Những giáo viên tiêu biểu trong sự nghiệp đổi mới giáo dục

Thứ năm, 19/11/2015 16:13

(ĐCSVN) – Sự chuyển biến tích cực của ngành giáo dục và đào tạo năm học vừa qua trên các mặt, đều khắp ở các cấp học, các nhà trường đều có sự đóng góp to lớn của các thầy cô giáo trên khắp cả nước. Nhiều thầy cô thực sự là những “tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”, đã phấn đấu không ngừng, khẳng định trách nhiệm và sứ mệnh vẻ vang của mình.

 

 Cô giáo Lò Thị Dinh. Ảnh: VA

Cô giáo Lò Thị Dinh, giáo viên Trường mầm non Hoa Lan, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang: Mong sao những đứa trẻ nơi đây không còn khổ như mình ngày xưa

Cô giáo Lò Thị Dinh sinh ra trong một gia đình dân tộc đã nghèo lại đông con. Việc nuôi 6 đứa con để không đói ăn đã là quá khó khăn, huống chi cho các con ăn học đàng hoàng. Thấm thía cái nghèo từ bé, vì thế, Lò Thị Dinh không ngừng phấn đấu trở thành cô giáo để thoát nghèo, đem cái chữ đến với những đứa trẻ khó khăn như mình.

Giáo dục mầm non được xem là giai đoạn khởi điểm của việc hình thành và phát triển nhân cách trẻ. Do vậy, công tác chăm sóc, giáo dục trẻ là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp thiết. “Để thực hiện tốt việc chăm sóc giáo dục ở vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn là một bài toán khó đòi hỏi sự nỗ lực và tâm hồn yêu nghề, mến trẻ của mỗi giáo viên. Bởi các em đều con nhà nghèo, tiếng Việt rất kém, hạn chế về nhận thức, đường sá xa xôi cách trở… Khó khăn là thế nhưng những giáo viên mầm non như chúng tôi vẫn luôn vượt khó đi lên coi mình là người mẹ thứ hai của trẻ” – cô giáo Lò Thị Dinh chia sẻ.

Hàng ngày, cô Lò Thị Dinh đến trường và dồn tất cả nhiệt huyết, tình thương vào bài giảng. Cô Dinh kể: Để trẻ thực sự thích đến trường lớp, giáo viên chúng tôi phải hàng ngày, hàng giờ luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học, tuyên dương các em kịp thời và luôn tạo sự gần gũi, thân thiện với trò.

Cô cho rằng, đối với trẻ không phải là những kiến thức cao siêu mà điều quan trọng chính là tình cảm thương yêu thực sự. Khi các con ngủ trưa thì cô tranh thủ ngồi cắt dán, làm đồ dùng dạy học. Nhiều hôm, khi trẻ về hết, cô vẫn cặm cụi với hoa giấy, đồ chơi từ các nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương và những phế liệu như vỏ hộp sữa, các chai, lọ… để làm phong phú tiết học hơn, tổ chức vui liên hoạn văn nghệ, bánh kẹo vào các ngày cuối tuần để tạo không khí phấn khởi cho trẻ khi đến trường. Thậm chí ngày hè, lẽ ra được nghỉ ngơi, nhưng các thầy cô cũng đến trường, xây dựng các lớp bồi dưỡng năng khiếu tình nguyện để học sinh có một sân chơi lành mạnh, mong các con bớt đi thiệt thòi vì không có điều kiện tham quan du lịch như trẻ thành phố.

Nỗi niềm trẻ nghèo luôn canh cánh, cô giáo Lò Thị Dinh còn cố gắng vận động sự giúp đỡ của nhiều người để học sinh của mình có manh áo ấm đến trường và được cải thiện bữa ăn hàng ngày. Cô giáo trẻ chỉ có mong ước giản đơn: "Mong sao những đứa trẻ nơi đây không còn khổ như mình ngày xưa".

Vì những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục, cô giáo Lò Thị Dinh là gương mặt tiêu biểu dự và báo cáo thành tích tại Đại hội thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thức VI.

 

 Cô giáo Phan Lệ Hằng. Ảnh: HN

Cô giáo Phan Lệ Hằng, giáo viên Trường Tiểu học Tập Ngãi B, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh: Để dạy tốt, ngoài năng lực cần có sự kiên trì và dám tiếp nhận cái mới

Trường Tiểu học Tập Ngãi B nằm ở xã nghèo của huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Tháng 9/1993, cô giáo Phan Lệ Hằng được phân công về dạy ở một điểm lẻ xa điểm chính của trường gần 4km, cơ sở vật chất của điểm trường khi ấy thiếu thốn trăm bề, nền đất, mái lá, vách ngăn các phòng học bằng một tấm mê bồ, bàn ghế chỉ là các khúc cây và miếng ván sơ sài.

Phương tiện đi lại khó khăn, chủ yếu là giao thông đường thuỷ, đường đất thì lầy lội, cầu khỉ ở khắp nơi, đời sống văn hoá nghèo nàn, trình độ dân trí thấp. Nhưng với lòng yêu nghề, hết lòng vì học sinh thân yêu, cô giáo Hằng đã tự nhủ với lòng mình là hãy vượt qua mọi khó khăn vì người dân ở đây cần mình để học chữ.

Cô tâm sự: Tôi luôn nhận thức rằng người giáo viên tiểu học muốn dạy tốt, ngoài việc có kiến thức, có năng lực còn đòi hỏi phải có sự kiên trì, có nhiệt tình, sáng tạo, dám tiếp nhận cái mới và đặc biệt là phải tâm huyết với nghề. Trong quá trình dạy học của mình, cô theo dõi sâu sát từng em để nắm bắt sự tiến bộ của các em vào sổ theo dõi để có kế hoạch bồi dưỡng và giứp đỡ các em kịp thời. Cô đã hoà cùng các em, theo sát các em. Cứ thế, các em lớn dần và trưởng thành lên, và nhờ các em tôi cũng “lớn lên” và trưởng thành trong nghề dạy học của mình.

Từ lâu cô đã đoạn tuyệt với việc lấy điểm số, xết loại hạnh kiểm khô khan để làm thước đo cho các em. Thường xuyên sử dụng lời khen, tuyên dương các em kịp thời dù chỉ là một thành tích nhỏ, hàng tuần, hàng tháng có bình bầu nêu gương điển hình để khích lệ các em phấn đấu vươn lên. Trong giảng dạy, cô luôn tìm tòi, học hỏi những phương pháp mới, sáng tạo để phù hợp với nhận thức của học sinh, luôn tạo sự thoải mái, nhẹ nhàng để các em thực sự cảm nhận được “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Chặng đường dạy học cô đã nhiều lần được công nhận giáo viên dạy giỏi, 25 lần được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 03 lần được tằng Bằng khen của UBND tỉnh Trà Vinh, 02 lần được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; Năm 2011 được Thủ tướng tặng Bằng khen; Năm 2012 vinh dự và tự hào hơn nữa khi cô giáo được Chủ tịch nước phòng tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

 

 GS. TS Lê Kim Hùng. Ảnh: VA

GS.TS Lê Kim Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Đà Nẵng) – Quyết tâm thực hiện đổi mới đến cùng

Năm 2010, ngay khi được giao trọng trách là Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), GS Lê Kim Hùng đã dồn nhiều tâm huyết chỉ đạo xây dựng lại chương trình đào tạo các ngành theo hướng tăng cường vai trò tự học của sinh viên, phát huy năng lực sinh viên, đáp ứng hơn nữa nhu cầu xã hội. Chỉ sau 2 năm, chương trình mới đã chính thức được đưa vào giảng dạy.

Trên cơ sở các chương trình đào tạo này, đề cương chi tiết học phần được cập nhật, điều chỉnh sát hơn với chuẩn đầu ra của ngành đào tạo, chuẩn đầu ra học phần. Cùng với đó, nhà trường cũng tiến hành xây dựng lại và ban hành quy định về biên soạn giáo trình, tuyển chọn giáo trình. Thông tin về giáo trình được hệ thống hóa, cập nhật vào hệ thống quản lý chung của trường.

“Hiện nay, chương trình này đã phát huy rất tốt hiệu quả và được các trường đến tham quan học tập" - GS Lê Kim Hùng tự hào chia sẻ. GS cho biết thêm: Khi tham gia dự án HEEAP (Chương trình Hợp tác Giáo dục Đại học ngành Kỹ thuật), Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã cử 40 giảng viên và cán bộ quản lý tham gia các khóa bồi dưỡng trong nước và tại Đại học Arizona State, Hoa Kỳ về kỹ năng xây dựng bài giảng, ứng dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, đánh giá sinh viên, phát triển chương trình đào tạo.

Trường cũng quyết liệt yêu cầu giảng viên và cán bộ quản lý vận dụng kiến thức, kinh nghiệm học hỏi được từ dự án này trong công tác giảng dạy và quản lý của mình, tạo được hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong tất cả các đơn vị trong trường...

"Trong năm học này, tôi cùng các đồng nghiệp đã bàn bạc cùng với Trường ĐH Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thực hiện dự án đổi mới việc hướng dẫn và đánh giá sinh viên làm Đồ án tốt nghiệp “Capstone Projects” với sự tài trợ của Hội đồng Anh nhằm cải tiến quá trình hướng dẫn và đánh giá đồ án tốt nghiệp.

Việc làm này sẽ giúp nâng cao chất lượng đồ án, gắn kết nội dung đồ án với thực tế của doanh nghiệp, nâng cao năng lực của sinh viên đáp ứng với yêu cầu thị trường nhân lực quốc tế" - GS Lê Kim Hùng chia sẻ.

Dấu ấn thực sự và cống hiến của GS Lê Kim Hùng lại nằm nhiều ở các sản phẩm nghiên cứu khoa học. Đến nay, giáo sư đã có 75 bài báo bài báo và thực hiện 7 đề tài nghiên cứu khoa học. Riêng từ năm 2007 đến nay, con số bài báo mà giáo sư thực hiện lên tới 52 bài, trong đó có 10 bài tạp chí, Hội nghị quốc tế.

Đó cũng là thời gian giáo sư đồng thời chủ trì 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ. Các đề tài nghiên cứu đó hầu hết được tham khảo, triển khai ứng dụng trong đào tạo hoặc công tác quản lý và kinh doanh tại các đơn vị điện lực khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Trong quá trình công tác, với nhiều thành tích xuất sắc đã đạt được, GS Lê Kim Hùng liên tục Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Huân chương Lao động hạng Ba; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục…/.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực