Ngày 8/2/1979, Ban Bí thư khoá IV đã ban hành Chỉ thị số 65-CT/TW về công tác nuôi dạy trẻ. Sau đây là toàn văn Chỉ thị:
Từ năm 1971 đến nay, sau khi Chính phủ quyết định thành lập hệ thống tổ chức chuyên trách công tác nhà trẻ ở các cấp, công tác nhà trẻ đã có nhiều tiến bộ, góp phần tích cực vào việc nuôi dạy trẻ em và giải phóng phụ nữ. Hiện nay, đã có trên 4 vạn nhà trẻ, với trên một triệu cháu được nuôi dạy có tổ chức, chiếm 1/4 số trẻ ở độ tuổi từ 2 tháng đến 3 tuổi. Phong trào học tập và làm theo huyện Diễn Châu (Nghệ Tĩnh) đang có đà phát triển tốt. Có nhiều nhà trẻ đã trở thành đơn vị tiên tiến hoặc đang phấn đấu nuôi dạy trẻ một cách khoa học. Đội ngũ cô nuôi dạy trẻ đã có 14 vạn và hơn 50% đã được đào tạo với mức độ khác nhau. Hệ thống trường và lớp đào tạo cô nuôi dạy trẻ được hình thành một bước ở trung ương và địa phương. Công tác nghiên cứu khoa học về nuôi dạy trẻ đã có một số kết quả bước đầu.
Tuy nhiên, sự tiến bộ của công tác này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác nuôi dạy trẻ, cả về số lượng và chất lượng. Cơ sở vật chất của đại bộ phận nhà trẻ còn nghèo nàn. Đội ngũ cô nuôi dạy trẻ hãy còn thiếu, trình độ văn hoá và nghiệp vụ của nhiều cô còn thấp. Công tác nuôi dạy các cháu trong nhiều nhà trẻ chưa bảo đảm được chế độ khoa học, vừa nuôi dưỡng các cháu khoẻ mạnh vừa giáo dục cho các cháu những mầm mống của con người mới. Ở nhiều tỉnh, huyện, bộ máy quản lý công tác này hãy còn yếu, thiếu cán bộ chuyên trách có trình độ quản lý và nghiệp vụ cần thiết. Bên cạnh những địa phương và cơ sở đã lãnh đạo tương đối tốt, còn nhiều địa phương và cơ sở chưa nhận thức được đúng đắn vị trí và nội dung của công tác này, nên chưa quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo đúng mức.
Đại hội lần thứ IV của Đảng đã chỉ rõ công tác nuôi dạy trẻ là "một vấn đề xã hội to lớn, liên quan đến sự nghiệp phát triển kinh tế và văn hoá của đất nước". Đại hội đã nêu rõ trong giai đoạn cách mạng mới phải "Tổ chức tốt việc nuôi dạy trẻ, phát triển rộng khắp mạng lưới nhà trẻ, sản xuất và cung ứng đủ những phương tiện phục vụ và đồ chơi cho trẻ em; đào tạo tốt và đãi ngộ thích đáng đội ngũ cô nuôi trẻ, dạy trẻ".
Để thực hiện Nghị quyết của Đại hội, trong thời gian tới, cần tiến hành những việc sau đây:
1. Có quy hoạch và kế hoạch phát triển rộng khắp mạng lưới nhà trẻ, bảo đảm đến năm 1985 thu hút được tuyệt đại bộ phận các cháu từ 2 tháng đến 3 tuổi vào nhà trẻ
Uỷ ban nhân dân các cấp (tỉnh, thành; huyện, quận; xã, phường) cần tiến hành điều tra nắm chắc số trẻ trong độ tuổi hiện có và dự kiến số trẻ sẽ phát triển từ nay đến năm 1985; xây dựng quy hoạch và kế hoạch, từng bước phát triển mạng lưới nhà trẻ phù hợp với kế hoạch phát triển sản xuất và bố trí dân cư, nhằm thu hút được các cháu theo mục tiêu trên đây.
Trước mắt, ở các địa phương miền Bắc cần bảo đảm đến năm 1980 thu nhận được 80% số cháu con của nữ công nhân, viên chức và 50% số cháu trong độ tuổi ở nông thôn vào nhà trẻ. Ở các địa phương miền Nam, cần phát triển mạnh ở các thành phố, thị xã, vùng công nghiệp, vùng kinh tế mới, vùng tôn giáo tập trung, vùng dân tộc ít người, và những nơi đã có tập đoàn sản xuất và hợp tác xã nông nghiệp, đồng thời tích cực chuẩn bị điều kiện, nhất là cán bộ, để phát triển rộng khắp mạng lưới nhà trẻ ở nông thôn song song với phong trào cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp.
Chỉ đạo tốt việc mở rộng phong trào thi đua học tập và làm theo huyện Diễn Châu và các đơn vị tiên tiến khác trong công tác nhà trẻ.
2. Nâng cao chất lượng công tác nuôi dạy trẻ, bảo đảm cho các cháu được phát triển tốt cả về thể lực, tình cảm, ngôn ngữ và trí tuệ
Công tác nuôi dạy trẻ là một khoa học và một nghệ thuật. Cần nghiên cứu để xác định yêu cầu và nội dung giáo dục, chế độ nuôi dưỡng và sinh hoạt thích hợp với từng độ tuổi.
Phấn đấu cho tất cả các cháu được ăn ở nhà trẻ theo một chế độ nuôi dưỡng chung. Dành cho nhà trẻ phần lương thực và thực phẩm có chất lượng tốt. Tiến tới tổ chức chế biến thức ăn cho nhà trẻ theo phương pháp công nghiệp, trước hết là ở những nơi có điều kiện. Phát động toàn dân chăm sóc các cháu; mở rộng phong trào trồng thêm cây, nuôi thêm gia cầm cho các nhà trẻ. Dựa vào sự đóng góp của gia đình và của các cơ sở sản xuất (hợp tác xã, nhà máy, nông trường, v.v.) thực hiện từng bước sự bình đẳng trong việc nuôi dạy các cháu.
Cần dựa vào nhân dân là chính để xây dựng mới hoặc cải tạo các nhà trẻ đã có theo đúng quy cách, bảo đảm các yêu cầu cơ bản về nuôi dạy và an toàn cho các cháu. Sớm thanh toán tình trạng nhà trẻ phải ở nhờ nhà dân. Cố gắng tổ chức sản xuất và cung cấp những phương tiện phục vụ và đồ chơi cho trẻ em ở trong nước, phấn đấu đến năm 1985 phần lớn các nhà trẻ đều được trang bị tương đối đủ theo yêu cầu tối thiểu của việc nuôi dạy các cháu.
Cần có chế độ theo dõi thường xuyên và quản lý tốt sức khoẻ của các cháu, kịp thời ngăn ngừa các bệnh dịch trong các nhà trẻ.
Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Trung ương cần phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu để đề nghị với Chính phủ ban hành một số chế độ, chính sách đối với trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ như chế độ phân phối thực phẩm, trang bị đồ chơi và quần áo, giầy dép cho trẻ em và cho nhà trẻ, chính sách giá cả hợp lý đối với những mặt hàng cung cấp cho trẻ, v.v.. Các xí nghiệp cần quy định tỷ lệ quỹ phúc lợi cho nhà trẻ, các hợp tác xã nông nghiệp cần quy định phần lương thực và thực phẩm dành cho nhà trẻ.
Tổ chức nghiên cứu khoa học nuôi dạy trẻ ở độ tuổi nhà trẻ; kết hợp những kinh nghiệm tiên tiến của các cô nuôi dạy trẻ tốt, của các bà mẹ nuôi con giỏi với những thành tựu hiện đại của khoa học nuôi dạy trẻ trên thế giới, nhất là của các nước xã hội chủ nghĩa. Phổ biến những kinh nghiệm nuôi dạy trẻ theo phương pháp khoa học cho các bà mẹ. Nhà trẻ phải phối hợp chặt chẽ với gia đình để cùng nhau nuôi dạy các cháu; có chế độ bảo đảm cho bà mẹ cho con bú trong năm đầu tiên, và chăm sóc các cháu ngoài giờ làm việc.
Sớm thành lập Viện Khoa học nuôi dạy trẻ với nhiệm vụ: tiến hành nghiên cứu cơ bản về phát triển tâm lý và sinh lý của trẻ ở độ tuổi nhà trẻ; nghiên cứu, ứng dụng và thực nghiệm các phương pháp nuôi dạy trẻ tiên tiến nhằm cải thiện điều kiện ăn ở, vui chơi, giải trí cho trẻ.
3. Tăng cường đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cô nuôi dạy trẻ và cán bộ quản lý của ngành
Thực hiện tiêu chuẩn hoá đội ngũ cô nuôi dạy trẻ càng sớm càng tốt, bảo đảm các cô nuôi dạy trẻ có lòng thương yêu trẻ, có đạo đức, có sức khoẻ, có trình độ văn hoá cấp II trở lên, có trình độ nghiệp vụ và chính trị cần thiết. Dựa vào các đoàn thể quần chúng ở cơ sở để tuyển những nữ thanh niên có nhiệt tình thương yêu trẻ, có văn hoá và tự nguyện trở thành cô nuôi dạy trẻ để đào tạo. Các địa phương cần đưa thêm nữ đảng viên và đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh sang làm công tác nuôi dạy trẻ. Dần dần chuyển những chị em không đủ tiêu chuẩn cần thiết sang làm công tác khác. Đào tạo gấp các cô chủ nhiệm nhà trẻ, các cán bộ quản lý công tác nhà trẻ ở cấp huyện, quận có trình độ trung học, và các cán bộ quản lý từ cấp tỉnh, thành trở lên có trình độ đại học sư phạm hoặc đại học y khoa.
Mở các trường, lớp sơ học nuôi dạy trẻ ở các tỉnh, huyện, quận. Mở các trường trung học cô nuôi dạy trẻ ở các thành phố lớn và các khu vực. Xây dựng sớm Trường cao đẳng Sư phạm nuôi dạy trẻ. Mở thêm Khoa giáo dục mầm non ở Trường đại học Sư phạm Hà Nội để đào tạo và bồi dưỡng giáo viên cho các trường sơ học và trung học nuôi dạy trẻ, và những cán bộ nghiên cứu khoa học nuôi dạy trẻ. Tiếp tục cử nhiều người đi học ở nước ngoài về khoa học nuôi dạy trẻ có trình độ đại học và trên đại học.
Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Trung ương cần hướng dẫn và phối hợp với các địa phương tiến hành tổng kết kinh nghiệm của các cô nuôi dạy trẻ tiên tiến, của các đơn vị tiên tiến, từ nhà trẻ đến huyện, quận, để bồi dưỡng đội ngũ cô nuôi dạy trẻ và cán bộ quản lý của ngành.
Các địa phương, nhất là các cơ sở, cần quan tâm chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ cô nuôi dạy trẻ. Đối với những cô nuôi dạy trẻ còn do nhân dân hay cơ sở sản xuất đài thọ, cần đãi ngộ như những lao động kỹ thuật ở bậc tương đương. Đối với những cô có tinh thần trách nhiệm tốt và trình độ nghiệp vụ khá cần được đãi ngộ như những lao động có kỹ thuật giỏi. Đối với những chủ nhiệm nhà trẻ cần có chế độ phụ cấp trách nhiệm.
4. Kiện toàn bộ máy quản lý của ngành nuôi dạy trẻ ở các cấp và tăng cường trách nhiệm của các ngành, các đoàn thể quần chúng đối với công tác nhà trẻ
Tiếp tục củng cố tổ chức của Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em ở trung ương và tỉnh, thành, xây dựng tổ nuôi dạy trẻ trong ban giáo dục huyện, quận. Cần chọn cử những cán bộ có đủ năng lực để chỉ đạo phong trào trên quy mô lớn và đưa công tác nuôi dạy trẻ vào nền nếp khoa học.
Các ngành và các đoàn thể quần chúng đều có trách nhiệm góp phần xây dựng nhà trẻ và nuôi dạy trẻ. Tất cả các ngành cần hướng dẫn các cơ sở thuộc ngành mình (hợp tác xã, nông trường, nhà máy, công trường, lâm trường, v.v.) tích cực tham gia xây dựng nhà trẻ.
- Ngành nông nghiệp hướng dẫn các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nông nghiệp có kế hoạch phát triển nhà trẻ ăn khớp với kế hoạch phát triển sản xuất và bố trí dân cư, bảo đảm lương thực và thực phẩm cho các cháu ở nhà trẻ, đãi ngộ thoả đáng các cô nuôi dạy trẻ.
- Ngành lương thực và thực phẩm có kế hoạch sản xuất lương thực và thực phẩm, nhất là các loại bột, sữa, nước quả cho trẻ em.
- Ngành công nghiệp nhẹ có kế hoạch sản xuất đồ chơi và đồ dùng cho trẻ em, các phương tiện cho nhà trẻ.
- Ngành thương nghiệp có kế hoạch ưu tiên phân phối cho nhà trẻ những vật dụng cần thiết.
- Ngành y tế có trách nhiệm trực tiếp đối với sức khoẻ của trẻ em, từ việc bảo đảm vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch trong các nhà trẻ, đến việc quản lý tốt sức khoẻ của các cháu.
- Ngành giáo dục phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em ở các cấp để xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch phát triển cân đối sự nghiệp nhà trẻ và lớp mẫu giáo, tiến hành nghiên cứu khoa học giáo dục đối với lứa tuổi mầm non, và các chế độ, chính sách đối với đội ngũ cô nuôi dạy trẻ và giáo viên mẫu giáo.
- Các ngành thông tin tuyên truyền có kế hoạch phổ biến trong nhân dân những kiến thức và những kinh nghiệm tiên tiến về nuôi dạy trẻ.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn các cấp của Hội và hội viên chăm lo công tác nhà trẻ.
Tổng Công đoàn Việt Nam hướng dẫn các công đoàn cơ sở phối hợp với chính quyền tổ chức nhà trẻ, vận động công nhân, viên chức xây dựng nhà trẻ.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lựa chọn và giới thiệu những nữ thanh niên trong và ngoài Đoàn có đủ tiêu chuẩn tham gia công tác nuôi dạy trẻ.
Các tỉnh uỷ, thành uỷ, các Ban Cán sự Đảng và các Đảng đoàn cần có kế hoạch thực hiện tốt Chỉ thị này.
Chỉ thị này được phổ biến đến các chi bộ và Đảng bộ cơ sở.