Chỉ thị về cải tiến việc học tập tại chức, về lý luận và chính trị, về nghiệp vụ và kỹ thuật và về văn hóa

Thứ tư, 23/11/2011 15:37

Ngày 29/3/1963, Ban Bí thư khoá III đã ban hành Chỉ thị số 61-CT/TW về cải tiến việc học tập tại chức, về lý luận và chính trị, về nghiệp vụ và kỹ thuật và về văn hoá. Sau đây là toàn văn Chỉ thị:

Từ ngày hoà bình được lập lại đến nay, đi đôi với việc xây dựng và mở rộng các trường tập trung, việc tổ chức học tập tại chức ở các ngành và các cấp về chính trị, văn hoá, nghiệp vụ và kỹ thuật cho cán bộ cũng đã đi dần vào nền nếp và đã có những kết quả bước đầu:

- Về mặt văn hoá, đã nâng trình độ văn hoá của số rất đông cán bộ và nhân viên từ trình độ cấp I lên trình độ cấp II, một số lớn đã đạt trình độ cấp III.

- Về mặt nghiệp vụ và kỹ thuật, đã có một số cán bộ tương đối nắm được nghiệp vụ và kỹ thuật, trong đó có những đồng chí đã đạt trình độ chuyên môn trung cấp hoặc cao cấp.

- Về mặt lý luận và chính trị, đã bồi dưỡng thêm một bước nhận thức của đông đảo cán bộ về chủ nghĩa Mác-Lênin, và về đường lối, chính sách của Đảng, do đó đã góp phần nâng cao trình độ tư tưởng và chính trị, nâng cao bước đầu sự hiểu biết của cán bộ về những vấn đề cụ thể của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, giúp anh chị em làm được tốt hơn những công tác trước mắt.

Nhưng bên cạnh những ưu điểm nói trên, việc học tập tại chức còn có những nhược điểm và khuyết điểm như sau:

- Về văn hóa, nội dung chương trình học tập còn có phần quá tham, nhưng lại chưa vững chắc, chưa thật sát với yêu cầu, lứa tuổi và trình độ hiểu biết của các loại cán bộ; chất lượng giảng dạy và học tập còn thấp; trong một số cán bộ và nhân viên, còn có quan niệm học tập văn hoá chưa đúng (như học với mục đích thay đổi công tác, để có địa vị và đãi ngộ cao hơn).

- Về nghiệp vụ và kỹ thuật, nói chung chưa tổ chức được việc học tập tương đối có hệ thống, do đó trình độ hiểu biết nghiệp vụ và kỹ thuật của cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày càng phát triển.

- Về lý luận và chính trị, mục tiêu học tập cho cán bộ mỗi cấp chưa được xác định; nội dung học tập chưa thật phù hợp với yêu cầu của từng ngành và từng loại cán bộ; hình thức và phương pháp học tập kém linh hoạt, tổ chức học tập còn lỏng lẻo.

Những thiếu sót trên đã có ảnh hưởng không tốt đến chất lượng học tập, nên kết quả học tập tại chức còn bị hạn chế.

Để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng cán bộ do Đại hội Đảng lần thứ III đề ra, để phục vụ tốt hơn nữa công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, cần ra sức cải tiến việc học tập tại chức hiện nay.

Nội dung cải tiến bao gồm các mặt như sau:

I- MỤC TIÊU HỌC TẬP

Miền Bắc nước ta đang ở trong thời kỳ lấy xây dựng chủ nghĩa xã hội làm trọng tâm, cho nên đòi hỏi phải nhanh chóng đào tạo và bồi dưỡng một đội ngũ đông đảo cán bộ lãnh đạo và quản lý có chất lượng tốt. Tình hình ấy đặt ra cho chúng ta một nhiệm vụ cấp bách là: đi đôi với việc đào tạo và bồi dưỡng chính quy ở các trường tập trung, phải tích cực đào tạo và bồi dưỡng cán bộ bằng con đường học tập tại chức, và trong một thời gian tương đối dài, phải lấy biện pháp tại chức làm chủ yếu.

Mục đích và yêu cầu của việc học tập tại chức là tranh thủ trong một thời gian nhất định, nâng cao trình độ của cán bộ lãnh đạo và quản lý về lý luận Mác-Lênin, về văn hoá, về nghiệp vụ và kỹ thuật, kịp thời đáp ứng những yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày càng phát triển.

Căn cứ vào mục đích và yêu cầu trên, Ban Bí thư quy định mục tiêu học tập tại chức cho các loại cán bộ từ nay đến hết năm 1970 như sau:

1. Đối với cán bộ cao cấp, trung cấp và tương đương

Về văn hoá

Phải có trình độ lớp 7 toàn diện (toán, lý, hoá, văn, sử, địa) và trình độ lớp 10 về một số môn cơ bản (cần thiết cho việc học tập nghiệp vụ và kỹ thuật).

Về lý luận

Phải học tập tương đối có hệ thống về các môn triết học, chính trị kinh tế học, kinh tế cụ thể, chủ nghĩa xã hội khoa học, học thuyết về xây dựng Đảng và lịch sử Đảng ta (sẽ có chương trình thống nhất).

Về nghiệp vụ và kỹ thuật

Nói chung, phải đạt trình độ trung cấp về nghiệp vụ hay kỹ thuật của ngành mình; đối với một số đồng chí cần cố gắng phấn đấu để đạt trình độ cao cấp.

2. Đối với cán bộ sơ cấp và tương đương

Về văn hoá

Phải đạt tối thiểu trình độ lớp 7 toàn diện (toán, lý, hoá, văn, sử, địa); những đồng chí hiện nay đã có trình độ lớp 7 toàn diện thì phấn đấu đạt trình độ lớp 10 về một số môn cơ bản.

Về lý luận

Học tập có trọng điểm về các môn triết học, chính trị kinh tế học, kinh tế cụ thể, chủ nghĩa xã hội khoa học, học thuyết xây dựng Đảng và lịch sử Đảng ta (sẽ có chương trình thống nhất).

Về nghiệp vụ và kỹ thuật

Phải có trình độ nghiệp vụ hay kỹ thuật trung cấp.

3. Đối với cán bộ cơ sở

Về văn hoá

- Các cán bộ cơ sở làm công tác ở các ngành, các cơ quan, các xí nghiệp từ cấp huyện hoặc tương đương cấp huyện trở lên, tối thiểu phải có trình độ văn hoá lớp 7 toàn diện.

- Cán bộ cơ sở ở xã cũng phải phấn đấu đạt lớp 7 toàn diện.

Về lý luận

Học tập theo chương trình thống nhất sẽ quy định sau.

Về nghiệp vụ và kỹ thuật

- Cán bộ cơ sở ở xã phải học tập công tác quản lý nông nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp, và những hiểu biết cơ bản về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, cán bộ phụ trách công tác ở ngành nào phải học tập xong chương trình nghiệp vụ cơ sở ở ngành đó.

- Cán bộ cơ sở ở các cơ quan, các ngành, các xí nghiệp phải học tập xong chương trình cơ sở về nghiệp vụ và kỹ thuật của ngành mình.

Mục tiêu học tập trên đây chỉ áp dụng cho những cán bộ lãnh đạo, quản lý và nghiên cứu ở các cơ quan Đảng và Nhà nước chưa có đủ trình độ lý luận, nghiệp vụ kỹ thuật và văn hoá tương xứng với trách nhiệm mà họ đương đảm nhiệm. Những cán bộ kỹ thuật, cán bộ nghiệp vụ (kỹ sư, bác sĩ, y sĩ, giáo viên, kế toán, phiên dịch, v.v.) đã tốt nghiệp các trường đại học hoặc trung cấp chuyên nghiệp thì không thuộc phạm vi quy định này. Nếu số cán bộ ấy muốn học tập thêm về lý luận Mác-Lênin, về nghiệp vụ và kỹ thuật, v.v. thì sẽ tự lựa chọn. Trong trường hợp có những cán bộ kỹ thuật hoặc nghiệp vụ chưa được học lý luận Mác-Lênin thì cơ quan lãnh đạo của đơn vị cơ quan có thể dựa vào những mục tiêu trên đây mà định mục tiêu học tập cho thích hợp.

Căn cứ vào những mục tiêu chung trên đây, các ngành sẽ quy định mục tiêu cụ thể cho từng loại cán bộ của ngành mình.

Những cán bộ chưa có trình độ văn hoá lớp 7, trước hết nên tập trung học văn hoá cho đến lớp 7. Sau khi đã đạt trình độ đó, thì sẽ chuyển sang hoặc học lý luận Mác - Lênin, hoặc học nghiệp vụ và kỹ thuật, tùy theo yêu cầu cụ thể của công tác mà quyết định.

Trên đây là những mục tiêu tối thiểu phải phấn đấu để đạt tới từ nay đến năm 1970. Những đồng chí đã đạt được những mục tiêu ấy mà có điều kiện thì nên phấn đấu đạt mức cao hơn.

Đối với những cán bộ già yếu, thì tuỳ theo tình hình sức khoẻ và năng lực tiếp thu mà đặt mục tiêu cho thích hợp.

Đối với cán bộ miền núi, cần tuỳ tình hình cụ thể mà có sự điều chỉnh cần thiết về các mục tiêu học tập.

II- PHƯƠNG CHÂM VÀ NỘI DUNG HỌC TẬP

Về phương châm học tập, một mặt cần thực hiện đúng Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị: "Công tác giáo dục lý luận và chính trị phải thấu suốt phương châm lý luận liên hệ với thực tiễn, phải gắn chặt với cuộc sống, với sản xuất, phải giải đáp đúng đắn và kịp thời những yêu cầu về mặt tư tưởng và lý luận do cuộc sống đặt ra, phải phát huy truyền thống tốt đẹp của Đảng và của nhân dân ta, phải kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản". Mặt khác, do yêu cầu phải cấp bách đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, cần thấu suốt phương châm "cần gì học nấy, học tập để bảo đảm tốt chức trách và công tác đã được giao phó".

Trên tinh thần đó, khi định chương trình và nội dung học tập về các mặt văn hoá, lý luận, nghiệp vụ và kỹ thuật, cần xuất phát từ yêu cầu cụ thể của công tác mà sắp xếp cho thích hợp chương trình và nội dung bao quát được những vấn đề cơ bản, đại thể như trong hệ thống chính quy.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Về biện pháp

Để bảo đảm thực hiện những mục tiêu trên đây, cần dùng hai biện pháp:

Một mặt, tổ chức học tập tại chức theo lối thường xuyên (trường lớp tại chức, trường lớp ban đêm, v.v.).

Mặt khác, tổ chức học tập tại chức theo lối luân huấn ngắn hạn từng môn hoặc từng phần của chương trình.

Từ nay, trong từng thời gian nhất định, mỗi cán bộ chỉ học một thứ: hoặc lý luận, hoặc nghiệp vụ và kỹ thuật, hoặc văn hoá. Học cái gì trước, cái gì sau là căn cứ vào yêu cầu công tác và trình độ của mỗi cán bộ mà quyết định, trên nguyên tắc bảo đảm những mục tiêu đã quy định cho từng loại cán bộ.

Về tổ chức

Theo Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị, "các lớp tại chức hiện nay sẽ dần dần chuyển thành trường tại chức". Trường tại chức có Ban giám đốc lãnh đạo và bộ máy giúp việc gồm một số cán bộ chuyên trách theo tỷ lệ sau: trường có từ 100 đến 300 học viên: 1 cán bộ chuyên trách; từ 300 đến 500 học viên: 2 cán bộ chuyên trách; và từ trên 500 học viên trở lên: 3 cán bộ chuyên trách.

Các chi phí cần thiết của trường dự trù vào quỹ sự nghiệp của các ngành (khoản chi về đào tạo và bồi dưỡng cán bộ).

Về thời giờ học tập

Hiện nay, việc sử dụng chiều thứ ba và chiều thứ bảy hàng tuần vào việc học tập là không hợp lý, nhưng trong khi chờ đợi nghiên cứu toàn diện về giờ làm việc, hội họp, học tập, tạm thời vẫn giữ chế độ sử dụng chiều thứ ba vào việc học tập tại chức, bỏ hẳn việc sử dụng chiều thứ bảy.

Theo chủ trương từng thời gian chỉ học một thứ, từ nay tất cả các trường lớp tại chức về lý luận, nghiệp vụ và kỹ thuật đều thống nhất bố trí học vào cả ba tối: thứ hai, thứ ba, thứ năm và chiều thứ ba hàng tuần. Các trường lớp tại chức về văn hoá thì thống nhất bố trí vào ba tối: thứ hai, thứ ba, thứ năm. Trong trường hợp không dùng buổi chiều thứ ba vào việc học tại chức về nghiệp vụ, kỹ thuật hay lý luận thì phải công tác.

Đối với các trường đại học và trung cấp chuyên nghiệp ban đêm, sẽ thực hiện chế độ nghỉ ôn tập và thi hàng năm và thi cuối khoá, do Bộ Giáo dục đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đối với các trường tại chức về lý luận, chế độ nghỉ ôn tập và kiểm tra sẽ do Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị.

Đối với các cán bộ và nhân viên công tác lưu động thường xuyên, không có điều kiện học tại chức vào những ngày đã quy định trong tuần, thì có thể tổ chức các lớp tập trung ngắn hạn cho anh chị em học tập. Tổng số thời gian để mở lớp ngắn hạn cho số anh chị em này không quá 30 ngày trong một năm.

Về chế độ học tập

Để bảo đảm học tập tại chức có kết quả, tất cả các trường, lớp tại chức đều phải có chế độ chặt chẽ quy định tiêu chuẩn học viên, chế độ học tập, ôn tập và kiểm tra, kỷ luật học tập, v.v.. Qua các đợt kiểm tra, nếu học viên đạt yêu cầu thì nhà trường sẽ cấp giấy chứng nhận cần thiết.

Về giảng viên

Các ngành và các địa phương cần có kế hoạch lựa chọn và bồi dưỡng một số cán bộ có năng lực, có phẩm chất tốt làm giảng viên cho các trường lớp tại chức. Ban Tuyên giáo Trung ương có nhiệm vụ hướng dẫn và giúp đỡ các ngành và các địa phương trong việc này.

Giảng viên các trường lớp tại chức phải bảo đảm các tiêu chuẩn như Trung ương đã quy định và phải được các cấp ủy Đảng chính thức công nhận.

Các đồng chí lãnh đạo các ngành, các địa phương có trách nhiệm tham gia giảng dạy ở các trường lớp tại chức.

Về lãnh đạo học tập

Việc lãnh đạo học tập tại chức từ nay quy định như sau:

- Ở các cơ quan Trung ương: các Ban, các Đảng đoàn cùng với Đảng uỷ cơ quan chịu trách nhiệm lãnh đạo toàn diện việc học tập lý luận, nghiệp vụ và kỹ thuật.

- Ở các địa phương: các tỉnh uỷ, thành uỷ, khu uỷ lãnh đạo chung việc học tập lý luận; các ngành chịu trách nhiệm lãnh đạo việc học tập lý luận nghiệp vụ và kỹ thuật cho cán bộ, nhân viên trong ngành.

*
* *

Cải tiến học tập tại chức là một vấn đề phức tạp, có quan hệ mật thiết đến nhiều mặt, do đó cần được chuẩn bị chu đáo và tiến hành từng bước.

- Các Đảng đoàn, các cấp uỷ địa phương phải lãnh đạo chặt chẽ việc chuẩn bị và thực hiện công tác cải tiến học tập tại chức.

Ban Tuyên giáo Trung ương giúp Trung ương Đảng hướng dẫn và theo dõi các ngành, các cấp thực hiện Chỉ thị này.

T/M BAN BÍ THƯ


TỐ HỮU

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực