Chỉ thị của Ban Bí thư khoá II về việc chấn chỉnh công tác giáo dục chính trị trong nhà trường phổ thông (cấp II và cấp III)

Thứ ba, 22/11/2011 08:41

Ngày 30/1/1959, Ban Bí thư khoá II đã ban hành Chỉ thị số 125 CT/TW về việc chấn chỉnh công tác giáo dục chính trị trong nhà trường phổ thông (cấp II và cấp III). Sau đây là toàn văn Chỉ thị:

                                                                I

Trong kháng chiến, tính chất chính trị của nhà trường phổ thông thể hiện khá rõ rệt. Nhất là từ sau cuộc cải cách giáo dục năm 1950, mục tiêu chính trị của nhà trường đã được xác định rõ ràng là đào tạo thanh niên thành những người có văn hoá, yêu nước, yêu lao động để phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến, phục vụ sản xuất. Do đó, nhà trường đã gắn liền với thực tế sản xuất và kháng chiến và nói chung đã đạt được kết quả tốt trong việc giáo dục tư tưởng và tình cảm cho học sinh.

Nhưng sau khi hòa bình được lập lại, trong những năm 1955, 1956, 1957 và nửa đầu năm 1958, nhà trường phổ thông đã không phát huy được truyền thống tốt đẹp đó, đã có xu hướng thoát ly lao động sản xuất và đấu tranh chính trị, cho nên chất lượng chính trị của học sinh nói chung có sút kém. Sở dĩ như thế là vì công tác giáo dục chính trị ở nhà trường phổ thông trong thời gian qua đã mắc phải những khuyết điểm chủ yếu như sau:

1. Chưa nâng cao đúng mức việc giáo dục tư tưởng chính trị trong nhà trường và đã quá thiên về mặt đơn thuần giảng dạy văn hóa

Đó là khuyết điểm bao trùm trong công tác giáo dục chính trị ở nhà trường phổ thông từ khi hòa bình được lập lại đến nay. Trong những năm 1955, 1956, 1957 với những lệch lạc trong tư tưởng chính quy hóa và trong quan điểm làm cho nhà trường phổ thông của ta có đầy đủ những ''tiêu chuẩn quốc tế'', các cơ quan lãnh đạo giáo dục các cấp đã coi nhẹ công tác giáo dục chính trị ở nhà trường, giáo viên chỉ lo việc giảng dạy văn hóa, học sinh chỉ đơn thuần học tập văn hóa, nhà trường đã quá dè dặt trong việc huy động học sinh tham gia lao động, tham gia đấu tranh chính trị trong chừng mực cần thiết. Khuyết điểm này đang bắt đầu được sửa chữa.

2. Còn nặng tính chất giáo điều trong việc giảng dạy chính trị

Nội dung chương trình chính trị còn tách rời thực tiễn, quá nặng về mặt dạy lý luận, mà nhẹ về mặt giáo dục tư tưởng yêu nước xã hội chủ nghĩa và ý thức lao động xã hội chủ nghĩa cho học sinh. Điều đó đã thể hiện rõ trong các sách giáo khoa về chính trị.

Phương pháp giảng dạy chính trị còn nhồi sọ nhiều, chưa chú ý theo dõi tình hình tư tưởng của học sinh và giải quyết thắc mắc cho học sinh. Học sinh cũng học tập chính trị một cách giáo điều, cốt học thuộc lòng để có nhiều điểm.

3. Thiếu một đội ngũ giáo viên chuyên trách giảng dạy chính trị

Tất cả các môn học trong nhà trường đều có giáo viên được đào tạo để chuyên trách; riêng môn chính trị thì thường ai dạy cũng được, rất ít giáo viên được đào tạo để chuyên trách. Việc phân công giảng dạy chính trị thường có tính cách chắp vá, gán ghép, cho nên chất lượng chính trị và thái độ giảng dạy của một số giáo viên chính trị không được tốt.

4. Thiếu tập trung phối hợp trong việc giáo dục tưởng, chính trị cho học sinh

Khuyết điểm này thể hiện ở chỗ thiếu tập trung vào cơ quan lãnh đạo của nhà trường; thiếu phối hợp giữa các môn, giữa các hoạt động của học sinh và giữa các tổ chức cùng có nhiệm vụ giáo dục tư tưởng cho học sinh: giáo dục, tuyên huấn và thanh vận.

Việc giáo dục chính trị trong nhà trường phổ thông còn có nhiều khuyết điểm và chưa đạt được yêu cầu giáo dục tư tưởng cho học sinh là do mấy nguyên nhân chủ yếu sau đây:

- Vì chưa thấu suốt nhiệm vụ của nhà trường phổ thông trong việc giáo dục chính trị, chưa xác định được mục đích, yêu cầu thiết thực và cụ thể cho môn chính trị, chưa thấy rõ vị trí quan trọng của môn chính trị, cho nên các cơ quan lãnh đạo giáo dục các cấp, nhà trường, các giáo viên chính trị và các giáo viên khác, đều coi nhẹ công tác giáo dục chính trị ở nhà trường phổ thông.

- Việc lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với nhà trường chưa được tăng cường. Các cấp ủy địa phương chưa thật sự nắm vững lãnh đạo nhà trường và chưa chú ý lãnh đạo việc giáo dục chính trị trong nhà trường. Bản thân chi bộ nhà trường cũng coi nhẹ công tác đó.

- Ngoài ra, ta phải thấy ảnh hưởng tai hại của bọn Nhân văn- Giai phẩm- Đất mới. Trong những năm 1956, 1957 bọn này đã tiến công chế độ ta và nhà trường của ta, cho nên những nọc độc tư tưởng của chúng đã thâm nhập vào nhà trường, làm cho những tư tưởng xấu của một số giáo viên học sinh trỗi dậy và gây nhiều khó khăn trong việc giáo dục chính trị.

                                                                   II

Căn cứ vào tình hình trên đây và yêu cầu của giai đoạn mới của cách mạng, cần phải chấn chỉnh công tác giáo dục chính trị trong nhà trường phổ thông theo những phương hướng sau đây:

1. Phải thấy rõ vị trí quan trọng môn chính trị trong nhà trường phổ thông

Muốn làm cho nhà trường có chuyển biến tốt về chính trị và học sinh có chuyển biến tốt về tư tưởng thì không thể không đem trường học thực sự gắn liền với thực tiễn sản xuất và đấu tranh, không thể không tăng cường việc giảng dạy chính trị, giảng dạy về thời sự, chính sách, không thể không coi trọng môn chính trị.

Nói thế không có nghĩa là giờ lao động, giờ chính trị sẽ lấn át giờ văn hóa. Chúng ta phải nhận rõ nhà trường đây là nhà trường phổ thông, đối tượng giáo dục đây là học sinh, cho nên đối với học sinh thì học tập văn hóa ở nhà trường vẫn là chính, học chính trị và tham gia lao động cũng là để phục vụ cho việc học văn hóa được tốt, để cho học sinh thấy rõ vì ai mà học, học để làm gì, học như thế nào cho có kết quả tốt. Chúng ta cần phải tránh đi từ cái lệch lạc này sang cái lệch lạc khác: khi thì chỉ chú trọng học tập văn hóa đơn thuần mà sao lãng việc học tập chính trị và tham gia lao động; khi thì vì học tập chính trị và lao động mà không bảo đảm thực hiện chương trình giảng dạy về văn hóa.

Tăng cường giáo dục chính trị có nghĩa là các cấp uỷ đảng và các cấp giáo dục phải coi trọng công tác đó, phải tăng cường lãnh đạo và lãnh đạo tốt công tác đó; các giáo viên chính trị phải thấy rõ trách nhiệm của mình, phải thấy rõ tầm quan trọng và mục đích, yêu cầu của môn mình phụ trách, các giáo viên các bộ môn khác cũng phải cố gắng thể hiện việc giáo dục tư tưởng chính trị trong bộ môn của mình và phải có ý thức phối hợp chặt chẽ với giáo viên chính trị trong việc giáo dục tư tưởng cho học sinh.

2. Phải xác định rõ mục đích yêu cầu thiết thực và cụ thể cho môn chính trị

Xuất phát từ tình hình tư tưởng của học sinh, từ yêu cầu của cách mạng, cần phải xác định mục đích, yêu cầu của môn chính trị trong năm học 1958 - 1959 như sau:

a) Làm cho học sinh phân biệt được ranh giới giữa ta và địch, giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, nhận thức được chỗ khác nhau giữa lao động với bóc lột, giữa chủ nghĩa tập thể với chủ nghĩa cá nhân. Đồng thời, làm cho học sinh biết yêu và ghét một cách đúng đắn, yêu mến Tổ quốc, căm ghét đế quốc xâm lược, yêu mến nhân dân lao động, căm ghét bọn bóc lột ăn bám; yêu mến chủ nghĩa xã hội, căm ghét chủ nghĩa tư bản; yêu mến hòa bình, căm ghét chiến tranh .

b) Nâng cao lòng tin tưởng của học sinh vào tương lai của Tổ quốc, vào tiền đồ của dân tộc, vào thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa; nâng cao lòng tin tưởng ở chế độ ở nhân dân, ở sự lãnh đạo của Đảng, ở phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu; nâng cao tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế vô sản. Đồng thời, bồi dưỡng cho học sinh tinh thần tự giác phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng xã hội chủ nghĩa và kiên quyết đấu tranh nhằm thực hiện thống nhất nước nhà; không những để cho học sinh sau này trở thành người lao động tốt xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà ngay từ bây giờ học sinh phải có ý thức và thái độ học tập đúng đắn, có tinh thần hăng hái tham gia lao động sản xuất và các công tác xã hội.

3. Phải đề ra phương châm và phương pháp giáo dục thích hợp

Để đạt được mục đích yêu cầu trên đây, việc giảng dạy chính trị cần được tiến hành theo những phương châm sau:

a) Lấy học tập chính trị và tham gia lao động sản xuất làm cơ sở để giáo dục tư tưởng cho học sinh.

b) Liên hệ chặt chẽ nội dung giảng dạy và học tập với thực tế xã hội, kết hợp lý luận với thực tiễn.

c) Phê phán mặt tiêu cực, phát huy mặt tích cực, bồi dưỡng những yếu tố tiến bộ, động viên tinh thần tự nguyện tự giác của học sinh.

Về phương pháp giảng dạy cần phân biệt đối tượng học sinh khác với đối tượng cán bộ. Cho nên, cần chú ý thực hiện những điều dưới đây :

a) Giảng ở lớp là chính.

b) Chỉ thảo luận ở lớp khi cần thiết và dưới sự hướng dẫn trực tiếp của giáo viên và chỉ thảo luận ở cấp III.

c) Tổ chức cho học sinh đi tham quan và nghe báo cho tình hình thực tế.

d) Giải đáp thắc mắc và kiểm tra bài học.

4. Phải quy định nội dung chương trình chính trị cho sát

Căn cứ vào yêu cầu của cách mạng hiện nay, để thực hiện mục đích, yêu cầu của môn chính trị đã nêu ra ở trên, cần quy định nội dung giảng dạy chính trị ở các trường phổ thông cấp II và cấp III, riêng cho năm học 1958-1959 là như sau:

1- Tình hình cách mạng việt Nam.

2- Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

3- Cuộc đấu tranh để thực hiện thống nhất nước nhà.

4- Cuộc đấu tranh để bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới.

5- Đảng và Đoàn.

Nội dung trên đây cần phải được giảng dạy một cách đơn giản, dễ hiểu và có mức độ khác nhau đối với các lớp.

Đối với lớp 5, lớp 6 - Học sinh lớp 5 và lớp 6, tuổi còn nhỏ, thường thường chỉ từ 11 đến 13, 14 tuổi, cho nên biện pháp thích hợp với lứa tuổi đó là dùng hình thức nói chuyện một cách dễ hiểu về thời sự, chính sách. Vì là những vấn đề thời sự cho nên không thể quy định một chương trình cụ thể và dứt khoát được, nhưng nội dung những vấn đề ấy vẫn phải nhằm sát vấn đề đã nêu ở trên.

Đối với các lớp 7, 8, 9, 10. - Học sinh các lớp này tương đối đã lớn tuổi hơn, cho nên có thể dùng hình thức giảng bài. Vì thế cần phải quy định một chương trình chính trị cụ thể, dứt khoát và thống nhất cho toàn miền Bắc, kèm theo có một số vấn đề phụ lục cho miền núi và cho thành thị. Tuy chương trình bốn lớp đó giống nhau, nhưng mức độ giảng phải khác nhau, có thể chia làm hai loại: lớp 7 và lớp 8 một loại, lớp 9 và lớp l0 một loại. Loại sau cao hơn loại trước.

III

Để tiến hành tốt việc giáo dục chính trị trong nhà trường phổ thông, cần phải có một số biện pháp cấp bách sau đây:

1. Các cấp uỷ đảng phải

- Tăng cường lãnh đạo nhà trường phổ thông, đặc biệt chú ý lãnh đạo công tác giáo dục chính trị;

- Cử cán bộ tuyên huấn đến báo cáo về thời sự, chính sách cho giáo viên và học sinh các trường cấp II và cấp III, mỗi tháng 1 buổi;

- Chú ý bồi dưỡng cho giáo viên chính trị ở địa phương.

2. Đảng đoàn Bộ Giáo dục phải có một bộ phận phụ trách về công tác giáo dục chính trị ở nhà trường phổ thông để xúc tiến ngay những việc sau đây:

- Xây dựng chương trình chính trị cụ thể cho năm học 1958- 1959

- Đào tạo giáo viên chuyên trách việc giảng dạy chính trị;

- Soạn đề cương và hướng dẫn việc giảng dạy cho tốt;

- Soạn tài liệu học tập cho học sinh;

- Chuẩn bị nghiên cứu chương trình chính trị lâu dài cho những năm tới;

- Nghiên cứu ngay một chế độ nghĩa vụ lao động cho học sinh trường phổ thông từ lớp 7 trở lên.

3. Các cán bộ đang phụ trách giáo dục các cấp phải được phân công để trực tiếp lãnh đạo công tác giáo dục chính trị và chịu trách nhiệm trước Đảng về công tác đó.

4. Các cán bộ đảng phụ trách Đoàn Thanh niên các cấp phải thấy rõ trách nhiệm của mình và có ý thức phối hợp chặt chẽ trong công tác giáo dục chính trị, phải củng cố chi đoàn nhà trường để làm chỗ dựa vững chắc của Đảng trong việc giáo dục tư tưởng chính trị cho học sinh.

Công tác giáo dục chính trị trong nhà trường phổ thông có một tầm quan trọng lớn lao; nó là một bộ phận công tác trong cuộc cách mạng tư tưởng mà hiện nay Đảng đang tiến hành. Mặt khác, nhà trường phổ thông là một lực lượng to lớn, có tổ chức, cho nên Đảng phải chú ý bồi dưỡng lực lượng đó, làm cho thanh niên học sinh trở thành những người lao động yêu nước, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, có văn hóa, có sức khỏe, có đạo đức, những người công dân tốt tích cực xây đựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ Tổ quốc.

Những phương hướng chấn chỉnh công tác giáo dục chính trị nêu ra trên đây thể hiện một bước chuyển biến mới trong công tác giáo dục chính trị trong nhà trường phổ thông. Các cấp uỷ đảng, các cán bộ đảng trong ngành giáo dục và Đoàn Thanh niên phải thấm nhuần ý nghĩa quan trọng của công tác đó và nắm vững phương hướng chấn chỉnh công tác đó để tiến hành tốt việc xây dựng tinh thần yêu nước và ý thức xã hội chủ nghĩa cho học sinh, làm cho tư tưởng và tình cảm của học sinh chuyển biến kịp với đà tiến triển của cách mạng và ăn nhịp với phong trào giáo dục xã hội chủ nghĩa trong toàn dân ta ở miền Bắc hiện nay.

T/M BAN BÍ THƯ

NGUYỄN DUY TRINH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực