Ngày 7/7/1971, Ban Bí thư khoá III đã ban hành Chỉ thị số 190 CT/TW về việc phân công trong công tác vận động, quản lý đội ngũ trí thức. Sau đây là toàn văn Chỉ thị:
1. Trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nhất là trong những năm gần đây, đội ngũ trí thức đã có sự thay đổi lớn, bao gồm hàng chục vạn người và đang phục vụ ở tất cả các ngành, từ trung ương đến cơ sở.
Trong thời gian tới, cùng với sự phát triển của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đội ngũ này sẽ tăng nhanh. Trí thức xã hội chủ nghĩa là một bộ phận trong đội ngũ cán bộ của Đảng và Nhà nước ta. Công tác vận động trí thức xã hội chủ nghĩa thực chất là công tác quản lý đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật, do đó trở thành một bộ phận khăng khít trong toàn bộ công tác cán bộ của Đảng. Công tác vận động trí thức lúc này ở miền Bắc vừa nhằm góp phần tăng cường khối đoàn kết nhân dân chống đế quốc Mỹ và tay sai của chúng, vừa nhằm bồi dưỡng và sử dụng tốt đội ngũ trí thức xã hội chủ nghĩa, phát huy cao độ sức cống hiến của anh chị em cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo đảm cho đội ngũ trí thức mãi mãi là một lực lượng xã hội trung thành với Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội, với Đảng và Nhà nước ta.
2. Để đáp ứng yêu cầu nói trên, Đảng ta phải tăng cường công tác vận động trí thức, công tác quản lý đội ngũ trí thức. Tiến hành công tác này là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành và các đoàn thể dưới sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương Đảng. Để bảo đảm làm tốt công tác quản lý đội ngũ trí thức, Ban Bí thư phân công các ban, các ngành và các đoàn thể như sau:
a) Giao trách nhiệm cho Ban Khoa học giáo dục Trung ương phối hợp cùng Ban Tổ chức Trung ương và Ban Tuyên huấn Trung ương để giúp Trung ương Đảng quản lý thống nhất toàn bộ đội ngũ trí thức. Cụ thể là:
- Ban Khoa giáo Trung ương có trách nhiệm cùng Ban Tổ chức Trung ương và Ban Tuyên huấn Trung ương nghiên cứu và đề nghị với Trung ương Đảng các phương hướng, chủ trương, biện pháp lớn về công tác quản lý chung đội ngũ trí thức trong từng thời gian.
- Về mặt bồi dưỡng, Ban Tuyên huấn Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương có trách nhiệm cùng nhau phối hợp để nghiên cứu và đề nghị với Trung ương Đảng những phương hướng và chủ trương lớn về giáo dục chính trị và tư tưởng cho trí thức trong từng thời gian.
Những phương hướng và chủ trương về bồi dưỡng chuyên môn cho trí thức sẽ do Ban Khoa giáo Trung ương phối hợp cùng các ban và các ngành liên quan nghiên cứu và đề nghị với Trung ương Đảng; sau đó, hướng dẫn các ngành, các cấp nghiên cứu và thực hiện cụ thể.
- Về mặt sử dụng và đãi ngộ, Ban Tổ chức Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương có trách nhiệm cùng nhau phối hợp để nghiên cứu và đề nghị với Trung ương Đảng và Chính phủ những phương hướng, chủ trương, và chính sách chung, và sau khi được thông qua, sẽ hướng dẫn các ngành, các cấp trong việc nghiên cứu và thực hiện những chủ trương, chính sách cụ thể đối với đội ngũ trí thức của từng ngành.
- Theo sự phân công trên đây, các Ban Khoa giáo, Tổ chức, Tuyên huấn cùng nhau phối hợp để giúp Trung ương Đảng kiểm tra các ngành, các đoàn thể và các cấp trong việc thực hiện các phương hướng, chủ trương, chính sách đối với đội ngũ trí thức.
Ở các địa phương, Ban Tổ chức và Ban Tuyên giáo cùng cấp có trách nhiệm phối hợp với nhau để giúp cấp uỷ đảng quản lý thống nhất đội ngũ trí thức ở địa phương.
b) Các Ban Kinh tế của Trung ương và của các khu, thành, tỉnh uỷ xuất phát từ tình hình đội ngũ trí thức ở các ngành thuộc khối mình phụ trách, có trách nhiệm góp ý kiến với các Ban Tổ chức, Tuyên huấn, Khoa giáo (hoặc Tuyên giáo) cùng cấp trong việc xây dựng các phương hướng, chủ trương, chính sách chung đối với đội ngũ trí thức và phối hợp với các ban đó để giúp Trung ương Đảng và các cấp uỷ đảng kiểm tra việc thực hiện.
c) Các ngành có trách nhiệm quản lý thống nhất đội ngũ trí thức thuộc phạm vi ngành mình cho đến tận cơ sở. Cụ thể là: tổ chức việc phổ biến thông suốt các chủ trương, chính sách chung đối với trí thức ở trong ngành mình; nghiên cứu và đề nghị những chủ trương, chính sách cụ thể và chế độ cụ thể đối với trí thức thuộc phạm vi ngành mình phụ trách; kịp thời cung cấp cho các Ban Tổ chức, Tuyên huấn và Khoa giáo (hoặc Tuyên giáo) cùng cấp tình hình đội ngũ trí thức của ngành mình, tình hình và kinh nghiệm công tác đối với trí thức.
d) Các đoàn thể nhân dân (Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ và các tổ chức quần chúng khác) có trách nhiệm theo chức năng của đoàn thể mình mà đoàn kết, giáo dục, động viên và tạo điều kiện thuận lợi cho số trí thức ở trong đoàn thể mình hoàn thành tốt nhiệm vụ.
e) Ban Mặt trận Trung ương và các cấp có trách nhiệm phối hợp với các Ban Tổ chức, Tuyên huấn, Khoa giáo (hoặc Tuyên giáo) cùng cấp để giúp Trung ương Đảng và các cấp uỷ đảng tiến hành công tác đối với số trí thức tiêu biểu như hiện nay.
3. Để làm tốt công tác vận động trí thức, công tác quản lý đội ngũ trí thức theo sự phân công như trên đây, về mặt tổ chức, cần chú ý:
a) Ở Trung ương, Ban Bí thư phân công một đồng chí bí thư phụ trách công tác này. Các Ban Tổ chức, Tuyên huấn, Khoa giáo mỗi ban cần có một số cán bộ có năng lực, có phẩm chất cách mạng và có tác phong tốt để chuyên lo công tác này.
Ở các khu, thành, tỉnh, Ban Tổ chức và Ban Tuyên giáo cũng cần có cán bộ đủ tiêu chuẩn để chuyên trách công tác này. Các khu uỷ, tỉnh uỷ, thành uỷ cần kiện toàn bộ phận khoa giáo trong Ban Tuyên giáo để có đủ sức giúp cấp uỷ quản lý thống nhất các mặt công tác khoa giáo và quản lý đội ngũ trí thức ở địa phương.
b) Các ngành trung ương và địa phương cần phân công một đồng chí lãnh đạo ngành phụ trách công tác quản lý đội ngũ trí thức của ngành, và phải có chế độ làm việc tập thể đối với công tác này.
*
* *
Các ban, các đảng đoàn, các khu uỷ, thành uỷ, tỉnh uỷ có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh Chỉ thị này.