Ngày 18/5/1965, Ban Bí thư khoá III đã ban hành Chỉ thị số 97-CT/TW về việc đẩy mạnh công tác bổ túc văn hoá. Sau đây là toàn văn Chỉ thị:
Hiện nay, nhân dân cả nước ta đang ở trong tình trạng trực tiếp chiến đấu chống Mỹ xâm lược để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, tiến tới thực hiện thống nhất nước nhà. Nhiệm vụ của nhân dân ta ở miền Bắc trong giai đoạn hiện nay là: vừa đẩy mạnh sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, vừa chiến đấu chống Mỹ, bảo vệ miền Bắc và ra sức chi viện cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam.
Để giành thắng lợi quyết định trong sự nghiệp cách mạng của cả nước, miền Bắc chúng ta phải có một sự cố gắng vượt bậc trong việc đẩy mạnh công cuộc xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội và tăng cường quốc phòng. Việc tiếp tục xây dựng và phát triển nền kinh tế xã hội chủ nghĩa và tăng cường lực lượng quốc phòng phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới đòi hỏi chúng ta phải ra sức phấn đấu để không ngừng tăng năng suất lao động, phải tích cực xây dựng có trọng điểm cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, và củng cố vững chắc quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Cuộc cách mạng kỹ thuật - then chốt của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc - trong tình hình hiện nay lại càng hết sức cấp thiết.
Trong việc đẩy mạnh toàn bộ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc theo yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới, công tác bổ túc văn hoá phải được đặt ra cấp thiết hơn trước và phải bước vào một thời kỳ phát triển mới. Trên miền Bắc, toàn dân được huy động thành một lực lượng sản xuất và chiến đấu hùng hậu, đang đòi hỏi phải có một trình độ văn hoá cao hơn để nhanh chóng tiếp thu được kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý cũng như những hiểu biết cần thiết về chiến tranh nhân dân và quốc phòng toàn dân. Trong 5 năm tới, phải có hàng triệu người nắm được kỹ thuật sơ cấp, hàng chục vạn người có trình độ kỹ thuật trung cấp và mấy vạn người có trình độ kỹ thuật cao cấp. Việc đào tạo và bồi dưỡng công nhân lành nghề và nông dân xã viên có kỹ thuật cần được mở rộng trên quy mô lớn, đồng thời còn phải bồi dưỡng đông đảo thanh niên và học sinh học xong cấp I và cấp II phổ thông trở thành lực lượng xung kích trên mặt trận sản xuất và chiến đấu, lực lượng dự trữ cho sự nghiệp đào tạo cán bộ sau này. Yêu cầu nâng cao ý chí phấn đấu cách mạng, nâng cao năng suất lao động, nâng cao đời sống văn hoá của quần chúng cũng được đặt ra khẩn trương hơn.
Do đó, công tác bổ túc văn hóa lúc này cần được đặc biệt coi trọng và lãnh đạo chặt chẽ, nhằm đạt được mục đích là nâng cao trình độ văn hoá của cán bộ và nhân dân lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giáo dục chính trị và khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ trên quy mô lớn, góp phần đẩy mạnh sản xuất, tăng cường quốc phòng.
Bổ túc văn hoá có một vai trò rất trọng yếu; không những trước kia, hiện nay mà còn lâu dài nữa, Đảng ta vẫn đặt công tác bổ túc văn hoá lên vị trí hàng đầu trong công tác giáo dục.
Từ năm 1960 trở lại đây, công tác bổ túc văn hoá đã đạt được thành tích to lớn, Nghị quyết số 93 của Ban Bí thư (2-12-19591)) về công tác bổ túc văn hoá đã xác định ý nghĩa, nhiệm vụ, đối tượng, phương châm công tác tổ chức và biện pháp của phong trào bổ túc văn hoá, đã tạo ra một chuyển biến căn bản trong phong trào, nhất là trong hai năm 1960-1961.
Phong trào tập trung hơn vào đối tượng cán bộ chủ chốt và thanh niên. Nội dung chương trình dần dần thoát khỏi tính chất văn hoá đơn thuần. Việc liên hệ những kiến thức khoa học cơ bản với thực tiễn sản xuất của địa phương, với đời sống đã thu được những kết quả tốt. Nhiều cơ sở quản lý tốt công tác bổ túc văn hoá, tích cực đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, đặt việc học tập tại chức là chính, đồng thời chú ý đến các hình thức học tập tập trung và nửa tập trung cho cán bộ lưu động, cán bộ chủ chốt không có điều kiện học tại chức.
Trình độ văn hoá của cán bộ, công nhân, nông dân được nâng cao một bước. Trong bốn năm đầu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, đã có gần 3.000.000 người mãn khoá các lớp ở cấp I, gần 420.000 người mãn khoá các lớp ở cấp II, trên 37.000 người mãn khoá các lớp ở cấp III. Số người học cấp II, cấp III ngày càng tăng. Hiện nay trong cán bộ, từ cán sự bậc 1 trở lên, khoảng 50% có trình độ lớp 7 trở lên. Số đông công nhân đã có trình độ lớp 3, lớp 4 và trên 30% học cấp II. Tại một số xí nghiệp, hầu hết công nhân đều học cấp II và cấp III. Ở nông thôn miền xuôi, phần lớn cán bộ chủ chốt xã có trình độ lớp 4, cán bộ chủ chốt hợp tác xã có trình độ lớp 3, thanh niên nông dân có trình độ lớp 3, lớp 4.
Công tác bổ túc văn hoá đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao trình độ chính trị và quản lý kinh tế của cán bộ và nhân dân, do đó đã có tác dụng đẩy mạnh phong trào cải tiến kỹ thuật, phát triển sản xuất, và tạo điều kiện cho việc đào tạo một số trí thức mới xuất thân từ thành phần công nông.
Chúng ta đạt được những thành tích trên là do Đảng ta luôn luôn quan tâm lãnh đạo công tác bổ túc văn hoá, coi nó là một công tác rất quan trọng để thúc đẩy cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trong hoàn cảnh một nước có nền kinh tế lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa; do những cán bộ giáo dục làm công tác bổ túc văn hoá đã phát huy truyền thống tự lực cánh sinh, dựa vào quần chúng để khắc phục mọi khó khăn, phát huy thắng lợi của phong trào bình dân học vụ trước đây, và cũng là do quần chúng nhân dân ta có trình độ giác ngộ chính trị và ý thức làm chủ ngày càng được nâng cao nên đã hăng hái học tập.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích và ưu điểm kể trên, phong trào bổ túc văn hoá vẫn còn những thiếu sót và nhược điểm dưới đây:
- Phong trào phát triển không đều và thiếu vững chắc. Trong hai năm gần đây, có nơi có lúc lại sút kém nặng. Riêng ở miền núi, phong trào còn trì trệ. Ở vùng cao và một số vùng đạo Thiên chúa, nạn mù chữ còn trầm trọng. Ở một số nơi, nhiều người học xong đã quay lại mù chữ.
- Việc kết hợp công tác bổ túc văn hóa với công tác trung tâm của địa phương, nhất là công tác sản xuất, chưa chặt chẽ, làm cho lớp học dễ tan vỡ. Hình thức tổ chức, quy chế trường, lớp chưa được nghiên cứu cho phù hợp với điều kiện lao động, công tác, sinh hoạt của quần chúng.
- Chương trình học chưa thật tinh giản và thiết thực, chưa thật phù hợp với yêu cầu sản xuất, công tác và đặc điểm của người học. Sách giáo khoa thiếu, có khi không khớp với chương trình. Ở miền núi, nội dung chương trình soạn không khác miền xuôi, việc dùng chữ dân tộc Tày - Nùng, Thái, Mèo trong việc xoá nạn mù chữ và bổ túc văn hoá chưa được nghiên cứu và giải quyết kịp thời. Giáo viên bổ túc văn hoá không ổn định, nhiều nơi không chú ý đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Chế độ học tập thường không được bảo đảm. Kết quả học tập không được vững chắc về kiến thức và vận dụng kiến thức.
- Một số cán bộ chủ chốt và thanh niên, do nhận thức chưa đúng mức về sự cần thiết phải nâng cao trình độ văn hoá và kỹ thuật, nên chưa đi học hoặc học thất thường và tiến bộ chậm.
Hiện nay, gần 1/2 số cán bộ từ cán sự 1 trở lên chưa có trình độ lớp 7; 77% số này mới có trình độ lớp 5, lớp 6; 40% số cán bộ trung cao cấp chưa học hết cấp II. Trình độ văn hoá của phần lớn cán bộ tỉnh, huyện còn dưới lớp 6; cán bộ hợp tác xã, đội sản xuất, thanh niên nông thôn ở miền xuôi mới học lớp 3, lớp 4. Trong nhà máy, công tác bổ túc văn hoá chưa đáp ứng được yêu cầu nhanh chóng nâng cao trình độ kỹ thuật cho công nhân. Do trình độ văn hoá của công nhân còn thấp cho nên việc tổ chức học tập kỹ thuật sơ cấp một cách rộng rãi trong công nhân, việc nâng cao trình độ lý thuyết lên ngang với trình độ tay nghề của một số công nhân ở bậc thợ tương đối cao, đều gặp trở ngại. Việc tổ chức bổ túc văn hoá cho hàng vạn thanh niên học hết cấp I, cấp II ra tham gia lao động sản xuất chưa được chú ý.
- Việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật cho nông thôn và các ngành, đào tạo và bồi dưỡng công nhân lành nghề cho các xí nghiệp đang gặp khó khăn; các trường chuyên nghiệp khó tìm ra đủ người vừa đúng đối tượng, vừa có đủ trình độ văn hoá cần thiết.
Những thiếu sót trên đây do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là: nhiều cấp uỷ đảng và bản thân ngành giáo dục chưa thật nhận rõ mục đích, tầm quan trọng của công tác bổ túc văn hoá đối với yêu cầu mới của cách mạng. Nhiều nơi còn tách rời việc lãnh đạo công tác bổ túc văn hoá với lãnh đạo sản xuất và các công tác trung tâm khác, cho nên không nâng cao ý thức hăng hái học tập cho người học.
Ở nhiều địa phương, cấp uỷ khoán trắng công tác bổ túc văn hoá cho ngành giáo dục. Còn bản thân ngành giáo dục thì chưa thấy hết ý nghĩa, nhiệm vụ của công tác bổ túc văn hoá, cho nên chưa tập trung giải quyết những vấn đề cần thiết để đẩy mạnh công tác bổ túc văn hoá, như: tổ chức, phân phối ngân sách, cán bộ, chương trình, tài liệu giáo khoa... Nhiều nơi, ngành giáo dục chưa giúp cấp uỷ nắm được yêu cầu cụ thể, tính chất, đặc điểm của phong trào bổ túc văn hoá và chưa nêu vấn đề kịp thời để cấp uỷ lãnh đạo chặt chẽ hơn.
Do quan điểm phục vụ sản xuất, phục vụ công nông chưa thực quán triệt trong ngành, ý thức cách mạng, tinh thần khắc phục khó khăn chưa cao, cho nên đã nảy sinh tư tưởng ngại khó, tiêu cực trong cán bộ giáo dục làm công tác bổ túc văn hoá. Trong sự chỉ đạo chuyên môn, ngành giáo dục còn thiếu đi sâu đi sát, chỉ đạo tràn lan, dễ làm khó bỏ, thiếu chủ động và sáng tạo, nên không vươn lên kịp với yêu cầu của nhiệm vụ. Các ngành khác và các đoàn thể, nhất là thanh niên, công đoàn cũng chưa thấy hết trách nhiệm của mình và thiếu sự phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục để làm tốt công tác bổ túc văn hoá.
Để đưa công tác bổ túc văn hoá chuyển biến và phát triển kịp với yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới, các cấp và các ngành, các đoàn thể cần nhận rõ ý nghĩa quan trọng của công tác này, nắm vững và thực hiện đầy đủ những điểm dưới đây, đặng có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư tưởng và nhận thức, trong nội dung công tác, trong lãnh đạo phong trào, trong cơ cấu tổ chức và trong biện pháp thực hiện.
1. Đối tượng của công tác bổ túc văn hoá
Đối tượng của công tác bổ túc văn hoá là cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động, thanh niên công nông, học sinh trở về tham gia sản xuất và nhân dân lao động nói chung.
Cán bộ, đảng viên là lực lượng lãnh đạo, cần phải được bổ túc về văn hoá để mau chóng nắm được những kiến thức cần thiết đặng có thể học tập chính trị, nghiệp vụ và kỹ thuật theo yêu cầu của công tác. Chú trọng trước hết bổ túc văn hoá cho những cán bộ chủ chốt của các cấp, các ngành và những cán bộ, đảng viên còn ở độ tuổi học tập thuận lợi (dưới 40 tuổi).
Đoàn viên thanh niên lao động và thanh niên công nông là lực lượng tiên phong trong cách mạng kỹ thuật, cách mạng tư tưởng, văn hoá và là lực lượng để tăng cường khả năng quốc phòng của ta, cần được học tập tương đối có hệ thống để có cơ sở tốt nâng cao trình độ chính trị và nắm vững khoa học kỹ thuật.
Trong thanh niên công nông, có những thanh niên ưu tú (có thành tích xuất sắc trong sản xuất, công tác và chiến đấu, có triển vọng tiến nhanh), cần đặc biệt chú trọng bổ túc văn hoá cho họ bằng nhiều hình thức để nhanh chóng có trình độ cấp II, cấp III, và cần có chính sách cụ thể để đưa họ vào các trường đào tạo cán bộ kỹ thuật hoặc cán bộ quản lý.
Học sinh đã trở về tham gia sản xuất, cần được tiếp tục bổ túc thêm về văn hoá cấp II hoặc cấp III cũng như về kỹ thuật sản xuất để trở thành người lao động có văn hoá và có kỹ thuật và là lực lượng dự trữ cho yêu cầu đào tạo cán bộ sau này.
Đối với những người lao động khác thì việc học tập văn hoá cần chú trọng phổ biến những thường thức về chính trị và khoa học kỹ thuật nhằm đẩy mạnh sản xuất, phục vụ quốc phòng và xây dựng cuộc sống mới.
Phụ nữ với phong trào "ba đảm nhiệm" càng có một vị trí hết sức quan trọng trong sản xuất và chiến đấu, nên cần được đặc biệt chú ý bổ túc văn hoá cho tốt.
2. Nội dung chương trình
Nội dung học tập phải hết sức tinh giản và thiết thực phải kết hợp chặt chẽ văn hoá, kỹ thuật và chính trị, vừa bảo đảm những kiến thức khoa học cơ bản cần thiết, vừa gắn liền với thực tiễn sản xuất, chiến đấu, công tác và đời sống.
Chương trình phải sát với trình độ và yêu cầu học tập của các đối tượng và phải phản ánh đặc điểm của từng vùng kinh tế, vùng dân tộc.
Ở cấp I, nội dung học phải hết sức thiết thực, đảm bảo những kiến thức khoa học thường thức và kỹ thuật đơn giản để áp dụng vào sản xuất, chiến đấu, công tác và đời sống.
Ở cấp II, tuỳ theo đối tượng như đã nói ở trên mà quy định học có trọng tâm hoặc thêm một số môn cần thiết khác.
Nói chung, cần bảo đảm bốn môn chính: toán, lý, hoá, văn; các ngành nông, lâm nghiệp, học thêm sinh vật và địa lý.
Chương trình học ở nông thôn, ngoài phần văn hoá trực tiếp gắn liền với nông nghiệp, còn có một phần về thường thức kỹ thuật nông nghiệp. Ở cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, ngoài chương trình chung, cần có phần bổ sung cho sát với yêu cầu của từng ngành, nghề.
Ở cấp III, để nhanh chóng phục vụ yêu cầu cấp bách của việc học tập kỹ thuật, nghiệp vụ, lý luận, trong khi chưa có điều kiện học tập đầy đủ các kiến thức văn hoá phổ thông, cần tổ chức học các môn về khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội cần thiết cho từng ngành, nghề.
3. Mục tiêu phấn đấu
Căn cứ vào yêu cầu và khả năng của ta, mục tiêu phấn đấu của chúng ta về công tác bổ túc văn hoá từ nay đến hết năm 1970 như sau:
a) Mau chóng hoàn thành phổ cập cấp I để thực hiện phổ cập cấp II cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động, thanh niên công nông.
Riêng cán bộ cao, trung cấp, một bộ phận cán bộ sơ cấp, đảng viên, đoàn viên và thanh niên công nông cần được nâng đến trình độ cấp III về một số môn cần thiết.
b) Phấn đấu phổ cập cấp I cho nhân dân lao động.
c) Ở miền núi:
- Mau chóng hoàn thành xoá nạn mù chữ trong nhân dân.
- Cán bộ xã và hợp tác xã thì phải hoàn thành việc nâng lên trình độ cấp I và một số học lên cấp II.
- Cán bộ từ huyện trở lên và một số lớn đảng viên trẻ tuổi, đoàn viên thanh niên lao động thì phấn đấu nâng lên trình độ cấp II (một số có trình độ cấp III về một số môn).
- Thanh niên và học sinh miền xuôi đi tham gia xây dựng kinh tế và văn hoá ở miền núi, ngoài việc học thêm về kỹ thuật, nghiệp vụ và quốc phòng, nếu đã có trình độ cấp I thì học xong cấp II, nếu đã học xong cấp II thì phấn đấu để nâng lên trình độ cấp III về một số môn.
MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG VÀ BIỆN PHÁP
1. Giáo dục quan điểm đúng đắn về công tác bổ túc văn hoá.
Việc giáo dục cho cán bộ và nhân dân có quan điểm đúng đắn về công tác bổ túc văn hoá, coi bổ túc văn hoá là một nhiệm vụ cách mạng thiết thực và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay là rất quan trọng.
Trong khi vừa sản xuất vừa chiến đấu lại vừa học tập, tất nhiên cán bộ và nhân dân sẽ có khó khăn hơn trước. Nhưng chính vì phải vừa sản xuất vừa chiến đấu, phải không ngừng tăng năng suất lao động và tăng cường năng lực quốc phòng mà phải khẩn trương thực hiện công tác bổ túc văn hoá và kỹ thuật. Vì vậy, nếu mọi người có ý thức giác ngộ cách mạng đầy đủ, nếu nhận thức đúng đắn nhiệm vụ bổ túc văn hoá, thì mọi khó khăn dù lớn đến đâu đều có thể giải quyết được.
Cần ra sức khắc phục những nhận thức, tư tưởng lệch lạc hiện nay như: coi nhẹ công tác bổ túc văn hoá trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh sản xuất, cải tiến kỹ thuật, tăng cường quốc phòng, củng cố chuyên chính vô sản..., cho rằng công tác bổ túc văn hoá không thiết thực phục vụ sản xuất, phục vụ quốc phòng nên có thể làm chậm cũng được.
Cần làm chuyển biến nhận thức, tư tưởng trước hết trong cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành, từ đảng viên và đoàn viên đến người ngoài đảng, ngoài đoàn.
Cán bộ lãnh đạo ở các xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, cơ quan, hợp tác xã phải có trách nhiệm đối với việc nâng cao trình độ văn hoá cho cán bộ, công nhân và xã viên cũng như đối với việc lãnh đạo sản xuất và chiến đấu. Phải tích cực vận động đông đảo quần chúng đi học, chiếu cố thích đáng đến đặc điểm nghề nghiệp, sinh hoạt, tuổi tác của từng loại đối tượng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để họ tham gia học tập cho có kết quả. Nói chung, phụ nữ còn ở trình độ văn hoá thấp lại có nhiều khó khăn trong học tập, nhưng đang đảm nhiệm công tác ở hậu phương hết sức nặng nề, nên cần được đặc biệt quan tâm.
2. Chấn chỉnh phong trào bổ túc văn hoá bằng cách tăng cường tổ chức quản lý, ổn định đối tượng, lập được quy hoạch học tập, củng cố và phát triển các hình thức trường, lớp và tiếp tục rút kinh nghiệm để cải tiến.
Các cơ sở sản xuất và các cơ quan cần trực tiếp quản lý công tác bổ túc văn hoá, lập quy hoạch bổ túc văn hoá kết hợp với quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công nhân, xã viên.
Củng cố và phát triển các hình thức trường lớp theo phương hướng học tại chức là chính, đồng thời coi trọng đúng mức việc học tập trung và nửa tập trung, vận dụng linh hoạt cho phù hợp với tình hình sản xuất và chiến đấu của mỗi vùng. Trong mọi hoàn cảnh khó khăn, cần cố gắng bảo đảm được thì giờ học và người dạy. Phát triển các trường lớp nửa tập trung và tập trung ngắn ngày nhằm nhanh chóng nâng cao trình độ cho những cán bộ không có điều kiện học tại chức và những thanh niên ưu tú. Khi quy định chế độ công tác, phân phối công điểm... nên chú ý tạo điều kiện thuận lợi cho những người đi học ở các trường này.
Đối với cán bộ lưu động học từ cấp II trở lên, nên tổ chức những đợt học tập trung ngắn hạn đều kỳ.
Cần tổng kết kinh nghiệm tổ chức các trường thanh niên dân tộc, trường thanh niên xã hội chủ nghĩa là những trường vừa học vừa làm thích hợp với hoàn cảnh thực tế của ta để mở rộng các loại trường đó ở miền núi, nông thôn miền xuôi và áp dụng vào hoàn cảnh các khu công nghiệp. Nội dung chương trình học tập trong các trường này, ngoài phần văn hoá, còn học thêm về quản lý kinh tế, kỹ thuật sản xuất và quốc phòng.
Chú ý nghiên cứu và tổ chức kịp thời các hình thức học tập thích hợp cho các đơn vị thanh niên xung phong đi xây dựng kinh tế và văn hoá ở miền núi, và trong các ngành hoạt động nhất là giao thông, thuỷ lợi, xây dựng cơ bản, địa chất, v.v..
Nghiên cứu việc chấn chỉnh các trường bổ túc văn hoá công nông, mở thêm những lớp bổ túc văn hoá ngắn hạn ở các trường trung học chuyên nghiệp và đại học cho số cán bộ trẻ và thanh niên công nông ưu tú, đồng thời có chế độ, chính sách thích đáng để kịp thời phục vụ yêu cầu đào tạo cán bộ.
Việc phát triển các loại trường kể trên phải theo quy hoạch đào tạo cán bộ, công nhân, theo yêu cầu phát triển sản xuất, củng cố quốc phòng của địa phương và các ngành.
3. Cải tiến chương trình và sách giáo khoa.
Cần tổng kết kinh nghiệm tốt và căn cứ vào yêu cầu mới của cách mạng mà cải tiến chương trình hiện hành. Soạn sách phù hợp với chương trình, đảm bảo quan điểm chính trị đúng đắn và kiến thức khoa học cơ bản chung cho tất cả các ngành, cung cấp đầy đủ sách cho người học, người dạy.
Đối với miền núi, ở những vùng đã có chữ dân tộc thì phải xoá nạn mù chữ và bổ túc văn hoá bằng chữ dân tộc, đồng thời phải tích cực nghiên cứu việc dùng các chữ dân tộc trong sinh hoạt, sản xuất và công tác.
Đảng đoàn Bộ Giáo dục có trách nhiệm nghiên cứu biên soạn chương trình cơ bản chung và một số sách giáo khoa cần thiết, đồng thời hướng dẫn các ngành và các địa phương áp dụng, soạn thêm chương trình và tài liệu bổ sung phục vụ yêu cầu và đặc điểm từng ngành, nghề và từng vùng.
4. Tăng cường cán bộ chỉ đạo và giáo viên chuyên trách, củng cố đội ngũ giáo viên bổ túc văn hoá.
Cán bộ chỉ đạo, giáo viên chuyên trách và đội ngũ giáo viên bổ túc văn hoá là lực lượng nòng cốt thúc đẩy phong trào, cần được tăng cường, đào tạo và bồi dưỡng thường xuyên.
Giáo viên phổ thông là một lực lượng quan trọng trong công tác bổ túc văn hoá, cần được bồi dưỡng về kinh nghiệm giảng dạy người lớn, về tri thức sản xuất và quốc phòng, về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng.
Coi trọng việc mở rộng đội ngũ, xây dựng và quản lý tốt lực lượng giáo viên kiêm chức, giáo viên địa phương.
Ở miền núi, phải tận dụng các nhà trường phổ thông làm công tác bổ túc văn hoá, đồng thời đặc biệt chú ý việc xây dựng đội ngũ giáo viên người dân tộc địa phương.
Ở miền xuôi cũng như ở miền núi, chú ý tăng cường giáo viên chuyên trách ở cơ sở, rút kinh nghiệm để củng cố đội ngũ giáo viên chuyên trách, tận dụng lực lượng cán bộ kỹ thuật dạy bổ túc văn hóa.
Ở các xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, cần tiếp tục duy trì chế độ cán bộ chuyên trách và giáo viên chuyên nghiệp để giúp lãnh đạo làm tốt công tác bổ túc văn hoá, đồng thời xây dựng đội ngũ giáo viên kiêm chức vững mạnh.
Cần tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, bồi dưỡng quan điểm phục vụ công nông, phát huy truyền thống tốt đẹp của các giáo viên bình dân học vụ trước kia, đồng thời quy định rõ ràng và thực hiện đầy đủ các chế độ nhằm bảo đảm những quyền lợi chính đáng về vật chất và tinh thần cho họ.
5. Tạo cơ sở vật chất cần thiết và tăng cường sự giúp đỡ của Nhà nước.
Cần tận dụng cơ sở vật chất của trường phổ thông và những cơ sở vật chất của xí nghiệp, cơ quan, hợp tác xã cần thiết cho việc giảng dạy và học tập. Tủ sách, phòng thí nghiệm, ruộng thí nghiệm là những phương tiện rất cần thiết. Ngân sách của trung ương và địa phương chi cho sự nghiệp giáo dục cần được phân phối một cách thích đáng giữa giáo dục phổ thông và bổ túc văn hoá. Các cơ sở sản xuất cần có chi phí thích đáng cho công tác bổ túc văn hoá.
6. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, tăng cường bộ máy chỉ đạo công tác bổ túc văn hoá.
Các cấp ủy đảng cần coi trọng hơn nữa công tác bổ túc văn hoá, coi đó là một biện pháp quan trọng để nâng cao ý chí cách mạng, tăng cường khả năng lãnh đạo công tác, nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh sản xuất, hoàn thành kế hoạch nhà nước.
Trong công tác, cần phối hợp chặt chẽ việc lãnh đạo bổ túc văn hoá với lãnh đạo sản xuất, tăng cường quốc phòng và các công tác trung tâm khác.
Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bổ túc văn hoá:
- Ban tuyên giáo các cấp cần chú trọng nghiên cứu, kiểm tra công tác này để giúp cấp ủy lãnh đạo.
- Củng cố ban lãnh đạo bổ túc văn hoá các cấp và ban giáo dục xã, gồm các thành phần chủ yếu là: giáo dục, kỹ thuật, thanh niên.
- Tăng cường tổ chức chỉ đạo công tác bổ túc văn hoá của ngành giáo dục và của các ngành, từ trung ương đến tận đơn vị cơ sở, trước hết, là ở Bộ Giáo dục. Các cấp của ngành giáo dục cần có tổ chức và cán bộ đủ năng lực chuyên trách về công tác này. Ở Bộ Giáo dục, thành lập Vụ bổ túc văn hoá và kỹ thuật; ở các đơn vị cơ sở: xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, xã, v.v., phải có tổ chức và cán bộ phụ trách công tác bổ túc văn hoá và kỹ thuật.
- Giữa ngành giáo dục và các ngành khác, các đoàn thể nhất là Đoàn Thanh niên lao động và công đoàn, cần có sự phân công và quy định trách nhiệm rõ ràng và phối hợp chặt chẽ trong việc chỉ đạo công tác bổ túc văn hoá.
Công tác bổ túc văn hoá là một công tác cách mạng có tầm quan trọng lớn trước mắt và lâu dài.
Ban Bí thư mong các cấp uỷ nghiên cứu kỹ Chỉ thị này và có kế hoạch cụ thể để thực hiện nhằm đạt kết quả tốt.
T/M BAN BÍ THƯ
TỐ HỮU