Kiểm tra công tác triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới tại Hà Nội

Thứ sáu, 26/03/2021 10:58
(ĐCSVN)- Ngày 25/3, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT tới kiểm tra tình hình dạy học lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CT GDPT) và chuẩn bị triển khai chương trình đối với lớp 2, lớp 6 tại Hà Nội.
 Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dự giờ lớp 1 tại Trường Tiểu học Hoàng Diệu. Ảnh: MT

Báo cáo đoàn công tác, cô giáo Nguyễn Điệp Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Diệu cho biết, triển khai CT GDPT 2018, nhà trường đã xây dựng kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, 100% giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020-2021 được tham gia các khoá tập huấn về chương trình, sách giáo khoa mới. Đội ngũ đứng lớp dạy lớp học đầu tiên thực hiện chương trình mới là người có năng lực chuyên môn, trách nhiệm, tích cực đổi mới sáng tạo. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học… được nhà trường đã kịp thời bổ sung để đáp ứng yêu cầu của chương trình và đảm bảo thuận lợi cho dạy học 2 buổi/ngày…

Sau hơn 1 học kỳ triển khai CT GDPT 2018, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Diệu nhận định, chất lượng dạy học lớp 1 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Học sinh cơ bản đã đọc, viết, tính toán tốt; tự chủ, tự tin hơn trong giao tiếp và tích cực tham gia hoạt động giáo dục cùng thầy cô.

Để chuẩn bị cho việc thực hiện CT GDPT mới đối với lớp 2, nhà trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể, lên danh sách giáo viên dạy lớp 2 năm học 2021-2022  và ưu tiên đội ngũ này tham gia các khoá bồi dưỡng các cấp về chương trình, sách giáo khoa mới. Hiện, nhà trường đã tổ chức cho tổ chuyên môn đọc, nghiên cứu 3 bộ sách giáo khoa lớp 2 thuộc danh mục được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt để tổng hợp đề xuất lên phòng GD&ĐT, phục vụ việc lựa chọn sách giáo khoa của địa phương.

Báo cáo tổng quan tình hình thực hiện CT GDPT 2018 của Hà Nội, bà Hoàng Thị Minh Hương, Phó Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GDĐT Hà Nội đánh giá: đến thời điểm này, lớp 1 thực hiện chương trình GDPT 2018 cơ bản đã thành công; nhà trường, phụ huynh đồng lòng thực hiện.

Đối với việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6, Sở GD&ĐT phối hợp với các đơn vị xuất bản đã tổ chức hội nghị giới thiệu sách đến 100% cán bộ, giáo viên dự kiến dạy các lớp học này. Bộ tiêu chí chọn sách giáo khoa vừa được UBND thành phố ban hành. Việc thành lập hội đồng lựa chọn sách và các nội dung khác trong quy trình đang được thành phố triển khai, đảm bảo chất lượng và tiến độ.

Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho biết, bên cạnh thuận lợi, thành phố cũng còn những khó khăn khi triển khai CT GDPT mới. Nổi cộm trong đó là vấn đề sĩ số học sinh/lớp còn cao khiến việc quan tâm đến phát triển năng lực cho từng em bị hạn chế. Việc thiếu giáo viên để đáp ứng yêu cầu dạy học bắt buộc 2 buổi/ngày, thiếu giáo viên môn đặc thù, cũng là một trong những khó khăn của thủ đô.

Qua kiểm tra thực tế và nghe báo cáo từ địa phương, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao những nỗ lực và hiệu quả bước đầu triển khai CT GDPT 2018 đối với lớp 1 và chuẩn bị cho lớp 2, lớp 6 của ngành Giáo dục Hà Nội, trong đó có quận Ba Đình. Công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên, bồi dưỡng, chăm lo, quản lý điều hành, đầu tư cơ sở vật chất… được từ UBND các cấp đến ngành Giáo dục đặc biệt quan tâm. “Qua dự giờ các lớp học, Bộ thấy rằng tinh thần đổi mới đã đến với từng giáo viên, học sinh; thầy cô vì học trò nên việc triển khai đã có hiệu quả rõ rệt”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.

Để triển khai hiệu quả tiếp CT GDPT 2018, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị, Hà Nội tiếp tục thực hiện tốt một số nội dung. Trong đó, chú trọng thống nhất đổi mới từ nhận thức đến hành động. Đội ngũ từ cán bộ quản lý, hiệu trưởng, giáo viên phải nắm chắc chương trình từ quan điểm, mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Cả hệ thống chính trị, cán bộ quản lý cần cùng vào cuộc đồng bộ chứ không phải chỉ có giáo viên tiếp cận đổi mới chương trình.

“Xây dựng đội ngũ giáo viên là việc rất quan trọng khi triển khai các chương trình giáo dục nhà trường, chương trình, sách giáo khoa mới, bởi lẽ đây là những người sẽ trực tiếp quyết định chất lượng giáo dục như thế nào. Đội ngũ giáo viên cần đảm bảo được 3 yêu cầu về: số lượng, cơ cấu, chất lượng - trong đó quan trọng nhất là chất lượng”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói và đề nghị Hà Nội tăng cường tập huấn, bồi dưỡng để có đội ngũ thầy cô vững chuyên môn nghiệp vụ, tâm huyết trách nhiệm với nghề. Các nhà trường cần chuẩn bị tâm thể sẵn sàng đổi mới cho giáo viên, tạo động lực để thầy cô phát huy năng lực sáng tạo trong dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục.

Những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, như vấn đề thiếu giáo viên, sĩ số học sinh đồng… Bộ GD&ĐT đề nghị thành phố quan tâm tháo gỡ để việc thực hiện chương trình mới được thuận lợi, hiệu quả hơn nữa./.

VA

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực