Thay đổi nội dung cách thức ra đề thi theo hướng mở

Thứ năm, 05/12/2013 15:11

(ĐCSVN) - Trong Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thì đổi mới kiểm tra, đánh giá, thi cử được xem là khâu đột phá. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả trong thực tiễn, góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cho đất nước, có rất nhiều vấn đề đặt ra. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển vừa có buổi đối thoại trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ để làm rõ thêm vấn đề này.

 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển. Ảnh:V.A


Trả lời cho câu hỏi nghi ngại về việc giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học sẽ nảy sinh tiêu cực, mua điểm, cộng điểm, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Việc giao tự chủ tuyển sinh cho các trường được quy định trong Luật Giáo dục Đại học. Nếu các trường có phương án tuyển sinh đảm bảo tính khách quan, công bằng, khoa học… Bộ GD&ĐT sẽ xem xét, đủ điều kiện sẽ giao các trường tuyển sinh. Những trường nào chưa đủ điều kiện thì tiếp tục chuẩn bị.

Việc lựa chọn chủ động tổ chức thi riêng hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước hết, các trường đại học phải đảm bảo chất lượng đào tạo, sau đó là các yếu tố khác, như: Khả năng trường có thể chủ động tuyển sinh riêng được hay không; có gây tốn kém quá cho nhà trường không; hay còn có các giải pháp khác hiệu quả hơn… Vậy nên các trường còn phải cân nhắc nhiều việc, vừa nghiêm túc, vừa đạt được các điều kiện.

Đề cập đến việc bồi dưỡng, tập huấn để nắm được tinh thần, cách thức triển khai trong thay đổi kiểm tra, đánh giá cho đội ngũ giáo viên, Thứ trưởng cho biết Bộ GD&ĐT đã tiến hành việc này vài năm nay. Trước hết, thay đổi nội dung cách thức ra đề thi theo hướng mở, vận dụng sáng tạo và xây dựng được ma trận đề thi để bao quát được chương trình học và đánh giá được mức độ của học sinh, từ mức độ nhớ, mức độ hiểu, mức độ vận dụng, sáng tạo của học sinh như thế nào, ta đã làm và có được thành công bước đầu. Tham gia vào kỳ thi PISA (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế), ngành Giáo dục đã học được kinh nghiệm quốc tế trong ra đề thi.

Trong thực tiễn, tại nhiều trường học và các kỳ thi tuyển chọn đã đổi mới cách ra đề thi với những đề Văn mở, bay bổng, sáng tạo. Có những đề thi không chỉ là đề Văn mà còn giáo dục đạo đức, kỹ năng sống… Như vậy đề thi mở có nhiều tác dụng khác nhau. Ngành giáo dục không đánh giá vào kết quả cuối cùng có đúng hay không mà đánh giá vào quá trình đi đến kết quả như thế nào, logic, lập luận, năng lực của học sinh ra sao. Và việc chấm đề mở của giáo viên cũng theo hướng như vậy.

Thứ trưởng cho biết thêm, chương trình đào tạo trường sư phạm cũng cần đổi mới để phù hợp, trước hết là tăng thời lượng, tiếp đó cần đổi mới quan niệm, phương pháp, cách xử lý, kỹ thuật kiểm tra đánh giá… Chính các trường sư phạm đã nhìn ra nhu cầu này và đang đổi mới tại chính các trường sư phạm nói chung cũng như đổi mới môn học kiểm tra, đánh giá nói riêng.

Trả lời thắc mắc, đổi mới thi cử ảnh hưởng thế nào đến nghề nghiệp của học sinh? Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định đổi mới thi cử phù hợp với đổi mới chương trình giáo dục phổ thông nói chung. Trong chương trình giáo dục phổ thông sắp tới, sẽ có những yêu cầu rất cao về định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Thể hiện ở việc có những bộ môn, có những chuyên đề mà học sinh được tự chọn theo sở thích, mong muốn của mình, hướng tới nghề nghiệp của mình trong tương lai. Sẽ có những phần đánh giá những nội dung đó để thấy rằng học sinh có phù hợp, có đáp ứng được yêu cầu của đào tạo tiếp theo cho ngành nghề mà mình theo hay không. Mặt khác, đổi mới không chỉ ở việc kiểm tra học thuộc, mà còn kiểm tra năng lực vận dụng kiến thức của học sinh, phục vụ cho việc hướng nghiệp cho các em sau này.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực