên cứu phối hợp, thực hiện chung với các đối tác, học giả nước ngoài. Trường cũng chưa khai thác một cách hiệu quả tất cả các văn bản hợp tác đã ký kết. Nguồn lực tài chính, rào cản ngoại ngữ và tâm lý của thời bao cấp là những nguyên nhân chính dẫn đến sự hạn chế trong hợp tác quốc tế của Trường.

PV: Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam - Canada có những bước phát triển mới đáng chú ý. Là Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Canada, xin ông cho biết một số hoạt động nhằm thúc đẩy giao lưu, hợp tác giáo dục đào tạo giữa 2 nước?

PGS.TS Phạm Quang Minh: Trường Đại học KHXHNV là trường đại học duy nhất ở Việt Nam có một môn học về Canada trong khuôn khổ chương trình đào tạo chuyên ngành Châu Mỹ học thuộc khoa Quốc tế học. Vì thế, trong vòng 5 năm trở lại đây, Đại sứ quán Canada đã hỗ trợ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu về Canada, qua đó nâng cao nhận thức, hiểu biết và quan tâm của sinh viên đối với đất nước này. Cho đến nay, với sự tài trợ của Đại sứ quán Canada, Trường đã tổ chức được 3 cuộc tọa đàm về nghiên cứu Canada. Ngoài ra, Đại sứ quán cũng hỗ trợ trong việc dịch và xuất bản cuốn sách “Người Canada điều hành đất nước như thế nào” làm tài liệu giảng dạy và học tập cho cán bộ và sinh viên.

Năm 2011, trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam, Ngài David Johnston -Toàn quyền Canada đã đến thăm và đối thoại với cán bộ và sinh viên về chủ đề đa văn hóa, kinh nghiệm phát triển của Canada. Trong năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Canada, Hội đã đề nghị chính phủ trao tặng huy chương hữu nghị cho Bà Đại sứ Deborah Chatsis. Hội Hữu nghị Việt Nam - Canada đã có nhiều hoạt động “ngoại giao nhân dân” rất hiệu quả như tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu Canada” (Understanding Canada) cho sinh viên 3 trường Đại học KHXHNV, Học viện Ngoại giao và Đại học Hà Nội. Hàng năm, Hội đều tổ chức cuộc chạy marathon nhân đạo mang tên Terry Fox được hàng nghìn người tham gia.

 

Đoàn đại biểu Canada thăm Trường ĐHKHXH&NV. (Nguồn: ussh.vnu.edu.vn) 


PV
: Trước thềm năm mới Giáp Ngọ 2014, ông có nhận xét gì về triển vọng hợp tác quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ?

PGS.TS Phạm Quang Minh: Xu thế gia tăng hợp tác quốc tế của Việt Nam với thế giới và các nước là điều chắc chắn bởi vì theo dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,5%, khi các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản và các nước trong khu vực đồng EURO đã phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Hợp tác quốc tế của Việt Nam chắc chắn sẽ rất sôi động và hứa hẹn nhiều kết quả tốt đẹp khi chúng ta đang tham gia đàm phán ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực và liên khu vực như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu hay Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP)…Những hiệp định này chắc chắn sẽ tạo cơ hội giảm thuế cho hàng xuất khẩu, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cơ hội xuất khẩu và khả năng dịch chuyển lao động, hàng hóa và dòng vốn qua biên giới giữa Việt Nam và các đối tác, từ đó mang lại nhiều việc làm và tăng trưởng cho nền kinh tế.

Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, Việt Nam và các đối tác cũng sẽ đẩy mạnh hơn nữa quá trình quốc tế hóa giáo dục thông qua tăng cường trao đổi giáo viên sinh viên, tài liệu, sách giáo khoa, đa dạng hóa các hình thức hợp tác và sẽ có nhiều hơn các chương trình đào tạo liên kết như 2+2, 3+1 hoặc đào tạo từ xa, qua mạng, hoặc các chương trình ngắn hạn.

Riêng đối với Trường Đại học KHXHNV, năm 2014 cũng hứa hẹn một năm thành công với nhiều hợp tác quốc tế quan trọng. Ngay trong những ngày đầu năm (từ ngày 9-10/1/2014), Trường ĐHKHXHNV đã có sáng kiến cùng với Học viện Hồng Hà (Vân Nam, Trung Quốc), thành lập Hiệp hội các trường đại học lưu vực Sông Hồng nhằm tăng cường trao đổi, hợp tác khoa học giữa các trường đại học lưu vực sông Hồng nằm trên địa phận của tỉnh Vân Nam và miền Bắc Việt Nam vì sự phát triển bền vững của cộng đồng. Tiếp theo đó, tại Paris từ ngày 16-18/1/2014, Trường đã phối hợp với Đại học Sorbon, Viện Lịch sử quân sự Bộ Quốc phòng Pháp đồng tổ chức Hội thảo quốc tế “Pháp, Liên minh châu Âu và Việt Nam từ sau năm 1954 đến nay” trong khuôn khổ Năm Việt Nam tại Pháp. Ngày 22/1/2014, Trường đã phối hợp với Đại học George Washington tổ chức thành công hội thảo quốc tế “Các quan điểm về năng lượng nguyên tử ở châu Á”. Trong năm 2014, Trường cũng dự định tổ chức khoảng 20 cuộc hội thảo quốc tế về các chủ đề khác nhau, trong đó nổi bật là các hội thảo về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Viện RLS, Việt Nam tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc với Viện FES (Đức) và SIPRI (Thụy Điển), “Điện Biên Phủ - 60 năm nhìn lại từ góc độ quan hệ quốc tế”, “Vai trò của Trường Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) đối với sự phát triển của khoa học xã hội Việt Nam”…với Đại học Sorbon và Đại sứ quán Pháp…

PV: Trân trọng cảm ơn PGS.TS Phạm Quang Minh./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực