Chỉ thị của Ban Bí thư khoá III về chính sách cán bộ miền núi (Trích)

Thứ năm, 01/12/2011 10:22

Ngày 30/1/1975, Ban Bí thư khoá III đã ban hành Chỉ thị số 216 CT/TW về chính sách cán bộ miền núi. Sau đây là trích đoạn một phần nội dung của Chỉ thị:

...

b) Đẩy mạnh bồi dưỡng, đào tạo cán bộ cho miền núi là một việc rất trọng yếu và cấp bách

Đối với cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, phải chú trọng nâng cao trình độ văn hoá, trên cơ sở đó đẩy mạnh giáo dục lý luận, chính trị và kiến thức quản lý kinh tế, kỹ thuật, nghiệp vụ.

Tổ chức tốt việc học tập văn hoá tại chức ở các cơ quan, đặc biệt chú trọng tổ chức việc học cho cán bộ xã, hợp tác xã, với những hình thức thích hợp với điều kiện địa dư miền núi. Xây dựng và củng cố trường phổ thông lao động ở huyện, ở tỉnh; kiên quyết đưa cán bộ đi học theo đúng đối tượng quy định. Phấn đấu trong 5 năm (1976 - 1980), thấp nhất thì số đông cán bộ chủ chốt xã, hợp tác xã vùng cao cũng phải học xong cấp I, vùng thấp có trình độ hết cấp II, còn số đông cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện trở lên học xong lớp 7 và tiếp tục học cao hơn nữa.

Trường Đảng của Trung ương chịu trách nhiệm bồi dưỡng và đào tạo cán bộ lãnh đạo chủ chốt các huyện miền núi. Kiện toàn các trường Đảng Khu Việt Bắc và Khu Tây Bắc để đào tạo, bồi dưỡng các huyện uỷ viên và tương đương. Kiện toàn các trường Đảng tỉnh, huyện, nhất là cần có nội dung, chương trình cho sát trình độ cán bộ và nhiệm vụ chính trị của miền núi.

Các trường quản lý ngành cần đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý cho miền núi, nếu có điều kiện thì mở lớp riêng.

Biên chế của các tỉnh, huyện miền núi được rộng hơn nơi khác để có điều kiện kèm cặp đào tạo và luân phiên đi học.

Chọn lựa số cán bộ, chiến sĩ quân đội chuyển ngành, thanh niên xung phong, công nhân xí nghiệp, lâm trường... là người ở miền núi, đã qua rèn luyện, đưa đi đào tạo ở các trường Đảng và trường quản lý của các ngành.

Đối với số cán bộ khoa học, kỹ thuật hiện đang công tác ở miền núi, các ngành trung ương cần ưu tiên lựa chọn đi học bổ túc, luân huấn, đi tham quan những điển hình tốt... tạo điều kiện cho anh chị em được nâng cao về kiến thức. Đồng thời đẩy mạnh việc đào tạo mới, chú trọng những ngành: lâm nghiệp, cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc lớn, thuỷ lợi, địa chất, sư phạm, y tế, thương nghiệp, công nghiệp, giao thông, xây dựng...

Các bộ có trách nhiệm kiện toàn trường đại học và trường trung cấp ở miền núi về trang bị vật chất kỹ thuật, về chương trình và thầy dạy. Ở những trường này, cần có hệ dự bị. Cần quản lý số học sinh phổ thông cấp II và III, nhất là thuộc dân tộc ít người, tạo mọi điều kiện để thu hút các em vào trường đại học, trung học miền núi đến mức nhiều nhất. Phải có quy chế tuyển sinh riêng đối với các trường miền núi cho thích hợp với nguồn học sinh ở đó. Các trường đại học của trung ương phải chú ý thu hút vào các lớp dự bị số học sinh miền núi có đủ tiêu chuẩn.

giáo dục phổ thông, kiện toàn Trường Bổ túc văn hoá công nông, phát triển Trường Thiếu nhi vùng cao xuống từng khu vực trong từng huyện, các Trường Thanh niên dân tộc vừa học vừa làm ở các huyện và tỉnh; tăng cường cơ sở vật chất của trường và có trợ cấp cần thiết để các em có điều kiện học tập tốt hơn.

Các Ban Tổ chức, Ban Tuyên huấn, Ban Khoa học - Giáo dục, Ban Dân tộc Trung ương cần cùng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục, bàn bạc biện pháp cụ thể, quy định các thủ tục cần thiết để thực hiện chủ trương nói trên.

...

T/M BAN BÍ THƯ

LÊ VĂN LƯƠNG

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực