Ngày 7/4/1960, Ban Bí thư khoá II đã ban hành Chỉ thị số 203-CT/TW về nhiệm vụ phát triển giáo dục bổ túc văn hóa và phổ thông năm học 1960-1961. Sau đây là toàn văn Chỉ thị:
I
1. Năm 1959 đã đánh dấu một bước phát triển nhanh chóng của ngành giáo dục. Hiện nay số học sinh phổ thông và vỡ lòng lên tới 2.400.000, chiếm 16% dân số. Số học sinh và số trường lớp phổ thông ở miền núi đã phát triển theo một tốc độ trước đây chưa từng có. Phong trào bổ túc văn hóa được các ngành, các cấp uỷ chú ý đẩy mạnh từ nửa năm 1959, nay đang có dấu hiệu trở thành phong trào quần chúng rộng rãi. Các loại trường tập trung bổ túc văn hóa cho cán bộ xã, huyện, tỉnh, các trường bổ túc văn hóa công nông được mở rộng ở nhiều nơi.
Đó là những thành tích to lớn của ngành giáo dục. Được như thế là nhờ có sự lãnh đạo của các cấp uỷ ngày càng chặt chẽ hơn, nhờ nhiệt tình cách mạng của đông đảo cán bộ giáo dục ngày càng được phát huy, nhờ mức sống của nhân dân ngày được cải thiện và yêu cầu học tập ngày thêm nhiều. Những thành tích đó chứng minh rằng phương hướng phát triển bổ túc văn hóa và giáo dục phổ thông trong năm qua là đúng đắn.
2. Trong bước tiến nhanh của ngành giáo dục, cũng đã có một số khuyết điểm và nhược điểm:
Đối với bổ túc văn hóa, chưa thật sự tập trung lực lượng phục vụ cho các đối tượng chính theo tinh thần Nghị quyết 93-NQ/TW. Còn có nhiều cán bộ lãnh đạo ở xã, huyện, tỉnh và cơ quan Trung ương chưa tham gia học tập văn hóa. Chương trình và tài liệu giáo khoa, tuy đã cố gắng giải quyết, nhưng vẫn chưa kịp với yêu cầu và chưa thật sát với từng đối tượng. Hàng ngũ cán bộ bổ túc văn hóa, tuy đã tăng khá nhiều, nhưng nếu nhìn về hướng của phong trào đang phát triển mạnh, thì sẽ thiếu thốn nghiêm trọng.
Đối với ngành giáo dục phổ thông cấp I và cấp II đã phát triển quá khả năng cung cấp giáo viên và xây dựng trường lớp, còn cấp III thì chưa được phát triển kịp để cung cấp học sinh cho nhu cầu của các ngành. Như vậy là việc phát triển ngành giáo dục phổ thông đã thiếu sự chỉ đạo về phương hướng cụ thể, thiếu tính toán và chuẩn bị cho yêu cầu trước mắt và lâu dài. Chất lượng của ngành giáo dục phổ thông không được chú ý đúng mức, thậm chí có một số địa phương, vì muốn tăng số lượng học sinh, mà đã hạ thấp các tiêu chuẩn của nhà trường một cách quá đáng. Cần phải nghiên cứu để giải quyết thỏa đáng vấn đề số lượng và chất lượng, vấn đề phổ cập và đề cao. Các loại trường vừa học vừa làm, vừa phổ thông, vừa chức nghiệp đã được đề ra trong năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa có phương hướng cụ thể. Thiếu sót đó ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp giáo dục chung.
II
Nhiệm vụ hiện nay của giáo dục trước hết là phục vụ cho việc bồi dưỡng và đào tạo cán bộ, và tạo điều kiện cho phong trào cách mạng của quần chúng lao động tiến quân vào khoa học và kỹ thuật, đồng thời nâng cao dần trình độ văn hóa của thanh niên, thiếu nhi.
Phương hướng phát triển của ngành giáo dục trong năm 1960 và trong năm học 1960-1961 là: "Chú trọng đẩy mạnh bổ túc văn hóa là nhiệm vụ hàng đầu, phát triển giáo dục phổ thông trọng tâm là cấp III và cấp II. Phát triển số lượng phải đi đôi với bảo đảm chất lượng, phải có trọng điểm, có kế hoạch, có lãnh đạo vững chắc".
Tiếp theo các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 14 và 16, tiếp theo các chỉ thị gần đây của Trung ương về công tác giáo dục, Ban Bí thư đề ra một số phương hướng và biện pháp cụ thể sau đây:
1. Trong việc đẩy mạnh bổ túc văn hóa, phải đặc biệt chú trọng làm tốt việc bổ túc văn hóa cho cán bộ các ngành, các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ xã đến trung ương, thứ đến là phải chú trọng các đảng viên và đoàn viên thanh niên trong công nhân, nông dân đang trực tiếp sản xuất trong các xí nghiệp, công trường, nông trường và các hợp tác xã. Để làm tốt công tác này, cần phải quy định một chế độ học tập thích đáng; đối với cán bộ, tạm thời quy định mỗi tuần là hai buổi (2 buổi tối) học tập văn hóa; cần phải nghiên cứu hình thức tổ chức học tập cho thích hợp với hoàn cảnh công tác của cán bộ và sản xuất của nhân dân, kết hợp hình thức học tập trung và học tại chức; đối với loại cán bộ mà hoàn cảnh không cho phép học tại chức, thì kiên quyết đưa đi học các lớp tập trung; cần xúc tiến khẩn trương việc biên soạn các chương trình cho thích hợp với từng đối tượng, kịp thời biên soạn các sách giáo khoa. Đối với các lớp bổ túc văn hóa tập trung cho cán bộ và công nông, cần kiên quyết điều động một số giáo viên tốt, có kinh nghiệm đến giảng dạy, và dần dần rút kinh nghiệm về phương pháp giảng dạy cho người lớn; một mặt khác, để việc bổ túc văn hóa cho cán bộ thêm kết quả, bảo đảm chất lượng, cũng cần dành một phần thích đáng về thiết bị thí nghiệm và giáo cụ trực quan khác cho các lớp đó. Phong trào bổ túc văn hóa có triển vọng phát triển rộng lớn, nhanh chóng. Nhưng yêu cầu về cán bộ giảng dạy và tài liệu học tập sẽ trở nên to lớn, phải nghiên cứu và chuẩn bị ngay từ bây giờ những điều kiện và biện pháp để đáp ứng kịp thời với yêu cầu đó.
2. Trong việc phát triển ngành giáo dục phổ thông, phải coi trọng cả số lượng và chất lượng. Có như thế mới phù hợp với yêu cầu của cách mạng. Trọng tâm phát triển giáo dục phổ thông trong năm nay và mấy năm sau nữa là cấp III và lớp 7. Để bảo đảm chất lượng nhà trường, cần phải quy định những tiêu chuẩn tối thiểu về giáo viên và trường sở. Ví dụ trong năm 1960-1961, phải cố gắng chuẩn bị đầy đủ lớp học và bàn ghế cho học sinh. Để mở thêm các lớp cấp I, phải có những giáo viên là học sinh có trình độ lớp 7, hoặc cán bộ có trình độ lớp 5, 6 và phải trải qua một lớp huấn luyện ít nhất là 6 tháng; để mở thêm những lớp cấp II, phải có những giáo viên tốt nghiệp trường sư phạm cấp II; để mở thêm những lớp cấp III, phải có những giáo viên tốt nghiệp Đại học sư phạm.
Song song với những trường phổ thông, cần tích cực nghiên cứu mở những trường vừa học văn hóa phổ thông vừa học kỹ thuật sản xuất, nhất là kỹ thuật sản xuất nông nghiệp. Loại trường này nhằm đào tạo những người lao động trẻ tuổi có văn hóa, có kỹ thuật, có sức khỏe. Trên phương hướng đó, chúng ta tiến hành phổ cập kỹ thuật dần dần trong nhân dân ta, đồng thời tạo thêm điều kiện cho con em ta được học tập.
Với hai hình thức nhà trường đó, chúng ta tiến hành phổ cập giáo dục trong thanh niên và thiếu niên. Việc phổ cập giáo dục trong thanh niên và thiếu niên là một yêu cầu bức thiết của nhân dân, cần phải ra sức chuẩn bị lực lượng để đến năm 1962-1963 có thể phổ cập giáo dục cấp I. Trong năm 1960-1961 vì phong trào giáo dục phát triển không đều, vì việc chuẩn bị lực lượng chưa được đầy đủ ở khắp mọi nơi, cho nên những địa phương nào có đủ điều kiện thì thực hiện phổ cập cấp I, địa phương nào chưa đủ điều kiện thì ra sức chuẩn bị lực lượng đầy đủ hơn nữa.
Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất Tổ quốc đòi hỏi ngành giáo dục cung cấp cán bộ làm công tác giáo dục ngày càng nhiều với chất lượng ngày càng cao. Để thực hiện được nhiệm vụ trên, ngành giáo dục phải hết sức coi trọng việc bồi dưỡng cán bộ cũ và đào tạo cán bộ mới.
Bồi dưỡng cho hàng ngũ đông đảo cán bộ hiện có là nội dung chủ yếu của chính sách cán bộ. Việc bồi dưỡng phải nhằm mục đích lâu dài và cụ thể, là nâng trình độ cán bộ giáo dục lên trình độ chính quy. Nội dung bồi dưỡng phải bao gồm cả chính trị, văn hóa và nghiệp vụ. Phải chú trọng việc bồi dưỡng khoa học giáo dục và phương pháp giáo dục; người thày giáo không nắm được nguyên lý cơ bản của khoa học giáo dục, thiếu phương pháp giáo dục, thì sẽ gây những ảnh hưởng tai hại cho lứa tuổi trẻ, sau này rất khó khắc phục.
Để kịp thời đào tạo một đội ngũ cán bộ giáo dục đủ số lượng và chất lượng, ngành giáo dục phải tập trung lực lượng thích đáng để xây dựng một hệ thống trường sư phạm tiến dần lên chính quy. Để phục vụ cho kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, cần có những trường sư phạm cấp I lấy cán bộ và học sinh lớp 7 hoặc tương đương, học 1 năm, trường sư phạm cấp II lấy cán bộ và học sinh lớp 7 hoặc tương đương, học 2 năm và 3 năm; Trường đại học Sư phạm lấy cán bộ và học sinh lớp 10 hoặc tương đương học 2 năm và 4 năm.
Phương hướng duy nhất để ngành giáo dục của ta tiến lên trình độ tiên tiến là phải xây dựng trên một cơ sở khoa học giáo dục tiên tiến, theo nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lênin. Cho nên cần phải tích cực tổ chức nghiên cứu, học tập khoa học giáo dục của các nước xã hội chủ nghĩa, tổ chức đúc kết kinh nghiệm xây dựng ngành giáo dục của ta. Trên cơ sở những bài học thực tế, những lý luận tiên tiến, mà bồi dưỡng và đào tạo cán bộ, và không ngừng phát triển sự nghiệp giáo dục.
Các cấp uỷ của Đảng, nhất là các tỉnh uỷ, các đảng uỷ cơ quan, xí nghiệp, cần nghiên cứu kỹ Chỉ thị này và quan tâm hơn nữa đến công tác giáo dục. Đảng đoàn Bộ Giáo dục cần hướng dẫn cho các cấp uỷ chấp hành tốt Chỉ thị này và chỉ đạo chặt chẽ hơn nữa công tác giáo dục hiện nay ở trung ương và các địa phương.
|
T/M BAN BÍ THƯ
NGUYỄN DUY TRINH |