"Những năm tới Hà Nội sẽ không thiếu trường học"

Thứ bảy, 12/10/2013 18:37

 

 Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội
Phạm Thị Hồng Nga. Ảnh: VA

(ĐCSVN) - Đó là lời khẳng định của Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xung quanh vấn đề thiếu quỹ đất dành cho phát triển giáo dục.

Phóng viên (PV): Dư luận cho rằng hầu hết các quận nội thành thiếu trường học ở các cấp học dẫn đến tình trạng nhiều lớp học quá tải học sinh, ý kiến của bà thế nào trước vấn đề này?

Bà Phạm Thị Hồng Nga: Năm học mới này, trên địa bàn TP Hà Nội cơ bản đảm bảo tốt chỗ học tập. Tôi khẳng định hiện nay, toàn TP có hơn 2.500 trường học các cấp nhưng chỉ có cá biệt các lớp có sĩ số trên 60 học sinh, không phải là tất cả, thậm chí trong một trường cũng chỉ có 1-2 lớp. Thực tế thiếu trường lớp chỉ là cục bộ theo quy hoạch mạng lưới trường học.

Chẳng hạn, đặc điểm như quận Hoàn Kiếm có diện tích 4,5 km2, phường này sát vách với phường kia đi có mấy bước chân là đến, vậy chỉ cần có 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học là đáp ứng được yêu cầu của cả 2 phường. Còn thiếu cục bộ ở đây đó là những trường điểm, nhiều phụ huynh “nhao” vào thậm chí trái tuyến rất nhiều như trường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), trường Kim Đồng (quận Ba Đình) nhưng cũng chỉ xảy ra ở một vài lớp. Hay như ở phường Ngã Tư Sở, phường Phương Mai (quận Đống Đa) thiếu 2 trường mầm non thì cũng đã tiến hành xây dựng rồi. Dù vậy, trước đó trên những địa bàn chưa có trường mầm non thì cũng đã được phân tuyến một cách hợp lý để đảm bảo đủ chỗ học cho các cháu. Nếu việc xây trường lớp không bám vào mạng lưới quy hoạch chỉ chạy theo dư luận là không tốt, sẽ xảy ra thừa trường lớp, gây lãng phí cho nhân dân và xã hội.

Tôi có thể nói thêm rằng, theo đúng quyết định xã hội hóa của Chính phủ thì chủ trương 80% số trường mầm non là ngoài công lập, 20% là công lập. Nhưng Hà Nội đã làm ngược lại khi có tới 85% số trường mầm non là công lập với suy nghĩ kinh tế còn khó khăn, người dân đều muốn được vào các trường công để chăm nuôi tốt. Cho nên, theo quy hoạch mạng lưới trường của Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 thì 80% số trẻ em vẫn học trường công lập, trong khi hiện nay Hà Nội đã là 85%, như vậy là đáp ứng quá tốt.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn lại, ở các nước phát triển hiện nay người ta đều cân đối trường công lập và dân lập tương xứng, bởi vì như vậy sẽ làm cho đối trọng của các trường công lập phát triển tốt, khi đó nhà nước và nhân dân cùng làm, giáo dục cũng có một phần xã hội hóa, để những trường ngoài công lập phát triển nhanh và vững chắc, bớt gánh nặng cho nhà nước. Tuy nhiên đối với Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội vẫn quyết định 80% số trường mầm non là công lập.

PV: Vì sao lại có tình trạng thiếu trường, lớp học cục bộ như vậy, thưa bà?

Bà Phạm Thị Hồng Nga: Chủ trương của ngành giáo dục là giảm dần sĩ số từng lớp học, bình quân học sinh tiểu học ở Hà Nội hiện nay là 39,5 học sinh/lớp. Do những năm vừa qua, việc nhập cư vào Hà Nội quá dễ dàng khiến Hà Nội trở nên quá tải. Một năm bình quân các cháu mầm non vào lớp 1 tăng từ 17-28 nghìn trẻ, cá biệt có năm tăng 35 nghìn trẻ. Chưa kể khu đô thị mọc lên quá nhanh khiến nhiều trường học chưa xây kịp nhưng để đảm bảo ai cũng được đi học thì khi phân tuyến sẽ dẫn đến cục bộ một số nơi đông lên một chút nhưng không phải tất cả.

Như vừa rồi, tuyển sinh lớp vào 1 lứa “heo vàng” ở Hà Nội không có sự ồn ào. Cấp tiểu học năm nay có 88 nghìn em “ra trường”, tương đương 88 nghìn em vào lớp 1 là đủ, nhưng năm học này có tới 129 nghìn em vào lớp 1, tức là sẽ dôi ra 41 nghìn chỗ học. Thế nhưng tuyển sinh lớp 1 Hà Nội vẫn yên ắng, do trước đó làm tốt công tác dự báo, đáp ứng kịp thời. Đấy là một nỗ lực của Hà Nội.

Việc xây dựng trường lớp phải bám vào mạng lưới trường lớp trên địa bàn Thủ đô. Theo quy hoạch mạng lưới này thì cứ mỗi một phường, một khu đô thị thì có ít nhất một đến hai trường mầm non công lập; một đến hai trường tiểu học công lập; một đến hai trường THCS. Nếu mình lập tức xây một loạt trường công thì về sau liệu có học sinh vào lớp nữa không.

Mặc dù chỉ là thiếu cục bộ, nhưng ngành giáo dục vẫn đang nỗ lực hết sức, không thể cùng một lúc có thể có trường ngay, nên trong một vài năm có sĩ số lớp học cao một chút nhưng dần dần sĩ số lớp học đang giảm dần. Hiện nay các quận, huyện đang tiếp tục khảo sát nhu cầu đi học và có dự kiến. Nếu chỗ nào có đất, thì tất cả các số đất không sử dụng sẽ thu hồi lại để ưu tiên xây trường, để đảm bảo quy hoạch trường lớp. Những nơi không còn quỹ đất như các quận nội thành “lõi” thì sẽ cho phép nâng tầng, nhưng đảm bảo an toàn cho trẻ, bố trí học sinh học ở các tầng thấp, cán bộ giáo viên làm việc tại tầng cao. Ví dụ như trường mầm non Hoa Sen ở quận Hoàn Kiếm 5 tầng, nhưng đó là một ngôi trường khá bề thế.

PV: Vậy còn quỹ đất dành cho các trường ngoài công lập, các khu đô thị mới, TP Hà Nội có sự quan tâm như thế nào, thưa bà?

Bà Phạm Thị Hồng Nga: Hiện nay, đối với các trường ngoài công lập thì chính sách Hà Nội là ưu tiên hàng đầu bằng việc ưu tiên quỹ đất sạch và giảm thuế trong năm đầu tiên, để làm sao tạo được đối trọng giữa trường công và trường tư thục, vì ngân sách thành phố không thể gánh hết được, mà làm như vậy thì trường công lập giảm chất lượng nhanh chóng. Hơn nữa còn phải đảm bảo chủ trương của Đảng và Nhà nước xã hội hóa giáo dục. Mặt khác ưu tiên xây dựng các trường tư thục chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của bộ phận phụ huynh có điều kiện muốn con em được hưởng nhu cầu cao về giáo dục như ở trường có ký túc xá, lớp học có điều hòa, được học ở những phòng có sàn gỗ, có bảng tương tác…

Còn đối với các trường học ở các khu đô thị mới thì hiện nay không còn thiếu nữa. Cách đây một vài năm thì tình trạng này có xảy ra. Sau khi dư luận và cử tri phản ánh thì lập tức Hà Nội đã thành lập các đoàn kiểm tra trong đó Sở GD&ĐT Hà Nội là một trong những thành phần của Đoàn. Đoàn kiểm tra cách đây 3 năm đã đi đến tất cả các khu đô thị mới lúc đó dự án Hà Nội có khoảng 143 khu đô thị mới nhưng chỉ có 10 khu đô thị xây xong thì cả 10 khu đó bắt đầu xây trường học. Đoàn kiểm tra cũng yêu cầu tất cả quỹ đất xây trường trong khu đô thị thì phải bàn giao cho quận, huyện đó để họ làm chủ đầu tư xây trường học với thời điểm nhanh nhất, chứ không cho chủ dự án đứng ra xây. Mà tất cả các trường này đều là trường công lập chứ không phải trường ngoài công lập để các cháu ở khu đô thị cũng được thụ hưởng như các cháu bên ngoài, đó là tỷ lệ học công lập tương xứng với mạng lưới quy hoạch trường lớp của thành phố. Cho đến thời điểm này nhiều trường học đã được khánh thành và đạt chuẩn quốc gia. Vừa rồi, Sở GD&ĐT Hà Nội đã đi kiểm tra một loạt khu đô thị mới như: Khu đô thị Xa La, Khu đô thị Văn Quán của Hà Đông, Khu đô thị Văn Phú đều có các trường đạt chuẩn quốc gia đồng thời trong khu đô thị đó ngoài những trường công lập theo quy hoạch thì sẽ khuyến khích xây dựng các trường ngoài công lập để tạo đối trọng với trường công, và có thể cạnh tranh bình đẳng.

PV: Với sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành TP Hà Nội trong việc dành quỹ đất ưu tiên xây trường học thì có thể khẳng định đến bao giờ Hà Nội hết tình trạng thiếu trường, lớp học, thưa bà?

Bà Phạm Thị Hồng Nga: Trong những năm vừa qua lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo hết sức quyết liệt, hàng tháng luôn giao ban về những vấn đề thiếu trường lớp, với những quận, huyện thiếu trường lớp học, quyết liệt chỉ đạo xây dựng trường học bằng được. Hiện nay, về cơ bản TP Hà Nội đủ chỗ học, nhưng tùy từng quận, huyện có những nơi như quận Đống Đa thì thiếu trường mầm non, Hai Bà Trưng thì thiếu trường tiểu học, THCS, nhưng vì được chỉ đạo quyết liệt thì 2 quận này sắp tới sẽ không còn thiếu nữa. Với tốc độ xây trường học và quan tâm đến trường lớp của TP Hà Nội hiện nay thì có thể khẳng định trong những năm tới Hà Nội sẽ không còn tình trạng thiếu trường lớp.

Có thể thấy, trong khi nhiều tỉnh, thành tiểu học chỉ được học 1 buổi/ngày, nhưng ở Hà Nội 96% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Đó là cố gắng rất lớn của Hà Nội khi mà quỹ đất thì hạn hẹp, dân nhập cư đông. Hiện chỉ còn 1, 2 trường nội thành trong số 470 trường tiểu học còn tình trạng học luân phiên. Như vậy có thể thấy Hà Nội đã đáp ứng đến mức cao nhất, với 1, 2 trường chưa đủ chỗ học 2 buổi/ngày, trường đã bố trí học luân phiên và đây là điều có thể chấp nhận được vì trường cũng đã làm hết sức rồi.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực