Nhiều ý kiến khác nhau xung quanh điều chỉnh thi tốt nghiệp THPT

Thứ sáu, 14/02/2014 15:30

(ĐCSVN) - Tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 và triển khai nhiệm vụ học kỳ 2, năm học 2013-2014, đa số lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đồng tình việc đổi mới tổ chức thi tốt nghiệp THPT 4 môn, trong đó có 2 môn do thí sinh tự chọn; còn có những ý kiến khác nhau về việc đưa ngoại ngữ là môn thi lựa chọn hay khuyến khích cộng điểm.

Ngoại ngữ nên là môn tự chọn

Theo như Dự thảo điều chỉnh thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT trình xin ý kiến, thi tốt nghiệp với 4 môn thi gồm 2 môn bắt buộc: Toán và Ngữ văn, 2 môn tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử.

Học sinh có thể đăng ký thi Ngoại ngữ (đề thi theo chương trình 7 năm) để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tuyển tốt nghiệp. Điểm khuyến khích được tính như sau: Bài thi môn Ngoại ngữ được 9 điểm trở lên được cộng 2 điểm, 7 điểm trở lên được cộng 1,5 điểm và 5 điểm trở lên được cộng 1 điểm.

 

Ông Nguyễn Sỹ Thư -  Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum. Ảnh: VA


Ông Nguyễn Tấn Thắng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam đồng tình phương án thi tốt nghiệp 4 môn thay vì 6 môn như hiện nay. Tuy nhiên, 2 môn thí sinh tự chọn thì phải có một môn tự nhiên và một môn xã hội, để tránh tình trạng học sinh học lệch. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Tấn Thắng cũng đề nghị, Bộ cần đưa môn Ngoại ngữ nằm trong số môn thi tự chọn.

“Môn Ngoại ngữ không nên chuyển thành môn khuyến khích. Vì hiện nay, đó là môn học bắt buộc, các tỉnh đều đang nỗ lực để nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ. Trong năm qua, tỉnh Quảng Nam chỉ có 2 trường xin thi thay thế môn tiếng Anh, tức là ngay như tỉnh Quảng Nam hiện nay cũng đã ổn định môn này, thì không lẽ gì để môn Ngoại ngữ thành môn khuyến khích. Và việc không đưa Ngoại ngữ vào môn thi tự chọn sẽ làm ảnh hưởng đến quyết tâm triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường. Ngoại ngữ là công cụ không thể thiếu đối với học sinh” - ông Nguyễn Tấn Thắng nêu quan điểm.

Ông Hoàng Minh Quân - Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, ông Thái Văn Long - Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau cũng cùng quan điểm khi cho rằng, thực tế hiện nay, các trường đều đang nỗ lực để nâng cao chất lượng môn Ngoại ngữ. Nếu coi môn Ngoại ngữ là môn thi khuyến khích cũng là vô tình không coi trọng và hệ lụy sẽ kéo tinh thần học ngoại ngữ “chùng” xuống. Đó là chưa kể, nếu Ngoại ngữ là môn thi khuyến khích thì học sinh sẽ có tâm lý cứ đăng ký, khiến trường phải tổ chức phòng thi, nhưng đến lúc thi, có thể các em không dự thi, gây lãng phí.

Thế nhưng, theo lý giải của Bộ GD&ĐT về việc lựa chọn Ngoại ngữ là môn thi khuyến khích cộng điểm thì hiện nay, do điều kiện khó khăn khách quan, nên việc dạy - học môn ngoại ngữ ở trường phổ thông rất khác nhau giữa các vùng, miền. Do vậy, Dự thảo đề xuất phương án đưa môn Ngoại ngữ là môn thi khuyến khích. Tuy vậy, qua các kênh thông tin khác nhau, Bộ nhận được đề xuất đưa môn Ngoại ngữ là môn thi tự chọn (để nâng cao vị trí của môn học này và khuyến khích việc dạy và học môn Ngoại ngữ). Bộ sẽ thảo luận, cân nhắc vấn đề này một cách nghiêm túc và cầu thị.

Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh đề xuất: Trong 4 môn thi tốt nghiệp, có thể có 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ, nếu các tỉnh khó khăn có thể thay Ngoại ngữ bằng môn tự chọn; vì lâu nay, Bộ đã quy định Ngoại ngữ là môn bắt buộc trong chương trình học. Hơn nữa, chúng ta đang đẩy mạnh Đề án Ngoại ngữ quốc gia, vì thế, nếu để thành môn thi khuyến khích hay môn tự chọn sẽ khiến cho việc học Ngoại ngữ “chùng” xuống.

Cân nhắc tỷ lệ miễn thi tốt nghiệp 20%

Ngoài các thí sinh được miễn thi theo Quy chế hiện hành, học sinh THPT và GDTX xếp loại học lực và hạnh kiểm trong 3 năm từ khá trở lên, trong đó, tập trung chính vào kết quả học tập lớp 12 sẽ được miễn thi. Các trường hợp miễn thi tốt nghiệp vẫn có thể đăng ký thi nếu muốn có kết quả xếp loại tốt hơn. Tỷ lệ miễn thi cho mỗi Sở GD&ĐT và Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) tối đa là 20%.

Nhiều ý kiến cho rằng, Quy định này không chỉ làm khó cho Giám đốc sở GD&ĐT mà còn làm khó cho cả các trường và không tạo ra sự công bằng. Hiện nay, chất lượng giáo dục của các tỉnh, thành, các trường trong vùng không tương đồng, nếu lấy 20% thì sẽ thiệt thòi cho học sinh và dễ nảy sinh tiêu cực.

Ông Nguyễn Tấn Thắng - Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam đặt câu hỏi: Miễn thi 20% mục đích ở đây là gì? Nếu để chuẩn bị cho việc tiến tới không thi tốt nghiệp thì đó là phương án đúng, nhưng nếu chỉ để gọn nhẹ, giảm tải thi cử thì không thực tế.

“Nếu miễn thi đồng đều thì sẽ có sự mâu thuẫn giữa các trường ở miền núi, đồng bằng; miễn thi ở các mô hình trường công lập - ngoài công lập cũng không hợp lý. Các Sở sẽ mất quá nhiều thời gian để thực hiện việc miễn thi. Vì vậy, đề nghị Bộ chỉ giữ nguyên điều kiện miễn thi như quy định hiện hành” - ông Nguyễn Tấn Thắng đề nghị.

Ông Nguyễn Sỹ Thư - Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum cũng băn khoăn nhiều về tỷ lệ miễn thi. “Bộ giao Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố phải xác định tỉ lệ miễn thi cho từng trường. Tôi e rằng, tình trạng học sinh, phụ huynh không đồng tình, tạo dư luận không tốt, không công bằng giữa các trường, các học sinh, có thể dẫn tới tiêu cực. Bộ nên để các Sở cụ thể hóa tiêu chí miễn thi chung cho toàn tỉnh, xác định tỉ lệ miễn thi cho tỉnh sao cho không quá 20% mà không cụ thể từng trường. Cũng không nên thành lập hội đồng xét miễn thi từng trường. Chỉ cần hiệu trưởng các trường là thành viên của hội đồng xét miễn thi của tỉnh” – ông Nguyễn Sỹ Thư nhấn mạnh.

Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh tuy đồng ý với phương án điều chỉnh thi của Bộ, nhưng về tỷ lệ miễn thi tốt nghiệp, Bộ cần cân nhắc khống chế tỷ lệ miễn thi, vì đây là vấn đề khó thực hiện. Bộ nên đưa ra các tiêu chuẩn miễn thi. Ông Sơn đề xuất, tiêu chuẩn miễn thi có thể là hạnh kiểm phải từ khá trở lên, khuyến khích học sinh học giỏi cấp thành phố, quốc gia, đạt giải các cuộc thi khoa học kỹ thuật.

Lý giải tại sao Bộ GD&ĐT không qui định các tiêu chí để xét cho tất cả học sinh đạt tiêu chí đều được miễn thi mà lại khống chế chỉ 20% học sinh được miễn thi? Bộ cho biết, trong điều kiện bệnh thành tích chưa được giải quyết triệt để và vấn đề kỷ cương, kỷ luật còn phải được tăng cường, nếu không khống chế tỷ lệ được miễn thi thì sẽ có thể xuất hiện việc các trường nới lỏng khâu kiểm tra, đánh giá để có nhiều học sinh được miễn thi không thực chất. Chính việc khống chế tỷ lệ sẽ tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh, góp phần đảm bảo việc kiểm tra, đánh giá được nghiêm túc. Việc xét miễn thi được thực hiện theo quy trình thống nhất, đảm bảo công khai, minh bạch và chịu sự giám sát từ nhiều phía (học sinh, phụ huynh, giáo viên, xã hội…) với các tiêu chí cụ thể, yêu cầu trách nhiệm cao của giáo viên và nhà trường.

Cùng với quá trình và kết quả chấn chỉnh kỉ cương để việc kiểm tra, đánh giá phản ánh đúng kết quả học tập của học sinh thì tỷ lệ miễn thi có thể được tăng thêm, và tiến đến toàn bộ học sinh đạt chuẩn đều được miễn thi.

Bộ GD&ĐT đã áp dụng phương pháp đánh giá PISA để đánh giá chất lượng giáo dục các tỉnh/thành phố, tới đây sẽ công bố kết quả và sẽ tiến hành định kỳ. Dựa trên kết quả PISA, sẽ có sự phân biệt tỷ lệ miễn thi tốt nghiệp cho các địa phương.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, tất cả những ý kiến này sẽ được Bộ họp với các Vụ, Cục để đi đến thống nhất trong thời gian sớm nhất./.

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực