Khắc phục tình trạng mất cân đối ngành, nghề đào tạo

Thứ tư, 25/09/2013 11:21

(ĐCSVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, khắc phục tình trạng mất cân đối ngành, nghề đạo tào nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết, trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện nhiều chương trình, giải pháp đồng bộ nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, nhìn chung hiệu quả đào tạo chưa cao, sinh viên tốt nghiệp ra trường còn nhiều hạn chế về kỹ năng thực hành nghề nghiệp, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, năng lực ngoại ngữ và hoạt động xã hội, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của xã hội.

Đa số các trường đại học, cao đẳng chỉ đào tạo theo thế mạnh của trường, trong khi đó phần lớn các đơn vị sử dụng lao động không có kế hoạch nhân lực dài hạn, chưa có thói quen hợp tác với các trường để đặt hàng đào tạo theo nhu cầu sử dụng lao động của mình. Người học có xu hướng theo học các ngành mà sau khi ra trường có thu nhập cao, dễ tìm được việc làm (Kế toán, Tài chính Ngân hàng...), dẫn tới việc số lượng sinh viên theo học các ngành này tăng nhanh, vượt quá nhu cầu thực tế của xã hội, gây nên tình trạng mất cân đối ngành, nghề đào tạo.

Để từng bước khắc phục tình trạng trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang triển khai thực hiện một số giải pháp. Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật triển khai thực hiện Luật giáo dục đại học.

Bộ cũng đã chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng rà soát chương trình đào tạo về tên ngành, mục tiêu đào tạo, yêu cầu chuẩn kiến thức/kỹ năng/thái độ, vị trí làm việc sau tốt nghiệp, khối lượng kiến thức, tỷ lệ phân bổ thời gian giữa lý thuyết và thực hành,... để đảm bảo cập nhật tri thức mới, đảm bảo tính khoa học, thực tiễn và đảm bảo tính liên thông trong đào tạo.

Đồng thời tăng cường chỉ đạo, kiểm tra các trường đại học, cao đẳng trong việc thực hiện quy trình mở ngành đào tạo trình độ đại học, cao đẳng; Các điều kiện đảm bảo chất lượng (về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện giáo trình...); Xây dựng và công bố chuẩn đầu ra, đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội; Đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng và hiệu quả nghiên cứu khoa học; Thực hiện 3 công khai (công khai cam kết chất lượng đào tạo và chất lượng thực tế của cơ sở đào tạo; công khai nguồn lực phục vụ đào tạo; công khai thu chi tài chính) nhằm tạo cơ chế giám sát xã hội về chất lượng đào tạo và động lực cho việc nâng cao chất lượng đào tạo.

Mặt khác, Bộ cũng chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đào tạo, tuyển sinh, công tác xây dựng đội ngũ giảng viên, việc đầu tư cơ sở vật chất và kiên quyết xử lý đối với các cơ sở đào tạo không thực hiện đúng các quy định.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực