Nội dung thi vẫn còn khá nặng nề

Thứ sáu, 15/08/2014 19:49

(ĐCSVN) - Tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2014, diễn ra ngày 15/8, đại diện lãnh đạo các trường ĐH, CĐ đã thảo luận, tập trung phân tích chủ yếu vào công tác đổi mới tuyển sinh, mà trọng tâm là góp ý vào Dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

 

 PGS.TS Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: VA

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội: Cả 3 phương án, nội dung thi vẫn còn khá nặng nề

Theo tôi, định hướng một kỳ thi tích hợp, cũng như chủ trương chỉ xét tuyển vào ĐH, CĐ dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia là một định hướng đổi mới quan trọng, có thể làm thay đổi công tác tuyển sinh trong thời gian tới. Vấn đề đặt ra là, nội dung kỳ thi với nhiều mục đích sẽ như thế nào? Cách thức tổ chức thi ra sao?

Với 3 phương án Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra, chúng tôi thấy rằng, về căn bản không khác nhau nhiều. Cả 3 phương án, nội dung thi của thí sinh vẫn còn khá nặng nề. Để giảm tiện cho công tác tổ chức thi cũng như là kết quả đó có nhiều trường ĐH sử dụng, nhiều lĩnh vực, nhiều chuyên ngành khác nhau có thể sử dụng được, thì chúng tôi đề xuất phương án nên tổ chức 2 khối kiến thức thuộc Toán và Ngữ văn. Bất cứ trường ĐH nào cũng có thể sử dụng kết quả một cách thuận lợi. Riêng môn thứ 3 Ngoại ngữ có thể đa dạng hóa hình thức thực hiện. Nếu thi ngay trên phạm vi toàn quốc sẽ gặp nhiều khó khăn khi triển khai, nên thi theo hình thức đa dạng, nhiều đợt và có tính đến yếu tố vùng, miền.

Việc hướng đến kỳ thi tích hợp, nhưng tiến hành thi tại các địa phương thì đây là vấn đề đặt ra nhiều băn khoăn. Các trường ĐH công nhận kết quả đó như thế nào? Có hoàn toàn yên tâm khi sử dụng kết quả đó cho việc xét tuyển đầu vào hay không? Đó là vấn đề lớn đang đặt ra, và chắc chắn rằng, sẽ rất nhiều trường ĐH phải tiếp tục tiến hành đánh giá riêng để yên tâm chất lượng và phù hợp với ngành nghề đào tạo. Cho nên, trong thực tế, rất nhiều trường ĐH sẽ tổ chức thêm kỳ thi nữa. Vậy với lý do đó, thì kỳ thi nhằm hai mục đích có khả thi và có diễn ra trong thực tế hay không?

Phía ĐH Quốc gia Hà Nội có đề xuất, tương lai trong một vài năm sẽ hướng tới môn Ngữ Văn và Toán tích hợp thành một bài thi và có thể khai thác việc thi qua hệ thống máy tính để đảm bảo khách quan, trung thực mà có đủ độ tin cậy cao nhất.

 

 TS Phan Huy Phú. Ảnh: VA

TS Phan Huy Phú – Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long: Các trường ĐH, CĐ đảm nhận coi thi và chấm thi mà không phải là các địa phương

Hiện nay và trong vài năm tới, các trường ĐH, CĐ chưa thực sự tin tưởng vào kết quả của kỳ thi THPT tổ chức ở các địa phương, dù Bộ GD&ĐT có huy động lực lượng từ các trường ĐH tham gia trông thi. Đây là một thực tế nhiều người thừa nhận, dù có thể chưa thống nhất ý kiến về nguyên nhân.

Phương án tổ chức thi, chúng tôi đề xuất về cơ bản giống như phương án Bộ GD&ĐT đưa ra như: Đề thi chung, kết quả thi vừa sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa sử dụng để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Điểm khác biệt cơ bản nằm ở chỗ: Các trường ĐH, CĐ đảm nhận coi thi và chấm thi mà không phải là các tỉnh.

Cụ thể, giao nhiệm vụ trông thi và chấm thi cho các trường ĐH, CĐ (như trước đây vẫn làm), sẽ làm cho các trường yên tâm để tuyển chọn chính xác “đầu vào” theo tiêu chí riêng của mỗi trường trong khuôn khổ nguyện vọng của thí sinh. Đổi lại, một số thí sinh sẽ vất vả hơn so với việc thi ở địa phương. Nhưng nếu so với những năm vừa qua, thì thí sinh sẽ đỡ vất vả hơn nhiều vì chỉ phải thi một đợt (trước đây có thí sinh phải thi đến 4 đợt: thi tốt nghiệp, 2 đợt thi ĐH, 1 đợt thi CĐ). Để giảm bớt khó khăn cho thí sinh ở các vùng xa, Bộ GD&ĐT có thể tổ chức thêm một số cụm thi như kiểu các cụm Hải Phòng, Vinh, Quy Nhơn… của những năm qua.

Sẽ có một khác biệt nhỏ về mặt kỹ thuật so với phương án của Bộ GD&ĐT đưa ra, đó là thí sinh phải đăng ký nguyện vọng vào ĐH, CĐ trước kỳ thi. Trên cơ sở có thông tin của các trường, điều kiện và mong muốn của bản thân, mỗi thí sinh sẽ đăng ký nguyện vọng vào các trường. Thí sinh có thể có nhiều nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên, cũng có thể không có nguyện vọng vào trường ĐH, CĐ nào. Thí sinh sẽ dự thi theo trường mà thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 với các môn thi theo yêu cầu của tất cả các trường mà thí sinh có nguyện vọng. Thí sinh chỉ thi tốt nghiệp mà không có nguyện vọng vào các trường ĐH, CĐ sẽ thi tại địa phương.

 
 PGS. TS Đặng Kim Vui. Ảnh: V.A
PGS.TS Đặng Kim Vui – Giám đốc ĐH Thái Nguyên: Đủ năng lực để thực hiện kỳ thi quốc gia ngay trong năm 2015

Là một trong những trung tâm tổ chức thi ĐH nhiều năm, với số lượng 60.000 – 70.000 thí sinh tham gia, chúng tôi thấy rằng, đổi mới hai kỳ thi thành một kỳ thi quốc gia là hợp lý.

Tuy nhiên, cần có lộ trình chuyển đổi phù hợp. Ví dụ, như năm 2014, Bộ GD&ĐT cho nhiều trường tự chủ có đề án tuyển sinh riêng, chúng tôi cũng làm thí điểm chứ chưa làm đại trà được. Tuy vậy, vẫn phải dựa vào kết quả thi 3 chung mà Bộ GD&ĐT tổ chức và chúng tôi làm hết sức nghiêm túc. Tuy nhiên, việc tổ chức hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh gần nhau, mặc dù đã có nhiều đổi mới, không căng thẳng nữa, nhưng vẫn còn tốn kém. Việc chuyển thành một kỳ thi quốc gia là hoàn toàn đúng đắn và chúng ta cần phấn đấu thực hiện, đủ năng lực để thực hiện ngay trong năm 2015.

Phương án 2 phù hợp để có thể kết hợp xét tốt nghiệp và lựa chọn thí sinh phù hợp với yêu cầu kiến thức cơ bản và một số yêu cầu tuyển sinh vào các ngành ĐH đặc thù. Chúng ta cần có đội ngũ chuyên gia, tổ chức hội nghị để xây dựng quy chế và xây dựng cách thức làm, trong đó, cấu trúc đề thi là rất quan trọng. Kỳ thi chắc chắn có phần kiểm tra kiến thức để xem xét tốt nghiệp phổ thông cho học sinh, phần này nên làm nhẹ nhàng giống như năm 2014. Phần 2, thiết kế đề thi để đảm bảo phân hóa để các em trung bình khá, khá và giỏi để các trường ĐH có thể chọn. Đề thi ĐH năm nay đã làm rất tốt điều này...

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực