Nên hay không nên miễn 20% thi tốt nghiệp THPT?

Thứ tư, 19/02/2014 14:55

(ĐCSVN) - Trước đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về việc miễn thi tốt nghiệp cho 20% số học sinh của mỗi tỉnh, thành phố dựa vào điểm trung bình cả năm học lớp 12 đang khiến dư luận xã hội băn khoăn, nghi ngại sẽ có tiêu cực xảy ra, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xin nêu một số ý kiến của nhà quản lý giáo dục, các bậc phụ huynh, học sinh về vấn đề này.

Em Nguyễn Thu Hương, học sinh lớp 12 một trường THPT trên địa bàn Hà Nội cho hay, từ khi biết thông tin mở rộng đối tượng miễn thi tốt nghiệp 20%, trong lớp em bàn tán rất nhiều về đề tài này. “Các bạn băn khoăn không biết những ai sẽ được miễn thi tốt nghiệp, ai sẽ phải thi, vì Dự thảo điều chỉnh kỳ thi tốt nghiệp đưa ra khi học kỳ 1 đã kết thúc, như vậy là quá muộn, đã tạo áp lực đối với chúng em. Thực lòng em và các bạn trong lớp có nguyện vọng, Bộ GD&ĐT không miễn thi tốt nghiệp cho bất cứ trường hợp nào. Tất cả mọi người cùng học thì cùng phải thi như thế sẽ tạo khí thế học tập, thi cử trong lớp. Nếu trong lớp bạn được miễn thi, bạn phải đi thi thì em cũng thấy nản” – Nguyễn Thu Hương chia sẻ.

 

 Ảnh minh họa. Nguồn: VA.


Anh Nguyễn Hoàng Long (Hà Nội) – phụ huynh có con năm nay thi tốt nghiệp THPT, cũng rất quan tâm về thông tin sẽ có 20% học sinh được miễn thi tốt nghiệp THPT. Anh Long cho biết, học lực của con mình tương đối khá, nếu được miễn thi tốt nghiệp cũng tốt để tập trung sức cho kỳ thi đại học, nhưng nếu phải thi thì cũng không ngại. “Quan trọng nhất trong vấn đề miễn thi tốt nghiệp là phải tạo sự công bằng cho tất cả các cháu, phải miễn thi đúng đối tượng. Cứ thử hình dung, một cháu học giỏi của trường này không thuộc diện miễn thi, trong khi có cháu chỉ học lực khá của trường khác đã nằm trong số các cháu được miễn thi rồi. Như vậy, đâu có đánh giá đúng thực lực. Sự không công bằng sẽ tạo ra sự ức chế tâm lý không đáng có cho các cháu khi mà 2 kỳ thi tốt nghiệp và đại học đang cận kề. Theo tôi, Bộ GD&ĐT nên cân nhắc chủ trương này” – anh Hoàng Long trăn trở.

Mặc dù, Bộ GD&ĐT đã nhiều lần giải thích về những băn khoăn này (rằng, chủ trương miễn thi cho một bộ phận học sinh xuất sắc nhằm giảm tốn kém cho xã hội, tạo động lực để học sinh phấn đấu học tập, rèn luyện; rằng, trong điều kiện bệnh thành tích chưa được giải quyết triệt để và vấn đề kỷ cương, kỷ luật còn phải được tăng cường, thì việc khống chế tỷ lệ 20% học sinh được miễn thi để bảo đảm ngăn chặn các trường nới lỏng khâu kiểm tra, đánh giá, tạo nên sự “cạnh tranh” lành mạnh, góp phần bảo đảm việc kiểm tra đánh giá được nghiêm túc. Bộ cũng yêu cầu, việc xét miễn thi sẽ được thực hiện theo quy trình thống nhất, đảm bảo công khai, minh bạch và chịu sự giám sát từ nhiều phía (học sinh, phụ huynh, giáo viên, xã hội...) với các tiêu chí cụ thể, yêu cầu trách nhiệm cao của giáo viên và nhà trường....), thế nhưng xem ra, sự giải thích của Bộ chưa đủ sức thuyết phục. Ngay như những người đứng đầu các Sở GD&ĐT cũng không khỏi băn khoăn, bối rối và có những ý kiến khác nhau.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ học kỳ II, năm học 2013 - 2014 vừa qua, ông Nguyễn Tấn Thắng - Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam đặt câu hỏi: Mục đích miễn thi 20% ở đây là gì? Nếu để chuẩn bị cho việc tiến tới không thi tốt nghiệp thì đó là phương án đúng, nhưng nếu chỉ để gọn nhẹ, giảm tải thi cử thì không thực tế.
“Nếu miễn thi đồng đều thì sẽ có sự mâu thuẫn giữa các trường ở miền núi, đồng bằng; miễn thi ở các mô hình trường công lập, ngoài công lập cũng không hợp lý. Các Sở sẽ mất quá nhiều thời gian để thực hiện việc miễn thi. Vì vậy, đề nghị Bộ chỉ giữ nguyên điều kiện miễn thi như quy định hiện hành” - ông Nguyễn Tấn Thắng đề nghị.

Ông Nguyễn Sỹ Thư - Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum cũng thấy bối rối về tỷ lệ miễn thi. “Bộ giao Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố phải xác định tỉ lệ miễn thi cho từng trường. Tôi e rằng, tình trạng học sinh, phụ huynh không đồng tình, tạo dư luận không tốt, không công bằng giữa các trường, các học sinh, có thể dẫn tới tiêu cực. Bộ nên để các Sở cụ thể hóa tiêu chí miễn thi chung cho toàn tỉnh, xác định tỉ lệ miễn thi cho tỉnh sao cho không quá 20% mà không cụ thể từng trường”.

Bà Vũ Thị Bích Việt - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cũng cho hay, phương án miễn thi cần cân nhắc: “Kinh nghiệm tuyển dụng nhân sự tỉnh Tuyên Quang cho thấy, khi có chính sách ưu tiên sinh viên giỏi thì ngay lập tức sẽ có hàng trăm sinh viên tốt nghiệp đạt loại giỏi, trong khi năm trước chỉ có chục em, hoàn toàn có thể có việc “làm điểm” ở các trường. Vì thế, có thể không cần miễn thi 20%, mà chỉ nên áp dụng chính sách cộng điểm khuyến khích cho các em như hiện nay.

Cũng tại Hội nghị này, đề cập đến những điều chỉnh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay và những năm trước mắt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, việc đổi mới thi cử năm nay phải được tính kỹ. Đầu tiên là không nên thay đổi liên tục, mà nên làm thí điểm trên diện nhỏ, sau khi đã ổn mới áp dụng. Đừng để cảnh học sinh bây giờ mấy tháng nữa thi vẫn hồi hộp không biết năm nay thi môn gì và thi như thế nào? Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, kỳ thi tốt nghiệp THPT phải gắn liền với thi tuyển sinh ĐH chứ không thể tách rời.

Phó Thủ tướng đặt vấn đề, hàng năm chúng ta đã đỗ tốt nghiệp THPT tới 98% rồi, tại sao giờ lại đặt ra vấn đề miễn thi cho 20% học sinh, có mâu thuẫn gì ở đây không? Không nên miễn thi cho bất kỳ ai, tránh bất ổn. Theo Phó Thủ tướng, là những người làm quản lý giáo dục thì đừng ngại thi tốn kém, mệt nhọc. Nếu tốn kém và mệt nhọc mà cần thiết để thúc đẩy các cháu học, để tuyển lựa xứng đáng thì không ngại.

Theo như Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho hay, tinh thần của Bộ là lấy ý kiến rộng rãi để thu hút được hết các ý tưởng, sáng kiến, tình hình thực tế, nắm bắt hết được những lo lắng, băn khoăn, khó khăn để khi ra những quyết định sẽ sát với tình hình, thống nhất trong chỉ đạo, cũng như triển khai được thuận lợi hơn. Vậy nên chăng, Bộ GD&ĐT cân nhắc "lợi bất cập hại" trong việc mở rộng đối tượng miễn thi tốt nghiệp THPT ?./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực